Stringee ra mắt vào năm 2017 bởi hai nhà sáng lập Đậu Ngọc Huy và Nguyễn Bá Luân. Nền tảng này cung cấp giải pháp API giao tiếp: Nghe/Gọi (thoại/video), Chat, SMS, Video Conference, Contact Center để doanh nghiệp có thể tích hợp nhanh chóng vào ứng dụng, website hoặc hệ thống quản trị của mình.
Tháng 3/2021, Stringee hoàn tất nhận vốn đầu tư từ quỹ Zone Startups Ventures. Trước đó, Startup này cũng từng gọi vốn thành công 2 triệu USD từ một quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước ở vòng Pre-series A.
Theo đánh giá, Stringee là một trong những startup công nghệ Việt có tốc độ phát triển rất mạnh chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt. Startup này đã chứng minh được vị thế và vai trò của mình bằng những con số rất ấn tượng:
- Từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2021, doanh thu định kỳ hàng tháng (MRR) của Stringee tăng trưởng 1500% trong khi thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn vì COVID-19. Chỉ sau gần 4 năm từ khi ra mắt, Startup này đã đạt được điểm hoà vốn và bắt đầu có lãi mạnh.
- Kết thúc năm 2021, Stringee cán mốc 55 triệu người dùng với 2,5 triệu phút gọi mỗi ngày trên hệ thống. Đến nay, Startup SaaS này đang có hơn 1000 khách hàng, trong đó bao gồm doanh nghiệp thuộc top Fortune Global 500 và nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại bảng xếp hạng VNR500 như: Viettel, Mobifone, Hanwha Life Vietnam, VietinBank, VNDIRECT, Chứng khoán Tân Việt, Shinhan Finance, TP Bank, VIB, Bảo hiểm MIC, Bảo hiểm PTI, Hưng Thịnh Land, Đất Xanh Group,...
Vậy chiến lược nào đã giúp startup 5 năm tuổi khẳng định được vị thế và đạt mức độ tăng trưởng ngoạn mục đến vậy?
Lối đi khôn ngoan hướng tới thị trường 21 tỷ USD
Theo hãng nghiên cứu thị trường statista.com (Mỹ), thị trường Communication API toàn cầu ước tính đạt 21,7 tỷ USD vào năm 2025. Riêng ở Việt Nam, dung lượng thị trường cho nhu cầu phần mềm/giải pháp thông tin liên lạc API có thể đạt đến 40-60 triệu USD/năm, tốc độ tăng trưởng (CAGR) ngành này là 25-38%/năm.
Quy mô thị trường CPaaS (Communication Platform as a Service) thế giới từ năm 2015 đến 2025 (tính bằng tỷ USD) - nguồn statista 2022
Lĩnh vực Communication API là đủ lớn khi hầu hết các doanh nghiệp đều có Website/App/Hệ thống quản trị riêng. Và tất yếu, các doanh nghiệp này đều cần các tính năng giao tiếp trên nền tảng số như: giao tiếp giữa khách hàng và doanh nghiệp để bán hàng/chăm sóc KH/để mở tài khoản/..., giao tiếp giữa nội bộ doanh nghiệp, hoặc giao tiếp giữa người dùng và người dùng trên một app gọi xe/thương mại điện tử/…
Thời điểm Stringee mới ra mắt năm 2017, thị trường Communication API thế giới đánh dấu sự thống trị của các "ông lớn" như Twilio, Vonage, 8x8,... Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn khá mới mẻ và thiếu vắng những cái tên "Việt" tại thị trường trong nước. Sự xuất hiện của Stringee như một luồng gió mới thổi vào thị trường công nghệ Việt khi là đơn vị "hiếm hoi" nhìn ra được tiềm năng và nhu cầu này của doanh nghiệp.
Bộ API giao tiếp của Stringee cung cấp đa dạng, đầy đủ bao phủ nghiệp vụ của doanh nghiệp ở nhiều quy mô và lĩnh vực khác nhau: Voice Call API (gọi thoại), Video Call API (gọi video), Chat API, Video Conference API, Programmable Contact Center API. Vì đặc thù hàm lượng công nghệ khó lớn, hiện Stringee chưa có đối thủ thực sự mạnh tại Việt Nam ở lĩnh vực này.
Tập trung phát triển giá trị cốt lõi của sản phẩm
Thay vì chi số tiền "khủng" chạy quảng cáo hay thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá rầm rộ để có nhiều khách hàng mới, chiến lược của Stringee là tập trung vào giá trị cốt lõi của sản phẩm để có được sự tăng trưởng thực chất bền vững, đồng thời giữ chân khách hàng ở lại.
Chính nhà sáng lập Đậu Ngọc Huy cũng từng khẳng định, công ty không làm lan man nhiều thứ hay nhiều lĩnh vực, mà tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển và làm thật tốt một bộ sản phẩm giải quyết chỉ một nhu cầu của doanh nghiệp đó chính là "số hoá giao tiếp".
Stringee APIs theo đánh giá của khách hàng có tính ổn định cao, dễ dùng, khả năng tích hợp nhanh chóng, tài liệu và code mẫu đầy đủ. Với mỗi khách hàng, startup này đều giải quyết một bài toán phức tạp dựa trên yêu cầu nghiệp vụ riêng, đặc biệt đáp ứng được những tiêu chuẩn cao cấp và khắt khe nhất về chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu có thể kể đến giải pháp Video Call ekYC (định danh KH điện tử); telehealth - khám chữa bệnh trực tuyến qua video call; giám định bảo hiểm từ xa; Contact Center…
VNDIRECT sử dụng Stringee video call cho eKYC - định danh khách hàng điện tử
Hơn nữa, khác với phần lớn các Startup SaaS khác là bán phần mềm hoàn chỉnh, sản phẩm của Stringee khá đặc biệt. Khi doanh nghiệp đã sử dụng và tích hợp API vào sản phẩm App/Website thì sẽ khó thay đổi hơn. Lý do chính là vì để thay đổi API trong hệ thống App/Web có sẵn, doanh nghiệp sẽ cần lên nguồn lực viết lại app, thực hiện quy trình kiểm thử, triển khai app,... Ngoài ra, thay đổi API cũng khiến việc duy trì app phiên bản cũ và phiên bản mới hoạt động cùng nhau rất phức tạp.
Do đó, tỷ lệ rời bỏ dịch vụ (Churn rate) của Stringee rất thấp (nhỏ hơn 2%), so với các doanh nghiệp SaaS khác thì con số này có thể lên đến 30-40%.
Đối với các startups nguồn lực có hạn, chỉ khi tập trung vào giá trị cốt lõi thì sản phẩm mới có đủ chiều sâu, độ "chín" và độ tốt để duy trì cũng như giữ chân khách hàng, từ đó gia tăng lợi nhuận trên mỗi khách hàng có được. Điều này có lẽ đúng với Stringee.
Chiến lược "săn voi" - nhắm tới phân khúc khách hàng enterprise
Đa phần các Startup sẽ chọn phân khúc khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) bởi lẽ đối tượng khách hàng này đang cần chuyển đổi số mạnh mẽ và quyết định mua hàng khá nhanh. Stringee đi ngược xu hướng đó: chọn tập trung vào tập khách hàng doanh nghiệp vừa và lớn.
Theo quan điểm của startup này: "Phần mềm phục vụ được doanh nghiệp lớn với quy mô người dùng lớn (hàng chục triệu người dùng), bài toán nghiệp vụ phức tạp và yêu cầu rất cao về độ ổn định/bảo mật, thì cũng sẽ dễ dàng phục vụ được các doanh nghiệp SMEs".
Với cách triển khai phần mềm linh hoạt qua Cloud - chỉ cần vài click là có thể dùng dịch vụ, nạp tiền qua internet banking/VISA, Stringee đang phục vụ các doanh nghiệp SMEs/startups như: eDoctor, PYS Travel, Homedy, TokyoLife,... Nhưng các doanh nghiệp lớn như Bảo hiểm Vietinbank, Chứng khoán VNDIRECT, Bảo hiểm Bưu điện PTI, Chứng khoán Tân Việt, Prudential,... cũng hoàn toàn có thể sử dụng được.
Ngoài ra, startup này còn triển khai theo hình thức On-premises (triển khai tại hạ tầng của khách hàng) để phục vụ các khách hàng lớn yêu cầu khắt khe hơn như: Hanwha Life, Shinhan Finance, TPBank, VIB, HD Bank, Viettel, Mobifone,..
http://tintuc.vdong.vn/03/1274629.htmÁnh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế