“Cổ phiếu Sacombank như nàng công chúa ngủ trong rừng, gần đây mới được các nhà đầu tư chú ý nhiều”, bà Nguyễn Hằng Nga - Giám đốc quỹ đầu tư Vietcombank đưa ẩn dụ khi nhắc về mã cổ phiếu STB trong talkshow Bí mật đồng tiền số 11 mới đây.
Điều này theo giám đốc quỹ Vietcombank cũng có lý do bởi trước đây có thể ví STB như “cô gái xinh đẹp” nhưng không ai phát hiện ra được bởi cô có một số vấn đề, có thể là những vết sẹo và gần đây cô đã gần xử lý xong các vấn đề của mình.
Chiếc “mũi quay sợi” mang tên M&A
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (STB - Sacombank) là một trong những thương hiệu ngân hàng bán lẻ lâu năm và có tập khách hàng cá nhân lớn trên thị trường Việt Nam. Ngân hàng này tiến hành IPO vào năm 1996 và lên sàn vào năm 2006, là ngân hàng đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Sacombank được thành lập bởi ông Đặng Văn Thành và từng là một trong những ngân hàng “ăn nên làm ra” những năm 1996 - 2011. Nhà băng này đã được ông Thành xây dựng với một nền tảng vững chắc, trong đó đặc biệt nhất là giá trị con người. Tuy nhiên đến năm 2011, sóng gió bắt đầu đến với Sacombank.
Trong chuyện cổ tích, nàng công chúa xinh đẹp vì bị chiếc mũi quay sợi đâm vào tay mà chìm vào giấc ngủ trăm năm. Có thể ví những thương vụ M&A là chiếc mũi quay sợi khiến Sacombank bất tỉnh.
Đầu tiên phải kể đến năm 2011, Sacombank rơi vào nhóm cổ đông lớn khiến “cha đẻ” của nhà băng này là ông Đặng Văn Thành phải rời ngân hàng. Năm 2012, với vốn sở hữu chéo lẫn nhau, hai bên Sacombank - Eximbank, đã ký kết thỏa thuận chiến lược toàn diện. Theo đó, Eximbank cử ông Phạm Hữu Phú sang quản trị ở Sacombank. Nhưng chưa đầy 2 năm sau, ông Phú quay về Eximbank và kịch bản sáp nhập cũng tan vỡ. Một thời gian sau, Ngân hàng Phương Nam - Southern Bank nhập vào Sacombank. Sau đó, Eximbank cắt duyên hoàn toàn với Sacombank bằng việc bán toàn bộ phần vốn trên 8% tại Sacombank.
Năm 2015, Sacombank sáp nhập với ngân hàng Phương Nam với tỷ lệ chuyển đổi 1:0,75, bước vào giai đoạn khó khăn do phải xử lý các các khoản nợ xấu từ ngân hàng Phương Nam.
Sau khi sáp nhập ngân hàng Phương Nam, Sacombank phải gồng mình gánh khoản nợ khổng lồ. Tiếp theo, Sacombank gặp vấn đề liên quan đến nhóm cổ đông lớn là ông Trầm Bê.
Sau khi thắng cuộc và trở thành chủ tịch HĐQT Sacombank trong 2 năm, ông Trầm Bê bất ngờ cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN thực hiện các quyền cổ đông theo quy định pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần của ông và các bên liên quan ở Phương Nam (SouthernBank), Sacombank và NH sau sáp nhập. NHNN sẽ cử người tham gia điều hành, quản trị.
Tiếp theo đó, cựu chủ tịch Trầm Bê và 8 cựu cán bộ ngân hàng Phương Nam bị đưa ra xét xử khi gây thiệt hại hơn 505 tỷ đồng cho ngân hàng.
Sau cuộc sáp nhập, lợi nhuận trước thuế của Sacombank năm 2015 chỉ còn 878 tỷ đồng và năm 2016 còn 156 tỷ đồng, do phải dành gần hết lợi nhuận làm ra để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu mà ngân hàng Phương Nam mang về sau sáp nhập.
Đến năm 2017, ông Dương Công Minh bất ngờ trở thành chủ tịch Sacombank. Để chuẩn bị thương vụ này, Him Lam đã thoái toàn bộ vốn khỏi LienVietPostBank - nơi ông Minh từng đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT.
Sau khi lên ngồi ở ghế “nóng” tại Sacombank, ngoài việc thay đổi lại cơ cấu nhân sự, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, ông Dương Công Minh còn muốn muốn thay đổi mã cổ phiếu STB của Sacombank đang niêm yết trên sàn HoSE thành mã SCM và chuyển sàn niêm yết sang HNX. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được cổ đông thông qua.
Tỉnh giấc mộng dài
Việc Tập đoàn Him Lam và ông Dương Công Minh tham gia tái cơ cấu Sacombank được đánh giá là có nhiều điểm thuận lợi, do ngân hàng này có khối nợ xấu khủng, trong đó có nhiều tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Him Lam lại là một tập đoàn bất động sản lớn trên thị trường.
Vị tân chủ tịch Dương Công Minh cũng thừa nhận, việc sáp nhập đã khiến cho Sacombank gặp một số vấn đề, nhưng cái được lớn nhất là trở thành nhà băng có quy mô lớn nhất trong khối cổ phần.
Từ năm 2017, bên cạnh việc tiếp tục tập trung mở rộng hoạt động ngân hàng bán lẻ, Sacombank đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Nhà băng này là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất từng được công bố. Tuy nhiên số liệu nợ xấu thực sự của Sacombank là nằm trong trái phiếu đặc biệt đã bán cho VAMC.
Theo đó, tổng số nợ xấu đã bán cho VAMC vào cuối năm 2016 lên đến 37.300 tỷ đồng. Do vậy, thực chất tổng nợ xấu của Sacombank ghi nhận trên báo cáo tài chính là hơn 50.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của ngân hàng này. Ban lãnh đạo của Sacombank cũng từng ước tính có 64 nghìn tỷ đồng trong tổng số 75 nghìn tỷ đồng giá trị tài sản đảm bảo của 86 nghìn tỷ đồng nợ xấu tại STB là bất động sản.
Năm 2017, dưới sự lãnh đạo của ông Dương Công Minh Sacombank đã xử lý được hơn 19.660 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong đó, hơn 15.000 tỷ đồng thuộc Đề án Tái cơ cấu. Trong năm 2021, ngân hàng này xử lý được khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu đầu cuối năm 2016 của Sacombank ở mức là 6,68% tổng dư nợ thì đến 2021 chỉ còn 1,35%.
Kết quả kinh doanh của Sacombank cũng được cải thiện rõ rệt. Kết thúc năm 2017 khi ông Dương Công Minh về làm chủ tịch, Sacombank đạt hơn 1.492 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 9,6 lần so với năm 2016. Đến năm 2021, con số này đã tăng lên 4.400 tỷ đồng, gấp 28 lần so với năm 2016.
Nhà băng này cũng cải thiện mạnh mẽ về hiệu quả hoạt động kinh doanh thể hiện ở biên lãi thuần (NIM) năm 2020, mặc dù không cao khi so với đối thủ cạnh tranh, nhưng đã tăng gấp đôi so với năm 2016, đạt 3,3%. Bên cạnh đó Sacombank cũng rất tích cực trong việc gia tăng thu nhập từ phí để đa dạng hóa nguồn thu cho ngân hàng. Thu nhập từ phí chiếm trên 20% tổng thu nhập hoạt động của STB.
Nguồn: VnDirect.
Báo cáo phân tích hồi đầu năm nay về ngành ngân hàng, công ty chứng khoán SSI đánh giá quá trình xử lý tài sản có vấn đề của Sacombank kỳ vọng có cải thiện mạnh trong 2022. SSI ước tính STB có khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng nợ có vấn đề tính đến ngày 30/6/2021, với tài sản đảm bảo bao gồm 600 triệu cổ phiếu STB được cầm cố tại VAMC, KCN Phong Phú (giá đấu giá trước đây là 7,6 nghìn tỷ đồng) và các tài sản khác.
SSI kỳ vọng việc bán cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC sẽ được thực hiện trong 2022. Nếu thực hiện thành công, thương vụ này có thể giúp giảm đáng kể gánh nặng nợ xấu của STB. Ngân hàng này cũng đã đàm phán lại hợp đồng bancassurance với Dai-ichi Life và bán thành công KCN Sóng Thần trị giá 2 nghìn tỷ đồng, mang lại nguồn thu giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2022.
http://tintuc.vdong.vn/03/1274631.htmMộc An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị