Từ 15 giờ ngày 11-3 giá xăng E5RON92 bán lẻ trong nước tăng thêm 2.910 đồng/lít, lên mức 28.980 đồng/lít, giá xăng RON95-III tăng thêm 2.990 đồng/lít, lên mức 29.820 đồng/lít. Việc giá xăng tăng liên tục và lập đỉnh khiến nhiều người trẻ thở dài ngao ngán.
Mặc dù đã có công việc làm thêm ổn định với mức lương 8 chữ số một tháng trong lúc vẫn còn là sinh viên nhưng bạn Võ Trần Khánh Duy (sinh viên năm 3 trường Đại học Ngoại Thương TP.HCM) tỏ ra khá mệt mỏi để tính toán lại việc chi tiêu trong tháng.
Duy cho biết: "Đây không phải là lần đầu tiên xăng tăng, vì theo mình thấy thời điểm năm 2019 thì xăng cũng tăng, lúc đó mình là sinh viên năm nhất, thuê trọ gần trường nên mình đã bỏ hẳn xe máy ở nhà mà đi bộ đến trường luôn cho tiết kiệm".
"Đợt này, giá xăng tăng gần 30.000 ngàn đồng/lít, đã ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Tuy đã có việc làm thêm ổn định nhưng mình cũng phải cắt giảm một số chi tiêu cho sở thích cá nhân trong thời điểm này để bù qua tiền xăng. Bình thường mình đổ xăng chỉ khoảng 60.000 - 70.000 ngàn đồng nhưng bây giờ muốn đầy mình phải đổ hơn trăm ngàn. Do chỗ ở cách chỗ làm thêm cũng xa, vừa phải đến trường vừa phải đi làm nên tuần này mình đã phải đổ xăng nhiều hơn mọi khi khoảng 150.000 ngàn đồng" – Duy nói.
Nhiều bạn trẻ phải điều chỉnh lại thói quen đi lại và sinh hoạt để tiết kiệm chi phí trong khi giá xăng vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt”. Ảnh:TÚ NGÂN.
Cùng chung hoàn cảnh đó, bạn Phí Phương Thảo (sinh viên năm 3, trường ĐH Công Nghệ TP.HCM) bày tỏ: "Giá xăng tăng làm mình thật sự áp lực. Là sinh viên xa nhà vào Sài Gòn học tập, đi làm thêm với đồng lương ít ỏi, mình luôn phải tự cân đối chi tiêu để không phải xin tiền từ bố mẹ quá nhiều. Nếu như những tháng trước khi giá xăng chưa tăng mình dành một khoản nhỏ cho chi phí xăng xe thì bây giờ khoản chi đó đã gấp đôi.
Chính vì vậy mình phải giảm bớt tiền ăn và các chi phí sinh hoạt cá nhân. Không chỉ vậy, mỗi khi đi chợ, giá cả các mặt hàng tăng theo với lý do “Giá xăng tăng nên chi phí vận chuyển cũng tăng” làm mình thật sự bất an, lo lắng. Mình hy vọng nhà nước sẽ có các chính sách nhằm ổn định giá xăng, đừng tăng nữa, để sinh viên vừa học vừa làm như tụi mình đỡ cực hơn", Phương Thảo tâm sự.
Kế hoạch chi tiêu trong tháng được Phương Thảo đong đếm kỹ lưỡng. Ảnh:TÚ NGÂN.
Vừa trở lại TP.HCM học tập hơn 1 tháng, bạn Huỳnh Hoàng Khang, sinh viên năm nhất (trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM) tỏ ra khá hoang mang. Lịch học dày đặc khiến nam sinh quê Tiền Giang chưa thể đi làm thêm, nên ngoài số tiền ba mẹ cho gần như nam sinh không có thêm khoản thu nhập nào.
"Thay vì tự đến trường bằng xe máy riêng, mình và bạn cùng lớp thỏa thuận sẽ cùng đi 1 chiếc xe máy đến trường, sau đó cả hai chia đôi tiền xăng. Chỉ có như thế mới tiết kiệm được một chút chi phí đi lại. Ngoài ra mình còn tiết kiệm bằng việc xen kẽ bữa ăn như bữa sáng ăn mì gói để bữa chiều mua cơm, hạn chế mua sắm quần áo linh tinh, cố gắng gói ghém trong thời gian này" – Khang chia sẻ.
Giá xăng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và học tập của nhiều bạn trẻ. Song, để thích nghi với tình trạng này các bạn trẻ cần hạn chế chi tiêu, cắt giảm những khoản không cần thiết khác để giảm bớt gánh nặng về tiền xăng xe.