Phố đi bộ Hồ Gươm - Ảnh: NAM TRẦN
Theo đề án, dự kiến tuyến phố đi bộ mới sẽ xây dựng tại khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), với chiều dài 889m, trải dài trên diện tích 13.638m2.
Mặt cắt đường rộng 13m, chiều rộng mỗi bên vỉa hè là 3,1m; được bổ sung 2m khoảng lùi nhà phố, tạo ra một khoảng không gian thoáng, kết hợp cây xanh, tiểu cảnh, chỗ nghỉ chân.
Tuyến phố đi bộ được phân thành 4 khu vực chính:
Khu vực ẩm thực: Tổ chức các hoạt động ẩm thực bao gồm cả ẩm thực đường phố, khu trải nghiệm các nền ẩm thực nổi tiếng thế giới và Việt Nam, giới thiệu các sản phẩm ẩm thực đa dạng màu sắc vùng miền...
Khu vực thương mại dịch vụ: Tổ chức các shop thời trang, mỹ phẩm của các nhãn hàng nổi tiếng thế giới và của Việt Nam, bán hàng lưu niệm, văn hóa phẩm, hội chợ truyền thống hoặc hội chợ chuyên đề theo mùa.
Khu vực văn hóa nghệ thuật: Tổ chức các hoạt động nghệ thuật đường phố, các hoạt động mang tính quảng bá nghệ thuật ra đại chúng, các show trình diễn nghệ thuật cá nhân, nhóm, hoặc tổ chức, truyền tới công chúng niềm cảm hứng tình yêu nghệ thuật trong sự đa dạng và nhiều màu sắc.
Tổ chức đường hoa theo tuyến, các điểm dừng chân ngắm cảnh, chụp ảnh, các cụm cây, hoa theo chủ đề, tranh, tượng, nghệ thuật sắp đặt... đem lại những trải nghiệm độc đáo cho người dân.
Khu vực thể thao: Tổ chức các hoạt động thể thao ngoài trời, thể thao đường phố, các sự kiện đồng diễn, các giải đấu mini cho nhiều môn thi đấu patin, trượt ván, breakdance... đem lại không khí tươi trẻ, khỏe, đầy sức sống... tạo ra nhiều năng lượng tích cực, lành mạnh và tinh thần yêu thể thao.
Nội dung đề án nêu rõ, thời gian hoạt động của tuyến phố đi bộ là 3 ngày cuối tuần. Trong đó, giờ hoạt động mùa hè là từ 19h thứ sáu đến 24h chủ nhật; giờ hoạt động mùa đông là từ 18h thứ sáu đến 24h chủ nhật.
Dự kiến, tuyến phố đi bộ sẽ thực hiện hoạt động thí điểm trong 2 năm (2022 và 2023), sau đó sẽ đi vào hoạt động chính thức từ ngày 1-1-2024. Tuyến phố đi bộ do UBND quận Hoàng Mai chủ trì, trực tiếp chỉ đạo, Công ty cổ phần Bitexco được giao trực tiếp quản lý.
Trước đó, ngày 29-7-2020, UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc thành lập tuyến phố đi bộ tại khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3.
Hiện tại ở bãi giữa sông Hồng vẫn có các điểm cho trẻ chơi tự phát - Ảnh: C.K.
Nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch
UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách.
Công viên văn hóa du lịch được xây dựng chủ yếu dựa trên địa hình tự nhiên vốn có; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, kết hợp với xây dựng không gian du lịch văn hóa gắn kết lịch sử, các phong tục tập quán truyền thống, văn hóa gắn liền với sông nước…
Với khu vực bãi giữa, quận Hoàn Kiếm dự tính tổ chức khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, có thể vẫn cho các hộ dân trồng cây ngắn ngày song quy hoạch chuyển đổi cây ngắn ngày phù hợp.
Du khách có thể tham quan, chụp ảnh, hưởng thụ các giá trị cây nông nghiệp đặc sắc theo hướng nông nghiệp hiện đại.
Khu vực này sẽ tổ chức khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, thảm cỏ xen kẽ với các cây lâu năm hiện có; khu chức năng không gian vui chơi, tập thể thao (như sân trượt cỏ) cơ bản theo địa hình tự nhiên; khu chức năng câu cá, bơi lặn, tham quan mặt nước sông Hồng…
Khu vực bãi bồi ven sông sẽ tổ chức các khu chức năng không gian công viên cây xanh (cơ bản giữ lại các cây lớn hiện có), khu chức năng trồng cây ngắn ngày, cây cảnh, cây hoa theo mùa, kết hợp phục vụ khách du lịch.
Bãi giữa sông Hồng là điểm vui chơi quen thuộc của nhiều người Hà Nội - Ảnh: C.K.
Đồng thời, quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức khu dịch vụ, khu vực thể thao để làm nơi sinh hoạt cộng đồng gắn với không gian mặt nước; không gian nghệ thuật cộng đồng, không gian sáng tạo với trọng tâm nhấn mạnh nội dung giá trị lịch sử văn hóa sông Hồng.
Quận Hoàn Kiếm quy hoạch mạng lưới các đường giao thông nội bộ, đường dạo của khu vực bãi giữa, bãi ven sông Hồng theo hướng thiết kế thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu truyền thống, tổ chức lại bãi tắm sông hiện có cho văn minh sạch đẹp, hấp dẫn du khách.
Cảnh quan theo các hướng tiếp cận từ trên cao (hướng nhìn từ cầu Long Biên, cầu Chương Dương), hướng tiếp cận đường sông, đường bộ sẽ được nghiên cứu tổ chức, đảm bảo yếu tố về: tạo dựng khung cảnh thiên nhiên, vẻ đẹp văn hóa, lịch sử, sinh thái; thiết kế cảnh quan bố trí mảng không gian cây xanh; thiết kế kiến trúc nhỏ hài hòa với cảnh quan thiên nhiên...
Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc hai phường Chương Dương và Phúc Tân. Trong đó, khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, một phần khoảng 1ha thuộc địa phận quận Long Biên, được các hộ dân trồng cây lương thực, cây lâu năm.
Khu vực bãi bồi ven sông thuộc địa bàn phường Phúc Tân rộng 11,2ha do các hộ dân canh tác trồng rau, hoa màu, chăn nuôi; khu vực thuộc địa bàn phường Chương Dương diện tích 4,12ha do tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng...
TTO - Thông tin từ thị xã Sơn Tây (Hà Nội), địa phương trên đang khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị để đưa tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây đi vào hoạt động dịp 30-4, 1-5 tới.