Con đường bê tông rộng hơn 2m dẫn vào xóm vạn chài Tiền Phong, xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ - Ảnh: LÊ MINH
Giữa tháng 3-2022, chúng tôi có dịp ghé về xóm vạn chài Tiền Phong (xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) để ghi nhận cuộc sống của hàng chục hộ dân suốt ngày sinh sống lênh đênh trên con nước. Giữa buổi chiều con nước "rặc", hàng chục chiếc thuyền nhỏ neo đậu gần bờ hói Eo Bù, những con thuyền lớn hơn đang vươn mình giữa dòng sông Lam đánh bắt tôm cá.
Cả xóm vạn chài gần 90 hộ dân, nhưng chỉ 57 hộ có đất định cư trên bờ, 8 hộ ở ghép chung gia đình với bố mẹ, 24 hộ với hơn 120 nhân khẩu sống lênh đênh trên những con thuyền. Cuộc sống không nhà cửa, không mảnh đất "cắm dùi" nên xóm vạn chài nổi tiếng với "khát vọng lên bờ" suốt nhiều năm nay.
Những con thuyền nhỏ neo đậu tại hói Eo Bù ở xóm vạn chài Tiền Phong - Ảnh: LÊ MINH
Chỉ ra khu vực bờ sông, bà Nguyễn Thị Thịnh (56 tuổi, ngụ thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh) cho biết, 24 hộ dân chưa có đất xây nhà ở riêng nên có hộ sống chung với các gia đình khác, một số hộ sống ngay trên thuyền. Ngày đánh bắt cá, tối đưa thuyền vào hói đậu rồi ăn ngủ. Vào mùa mưa lũ, các hộ này sơ tán lên bờ ở nhờ nhà của người thân, hết lũ lại xuống thuyền sống và mưu sinh.
"Họ không có tiền mua đất xây nhà trên bờ nên nhiều gia đình có từ 4 đến 5 khẩu nhiều năm sống chen chúc dưới thuyền. Điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, khổ nhất là những gia đình có con trong độ tuổi còn đi học, bất tiện vô cùng", bà Thịnh kể.
Cuộc sống bấp bênh của một gia đình ở xóm vạn chài Tiền Phong trên dòng sông Lam - Ảnh: LÊ MINH
Thêm vào câu chuyện, bà Phạm Thị Tuyết (56 tuổi, ngụ thôn Tiền Phong) cho biết, ngoài 24 hộ sống trên thuyền, trong xóm còn 8 hộ hiện đang ở ghép với các gia đình nhưng vẫn chưa được cấp đất ở riêng. Những hộ này thiếu đất canh tác nên chủ yếu đi làm công nhân kiếm sống. Trong nhà bà Tuyết hiện có gia đình hai thế hệ cùng ở chung, trong khi đất chật không đủ chia cho con nên nhu cầu có mảnh đất cấp cũng rất bức thiết.
Khát vọng đang trở thành hiện thực
Nắm bắt nguyện vọng của người dân xóm vạn chài, cuối năm 2021 chính quyền tỉnh Hà Tĩnh thực hiện khảo sát, bố trí quỹ đất để xây dựng khu nhà ở kết hợp tránh trú bão lũ liền kề gồm 24 căn cho người dân, biến "khát vọng" lên bờ của người dân thôn vạn chài trở thành hiện thực.
Tổng mức đầu tư cho công trình nhà này là 7,9 tỉ đồng; quy mô thiết kế mỗi căn 2 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 113m2. Dự kiến đến tháng 6-2022, 24 căn nhà sẽ hoàn thành và bàn giao cho các hộ dân đưa vào sử dụng.
Khu vực 24 căn nhà được xây dựng tái định cư cho 24 hộ dân ở xóm vạn chài Tiền Phong - Ảnh: LÊ MINH
Theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm hiện tại đã thực hiện xong mặt bằng 24 lô đất cấp, xây xong phần móng và trụ cho 10 căn nhà đầu tiên. 14 căn nhà còn lại hiện nhà tài trợ đang làm các thủ tục cần thiết để triển khai xây dựng.
Ông Nguyễn Quang Việt - chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ - cho hay, thôn Tiền Phong là khu vực sâu nhất của xã nằm ở vùng ngoài đê. Cả thôn có 24 hộ dân chưa có nhà ở, họ chủ yếu sinh sống trên thuyền hoặc sống ghép với các gia đình khác. Cuộc sống của người dân khá bấp bênh, nguy hiểm mỗi khi mùa lũ về nên xây dựng 24 căn nhà cho người dân là chủ trương rất thiết thực và được sự quan tâm đặc biệt của các cấp.
"Việc xây dựng 24 căn nhà được xã hội hóa, hiện các nhà tài trợ đang gấp rút triển khai các thủ tục để xây dựng, 10 căn nhà đã xong phần móng, 14 căn còn lại đang xúc tiến để xây dựng", ông Việt nói.
Các công nhân đang gấp rút hoàn thành 10 căn nhà đầu tiên để bàn giao cho người dân - Ảnh: LÊ MINH
Bà Thịnh tâm sự, được chính quyền và các nhà tài trợ quan tâm xây dựng 24 căn nhà cho người dân trong thôn khiến bà và người dân rất phấn khởi. Vợ chồng người con trai của bà cũng nằm trong diện cấp đất và nhà trong đợt này, có được nơi ở mới cuộc sống của con bà sẽ ổn định hơn.
Bà Nguyễn Thị Thịnh bên căn phòng nhỏ chia cho người con trai để tá túc mỗi khi không thể ra sông đánh cá - Ảnh: LÊ MINH
"Đợt này gia đình tôi vẫn chưa được cấp đất cho vợ chồng người con trai đang ở chung trong nhà. Nhưng nhìn thấy những ngôi nhà kiên cố sắp cấp cho 24 hộ dân trong thôn tôi rất vui mừng, vì từ nay họ không còn sống lênh đênh trên sông nữa. Tôi cũng mong muốn chính quyền sớm xem xét cấp đất cho 8 hộ dân còn lại đang ở ghép để họ đỡ vất vả hơn trong sinh hoạt", bà Tuyết nói.
TTO - Hộ dân Trần Văn Thọ, ở phường Long Bình, TP Thủ Đức chấp nhận giao đất cho dự án Công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc nhưng mỏi mòn chờ bố trí nền tái định cư và tiền tạm cư.
Xem thêm: mth.10430700171302202-gnohp-neit-iahc-nav-mox-auc-ob-nel-gnov-tahk/nv.ertiout