Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Q.H.
Ngày 16-3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-3 nhằm thảo luận, góp ý kiến về dự án luật gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ; dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Cũng theo kế hoạch, hội nghị sẽ họp tập trung tại hội trường Diên Hồng kết hợp với họp trực tuyến.
Trong đó, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tham dự tại hội trường Diên Hồng. Trường hợp vì lý do khách quan, đại biểu không tham dự được tại hội trường Diên Hồng có thể tham dự qua phần mềm họp trực tuyến.
Các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương tham dự hội nghị trực tiếp tại hội trường Diên Hồng hoặc trực tuyến.
Yêu cầu làm rõ chế độ chính sách, các điều kiện bảo đảm cai nghiện
Trước đó, Tổng thư ký Quốc hội cũng đã có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án pháp lệnh trình tự, thủ tục tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết sớm ban hành pháp lệnh này và cơ bản thống nhất với nội dung được đề cập tại tờ trình, dự thảo pháp lệnh, báo cáo thẩm tra.
Thường vụ Quốc hội tán thành cần có quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; điều kiện tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại trong dự thảo pháp lệnh để làm căn cứ áp dụng.
Cùng với đó, thống nhất không quy định về thời hiệu xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong pháp lệnh này.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần quy định VKSND thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ là kiểm sát hoạt động tư pháp, đúng thực tiễn hoạt động và đúng với phạm vi quy định của pháp lệnh này.
Về việc tham gia phiên họp tại tòa án của Trưởng phòng LĐ-TB&XH, Thường vụ Quốc hội tán thành việc quy định theo hướng cho phép trưởng phòng này được ủy quyền cho người đại diện tham gia phiên họp tại tòa án, trong trường hợp trưởng phòng không dự được.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị TAND tối cao phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để làm rõ thêm tình hình trẻ em bị nghiện ma túy, báo cáo đánh giá tác động, thực trạng các cơ sở cai nghiện bắt buộc trên cả nước, chế độ chính sách, các điều kiện bảo đảm cai nghiện.
Ngoài ra, về các vấn đề khác cũng cần phải rõ ràng hơn, bảo đảm tính khả thi hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban pháp luật, TAND tối cao, Bộ LĐ-TB&XH, Công an, Y tế, Tư pháp, Tài chính, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa các ý kiến của Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra.
Đồng thời, có báo cáo tiếp thu, giải trình cụ thể ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo pháp lệnh, gửi Thường trực Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện về kỹ thuật văn bản; lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại đợt 2, phiên họp vào ngày 24-3.
TTO - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đối với những người đầu cơ đất đai, ngày hôm nay mua ngày mai bán, "lướt sóng" đất đai cần phải đánh thuế cao hơn.