Sức mạnh thực sự của nước Mỹ không chỉ nằm ở nền kinh tế khổng lồ, tiếng nói trong lĩnh vực ngoại giao hay sức mạnh quân sự mà còn do đồng USD, hay chính xác hơn là việc định giá dầu thông qua USD.
Giá trị đồng USD nằm ở đâu?
Trong đa số lịch sử văn minh nhân loại, vàng luôn được sử dụng làm thước đo cho sự giàu có. Bản vị vàng là khái niệm chỉ chế độ tiền tệ sử dụng vàng làm phương tiện đo lường, tính toán của nền kinh tế.
Dưới chế độ bản vị vàng, tổ chức phát hành tiền mặt cam kết sẵn sàng nhận lại tiền mặt và trả vàng nếu được yêu cầu.
Mỹ cũng từng sử dụng chế độ bản vị vàng, nhưng đến năm 1971 dưới thời Tổng thống Richard Nixon, lịch sử tiền tệ thế giới đã thay đổi mãi mãi.
Năm 1971, nợ của Mỹ tăng lên mức 398 tỷ USD, một phần do chi phí cho cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Cộng thêm ảnh hưởng từ lạm phát và thâm hụt thương mại của Mỹ tăng cao, nhiều quốc gia mất lòng tin vào bản vị vàng và đã mang USD đến Mỹ để đổi lấy vàng, khiến dự trữ vàng của Mỹ thấp nhất mọi thời đại.
Để chống lại nguy cơ cạn kiệt ngân khố, ngày 15/8/1971, Tổng thống Nixon tuyên bố rằng đồng USD sẽ không còn được dùng để đổi lấy vàng. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Nixon khiến đồng tiền của Mỹ không còn có sự đảm bảo bằng hiện vật.
Mỹ tìm đến dầu mỏ, thứ “vàng đen” được sử dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ nhiên liệu, sản xuất nhựa, phân bón, thuốc trừ sâu, nhựa đường…
Năm 1974, Mỹ và cường quốc dầu mỏ Trung Đông là Arab Saudi nhất trí niêm yết giá dầu bằng USD và thế là hệ thống petrodollar ra đời. Bất kì quốc gia nào muốn mua dầu từ chính phủ Saudi Arabia đều phải đổi tiền nước mình thành USD để có thể thanh toán.
Sau này các nước OPEC còn lại và những nước xuất khẩu dầu như Na Uy, Nga cũng niêm yết giá dầu của mình bằng USD.
Dầu mỏ được thanh toán hoàn toàn bằng USD khiến cho nhu cầu đồng tiền Mỹ luôn luôn ở mức cao. Các nước muốn dầu mỏ thì phải có USD, và để có USD thì phải xuất khẩu sang Mỹ.
Người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi từ hàng hóa giá rẻ, Mỹ đẩy được lạm phát ra nước ngoài. Những năm 1980 - 1990, nền kinh tế Mỹ phát triển bùng nổ.
Tại sao Mỹ phải đi gây chiến khắp nơi?
Vì được hưởng lợi rất lớn từ “bản vị dầu”, Mỹ dùng tất cả quyền lực của mình để đảm bảo rằng tất cả các nước trên thế giới đều phải sử dụng đồng USD trong trao đổi, mua bán dầu.
Là nước có vị thế số 1 thế giới, Mỹ có nhiều cách gây sức ép để quốc gia khác tham gia vào hệ thống petrodollar, từ ngoại giao, chính trị cho đến cấm vận kinh tế và không loại trừ chiến tranh
Theo thống kê của Jang Group and Geo Television Network, kể từ khi thành lập vào năm 1776, Mỹ đã giành 92% thời gian cho chiến tranh.
Năm 2000, Tổng thống Iraq Saddam Hussein tuyên bố sẽ bán dầu thô bằng cả đồng EUR chứ không chỉ lấy USD. Hai năm sau, Mỹ tố cáo ông Hussein bí mật sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và đem quân tấn công, lật đổ ông Hussein.
Năm 2011, Tổng thống Libya Muammar al-Gaddafi kêu gọi các nước châu Phi và Hồi giáo chung tay sử dụng đồng dinar vàng thay cho USD. Theo kế hoạch, Liên hiệp châu Phi sẽ chỉ bán dầu thô và các tài nguyên khác cho ai trả bằng đồng dinar vàng. Tháng 8 cùng năm, Tổng thống Gaddafi bị lật đổ sau sự kiện Mùa Xuân Arab.
Vào ngày 15/09/2018, Venezuela tuyên bố muốn bãi bỏ hệ thống petrodollar của Mỹ bằng việc niêm yết giá dầu thô bằng nhân dân tệ. Sau đó, Tổng thống Venezuela bị ám sát bằng máy bay không người lái nhưng may mắn sống sót. Cách mạng diễn ra khắp đất nước với hàng trăm nghìn người tham gia.
Những ví dụ về Iraq, Libya và Venezuela cho thấy những nước muốn tách khỏi hệ thống petrodollar thường khó sống yên ổn.
Đế chế lung lay
Từ đầu thập niên 1990 đến nay, Mỹ dễ dàng bảo vệ đế chế petrodollar trong trật tự thế giới đơn cực, khoảng trống quyền lực xuất hiện sau khi Liên Xô tan rã.
Giờ đây, Trung Quốc nổi lên như một đối trọng kinh tế của Mỹ, Nga đã khôi phục phần nào tiềm lực quân sự dưới thời Liên Xô, các nước Trung Đông, châu Phi ngày một xa rời khỏi quỹ đạo của Mỹ.
Cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy những rạn nứt của hệ thống petrodollar. Những lệnh cấm vận, các cuộc chiến tranh đã làm cho nhiều nước trở nên thận trọng, thậm chí xa lánh Mỹ.
Ông Sergey Glazyev, cố vấn hàng đầu của Điện Kremlin đã cảnh báo các nhà lãnh đạo phương Tây rằng: "Người Mỹ càng hiếu chiến thì sẽ càng sớm thấy sự sụp đổ của USD".
Nga là nước tiên phong trong việc tách riêng USD ra khỏi dầu mỏ. Kể từ đầu năm 2015, Gazprom Neft, công ty khai thác dầu lớn thứ 3 của Nga tuyên bố đã chuyển sang sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán và sau đó nhiều doanh nghiệp khác cũng theo sau.
Ngày 4/2/2022, Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua bán dầu mỏ và khí đốt trị giá 117,5 tỷ USD, thanh toán bằng EUR.
Khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Nga chịu hàng loạt cấm vận từ Mỹ và các nước đồng minh Phương Tây. Thế nhưng, dòng khí đốt sang châu Âu vẫn chảy, dầu của Nga vẫn tìm kiếm được người mua mới là Ấn Độ.Theo Indiatimes, nhiều khả năng hợp đồng này sẽ được thành toán bằng đồng rúp của Nga hoặc rupee của Ấn Độ.
Ngày 15/3, theo Wall Street Journal, Riyadh và Bắc Kinh đang “tích cực thảo luận” về khả năng Arab Saudi sẽ bán dầu cho Trung Quốc bằng nhân dân tệ thay vì USD.
Nếu Arab Saudi thành công, rất có thể các quốc gia xuất khẩu dầu khác như Iraq, Angola, … sẽ bắt chước, USD sẽ mất đi quyền lực của mình.
Washington sẽ không dễ dàng để cho các nước buông bỏ USD. Nhưng trong một thế giới ngày càng phân cực, nơi quyền lực của Mỹ không còn là tuyệt đối, USD có nguy cơ mất đi sức mạnh vốn có của mình.
Xem thêm: mth.34032511171302202-yal-gnul-nad-gnad-yk-paht-5-nag-gnud-yax-ym-am-ehc-ed/nv.zibmanteiv