Nga không vỡ nợ?
Hôm nay (17/3), Bộ Tài chính Nga tuyên bố chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã hoàn thành việc thanh toán lãi suất của hai lô trái phiếu đồng USD. Các quan chức cho biết họ đã gửi yêu cầu đến đại diện ngân hàng Citibank ở London.
Trước đó một ngày (16/3), chính phủ Nga cần trả 117 triệu USD tiền lãi trái phiếu. Sau thời gian ân hạn 30 ngày mà Nga không thể trả tiền, nước này sẽ được coi là vỡ nợ kỹ thuật.
Việc thanh toán đúng hạn hai lô trái phiếu là một thử thách quan trọng của Nga. Điện Kremlin đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ ngoại tệ đầu tiên trong hơn một thế kỷ sau khi Mỹ và các đồng minh ồ ạt áp lệnh cấm vận Nga, nguyên do bắt nguồn từ cuộc tấn công Ukraine.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã phong tỏa phần lớn dự trữ vàng và ngoại hối của Nga, đồng thời Moscow còn đang bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Thậm chí, nước này có thể bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
Cũng ngày 17/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định bất kỳ khả năng vỡ nợ nào cũng là "hoàn toàn giả mạo" vì Nga có đủ tiền để hoàn thành các nghĩa vụ nợ nước ngoài.
"Thực tế là ngay từ đầu, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng Nga có đủ ngân sách và tài chính để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ. Do đó, hoàn toàn không có vụ vỡ nợ trái phiếu nào hết", vị phát ngôn viên cho hay. "Bất kỳ thông tin nào nói Nga vỡ nợ đều là do ai đó ngụy tạo ra", ông nói thêm.
Theo CNBC, hiện vẫn chưa rõ có phải chính phủ Nga thực hiện thanh toán khoản lãi trái phiếu bằng đồng bạc xanh hay không, khi mà một số chuyên gia phương Tây đồn đoán Moscow muốn trả tiền bằng đồng ruble.
Đầu tuần này, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã cảnh báo rằng nếu Nga thanh toán cho trái chủ bằng một đồng tiền không phải đồng bạc xanh thì đó vẫn bị coi là một vụ vỡ nợ.
"Nga đang nao núng"
Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại hãng quản lý tài sản BlueBay Asset Management, nhận xét: "Nga đang nao núng".
"Họ sử dụng các nguồn lực trong kho vũ khí hạn chế, ngoài tầm với của các lệnh trừng phạt của phương Tây để thanh toán lãi trái phiếu. Giờ hãy chờ đợi xem tiền có tới tay các trái chủ hay không", ông Ash nói tiếp.
Theo vị chuyên gia, Nga đã nhận ra rằng "cái giá khi chính mình vợ nỡ đã trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều".
Citibank, với tư cách là ngân hàng thanh toán cho các trái chủ nước ngoài của Nga, bỗng bị cuốn vào vụ việc. Giới đầu tư đang chờ đợi xem Moscow có thể thu xếp thành công các khoản lãi hay không.
Các ngân hàng thanh toán thường đóng vai trò trung gian, thay mặt tổ chức phát hành nhận và xử lý các khoản thanh toán cho người nắm giữ tài sản. Thông thường, các đơn vị này không được phép tiết lộ thông tin mật của khách hàng.
Nếu không thể hoàn thành các nghĩa vụ nợ nần sau thời gian ân hạn 30 ngày, Nga dĩ nhiên rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật. Song, Điện Kremlin có thể phản pháo rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản họ làm vậy.
Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định Nga vẫn còn đủ tiền để trả nợ, nhưng các lệnh trừng phạt sâu rộng mà phương Tây áp lên lên các tổ chức tài chính và ngân hàng trung ương Nga khiến nước này không thể tiếp cận chúng.
Trong một lưu ý ngày 14/3, kinh tế trưởng William Jackson của hãng nghiên cứu kinh tế Capital Economics, bình luận: "Nga vỡ nợ sẽ là sự kiện có ý nghĩa biểu tượng. Tuy nhiên, điều này khó có thể gây tác động lan tỏa lớn ở đất nước Liên Xô cũ hay bất kỳ nơi nào khác".
Xem thêm: mth.39451501271302202-tat-gnag-gnort-on-ov-hnac-taoht-agn/nv.zibmanteiv