Tin nhắn nêu thời gian, địa điểm và hành vi bị truy nã. Người nhận được yêu cầu phải nhanh chóng tự giác trình điện.
Ngày 18/3, đại tá Trần Ngọc Cường (Trưởng phòng Truy nã, Truy tìm, Cục Cảnh sát hình sự (C02 Bộ Công an) khẳng định "cơ quan điều tra không bao giờ gửi quyết định truy nã bằng tin nhắn điện thoại".
Người bị truy nã là bị can, bị cáo đang bỏ trốn hoặc người bị kết án phạt tù đang tại ngoại song bỏ trốn,... Bởi thế, người dân đang sinh sống bình thường, không vi phạm pháp luật thì không thể "tự nhiên nhận được quyết định truy nã".
"Hơn nữa, việc bắt tội phạm truy nã sẽ luôn được thận trọng bởi liên quan danh dự, nhân phẩm và quyền con người. Không ai gửi quyết định truy nã cho chính người bị truy nã", ông Cường nói.
Điều 231 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, khi không biết bị can trốn ở đâu thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định truy nã. Quyết định này là văn bản tố tụng hình sự do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo mẫu chung mà Bộ Công an ban hành, có đóng dấu đỏ; thông tin nhận dạng bị can; tội danh bị khởi tố; địa chỉ và số điện thoại của đơn vị ra quyết định.
Thẩm quyền ra quyết định truy nã là thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát hoặc an ninh điều tra các cấp; thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh; giám thị, phó Giám thị trại giam; giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an.
Xem thêm: lmth.1540444-oad-aul-al-an-yurt-hnel-ev-nahn-nit-iom-us-hnih-cuc/ten.sserpxenv