Mới đây, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (MCK: BAF) thông báo công ty đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ân từ 15/3. Đồng thời, bầu ông Trương Sỹ Bá giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty từ ngày 15/3.
Ông Trương Sỹ Bá sinh năm 1967, hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, đơn vị được thành lập năm 2000 và rất có tiếng trong mảng kinh doanh nông nghiệp. Ngoài ra, ông Bá còn là pháp nhân đứng tên đại diện cho hàng loạt doanh nghiệp như CTCP khai thác và xuất nhập khẩu khoáng sản Thiên Long, CTCP bột đá vôi trắng siêu mịn Nghệ An, CTCP lương thực A An,...
Trước đó, Công ty của chủ tịch Tân Long Group đã trở thành cổ đông lớn tại BAF vào ngày 4/1 qua giao dịch mua vào số lượng lớn cổ phiếu tại doanh nghiệp này. Cụ thể, Công ty Cổ phần Siba Holdings đã chi 700 tỷ đồng mua vào gần 16 triệu cổ phiếu BAF, tương đương 20,5% vốn điều lệ trong ngày 4/1/2022. Trước đó, Siba Holdings không sở hữu bất kỳ cổ phiếu BAF nào.
Siba Holdings là gương mặt mới trên thị trường, chỉ vừa đặt chân vào thị trường từ ngày 14/10/2021. Doanh nghiệp đăng ký trụ sở chính tại tầng 5, tòa nhà Diamond Flower, 48 Lê Văn Lương, khu đô thị mới N1, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Người đại diện pháp luật của Siba Holdings là doanh nhân nổi tiếng trên thương trường, ông Trương Sỹ Bá, chủ tịch Tân Long Group.
Sau khi thực hiện IPO tăng vốn lên 780 tỷ đồng như hiện nay, ngoài Siba Holdings, doanh nghiệp còn hai cổ đông lớn khác là Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang với 13,25% vốn và cựu Chủ tịch HĐQT Phan Ngọc Ấn nắm 6,35% cổ phần BAF.
Ngoài ra, trong Báo cáo tài chính tính tới 31/12/2021, BAF Việt Nam đang ghi nhận 168,6 tỷ đồng phải thu CTCP Tập đoàn Tân Long. Như vậy, việc ông Trương Sỹ Bá giữ chức Chủ tịch HĐQT tại BAF chỉ là để cụ thể hóa hiện diện của Tập đoàn Tân Long tại BAF.
Động thái đổi chủ của BaF Việt Nam được thông qua trong bối cảnh BAF Việt Nam vừa báo lãi kỷ lục trong năm đầu tiên lên sàn chứng khoán.
Theo đó, trong quý IV/2021, BAF ghi nhận doanh thu đạt 1.347,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 76,66 tỷ đồng, lần lượt giảm 70% và tăng 371,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 1% lên 10,4%.
Lũy kế trong năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 10.413,6 tỷ đồng, giảm 18,9% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 321,83 tỷ đồng, tăng đột biến 602,2% so với cùng kỳ năm trước đó.
Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam đưa ra ba nguyên nhân chính kéo tỉ suất lợi nhuận quý cuối năm 2021 tăng vọt gồm chọn đúng thời điểm mua nguyên liệu để có giá tối ưu, duy trì độ ổn định năng suất đàn lợn và giá bán thịt hồi phục. Đồng thời, trong năm ngoái, việc giảm tỉ trọng mảng thương mại các mặt hàng nông sản sang tập trung nuôi lợn theo mô hình khép kín đã giúp công ty cải thiện tỉ suất lợi nhuận nhờ giảm giảm giá thành cùng định phí thông qua duy trì ổn định đàn nuôi.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của BAF Việt Nam tăng nhẹ lên hơn 5.450 tỷ đồng, với gần 80% là tài sản ngắn hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp này ghi nhận thêm khoản đầu tư chứng khoán 65 tỷ đồng, trị giá 2,6 triệu cổ phiếu tại Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh.
Doanh nghiệp đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu thuần dự kiến đạt 5.950 tỷ đồng, tương đương chỉ bằng 57% kết quả năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng tăng 25% lên mức 402 tỷ đồng.
Đối với mảng chăn nuôi, dự kiến có khoảng 259.000 con heo được bán ra thị trường trong năm 2022 trong đó, 75% là heo thịt. Mảng này được kỳ vọng đem lại lợi nhuận cao nhất với chỉ tiêu đề ra mang về 1.272 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 294 tỷ đồng, chiếm 73% tổng lợi nhuận sau thuế năm nay của BAF Việt Nam.
Trên thị trường, cổ phiếu BAF đã chốt phiên ngày 18/3 ở mức giá 63.700 đồng/cổ phiếu.
CTCP Tập đoàn Tân Long trước đó là CTCP Hóa Chất Công Nghiệp Tân Long có tiền thân là Công ty TNHH Tân Long Vân được thành lập vào năm 2000. Với nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất, năm 2006, Tân Long Vân chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP.
Từ khai thác khoáng sản, buôn hóa chất, buôn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi đến xuất khẩu gạo, ở hầu hết các lĩnh vực Tân Long Group của ông Trương Sỹ Bá đều ghi dấu ấn và gặt hái thành công.
Từ tháng 8/2011, khi Tân Long Group được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có thời hạn đến tháng 9/2012 (sau đó được thời hạn đến 5 năm/lần), hoạt động kinh doanh của công ty chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc giúp Tân Long Group góp mặt vào nhóm doanh nghiệp có doanh thu tỷ đô và duy trì từ đó. Đến nay, mảng nông nghiệp đóng góp hơn 80% doanh thu của Tân Long Group.
Danh mục khách hàng của Tân Long Group trong lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc đã có một loạt tên tuổi lớn như Cargill, CHS, Sojitz, Posco Daewoo, C.P. Group, Masan Group, Green Feed…
Hiện tại, ngoài trụ sở chính đặt tại Hà Nội, Tân Long còn có các chi nhánh tại Đồng Tháp, Đà Nẵng, Tp.HCM và Hải Phòng. Tập đoàn cũng mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều nước như Campuchia, Singapore, Myanmar, Ai Cập, Philippines, Guinea Bissau, Cote D’ivoire (Bờ Biển Ngà) và Tazania.