Ngày 18-3, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã tổ chức công bố quốc tế về việc Việt Nam tạp chí khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn, Kinh doanh và quản lý của trường được công nhận vào danh mục SCOPUS (cơ sở dữ liệu của Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan).
Tạp chí được công nhận vào ngày 6-3 vừa qua, có tên Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Châu Á (JABES). Tạp chí đã có hơn 30 năm hình thành và phát triển thuộc trường ĐH này, được thực hiện chiến lược theo tiêu chuẩn của một tạp chí khoa học có uy tín, chất lượng của thế giới.
GS.TS Sử Đình Thành phát biểu tại buổi lễ công bố quốc tế
Việc tạp chí được công nhận vào danh mục SCOPUS sẽ trở thành nơi cung cấp các bài báo khoa học đáng tin cậy.
Đặc biệt, đây cũng là tạp chí đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kinh doanh và kinh tế được Hội đồng tư vấn và xét duyệt của Scopus đưa vào chỉ mục tạp chí uy tín Scopus.
GS.TS. Sử Đình Thành, Hiệu trưởng trường chia sẻ: “Việc JABES được gia nhập vào chỉ mục SCOPUS không chỉ là niềm tự hào của trường mà còn là niềm tự hào của cộng đồng khoa học Việt Nam và của khối ngành KHXH&NV, kinh doanh và quản lý ở Việt Nam".
Tuy nhiên, theo GS.TS Thành, đây mới chỉ là một thành công ban đầu và trong thời gian tới sẽ có không ít khó khăn và thách thức. Thời gian tới, ông hi vọng JABES sẽ luôn giữ vững và phát huy uy tín học thuật, khẳng định vị thế của một tạp chí Scopus trong khối ngành kinh tế của Việt Nam, góp phần nâng cao danh tiếng học thuật của trường trong khu vực và thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao khi tạp chí JABES đã sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ để có những bước phát triển vượt bậc vươn tầm quốc tế.
Thứ trưởng cũng kỳ vọng lãnh đạo JABES và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ có những giải pháp để duy trì tính nghiêm ngặt trong chuyên môn, đảm bảo tuân thủ các đạo đức xuất bản của một tạp chí có uy tín thế giới, tiếp tục gia nhập các bảng xếp hạng cao hơn, tập trung vào những mảng nghiên cứu trọng điểm có tính ảnh hưởng cao để đóng góp nhiều hơn nữa cho nền khoa học nước nhà, cho khu vực và cho toàn cầu.