vĐồng tin tức tài chính 365

Mở cửa du lịch: Bắt tay "gọi khách về" không "há miệng chờ sung"

2022-03-20 07:40

Chủ động liên kết tạo sức hút 

Hơn 2 năm qua, tình hình thế giới và Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; nhất là lĩnh vực du lịch chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng, có những giai đoạn ngành du lịch gần như “đóng băng."

Song với những chủ trương, giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương, tình hình kinh tế-xã hội của cả nước đang trên đà phục hồi phát triển, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19; trong đó, du lịch có những tín hiệu lạc quan, từng bước mở cửa lại thị trường đón khách quốc tế.

Các lãnh đạo, chuyên gia Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa ra đánh giá chung trên tại Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới” diễn ra ngày tại 18/3 tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương đảm bảo điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn, hoạt động du lịch được tổ chức chặt chẽ, có lộ trình đồng bộ, khoa học và hiệu quả; chủ động chuẩn bị các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch.

Kinh tế vĩ mô - Mở cửa du lịch: Bắt tay 'gọi khách về' không 'há miệng chờ sung'

Liên kết du lịch giữa Tp.HCM với 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL được đánh giá có hiệu quả, thúc đẩy du lịch phát triển tốt hơn. Ảnh: PLO

Các địa phương phải đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hóa miệt vườn; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo…

Các công ty lữ hành phát huy vai trò trong việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.

Các địa phương cần nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch; đẩy mạnh liên kết truyền thông, xúc tiến quảng bá thu hút khách; thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến...

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa - Tổ trưởng Tổ giúp việc Chương trình, cho biết giai đoạn 2019-2022, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả bước đầu như hình thành 3 trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện  tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa” (Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Vĩnh Long-Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau); tuyến du lịch “Non nước hữu tỉnh” (Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh); tuyến du lịch “Sắc màu vùng biên” (Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Đồng Tháp-An Giang-Kiên Giang).

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là Tổ trưởng Tổ giúp việc đã vận động các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu, điểm tham quan du lịch xây dựng các chính sách kích cầu kép (vừa giảm chi phí ăn uống vừa miễn phí vé tham quan)... Các tỉnh, thành đã gửi danh sách các điểm vận động tham gia kích cầu về Thành phố Hồ Chí Minh với mức kích cầu phổ biến là từ 10-20%.

Các doanh nghiệp lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch (tour) kích cầu từ Thành phố Hồ Chí Minh đi đến các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn bộ các chương trình này đều được giới thiệu trên website kích cầu du lịch của thành phố.

Cũng tại Hội nghị, tỉnh Bạc Liêu đề xuất lãnh đạo Bộ sớm phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch vùng; tiếp tục hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch. Trong quá trình lập Đề án Quy hoạch du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần chú trọng đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long vào tổng thể quy hoạch, để có định hướng và dành nguồn lực đầu tư phát triển.

Nhân dịp này, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết hợp tác phát triển du lịch và phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”.

Đường sắt giảm 40% giá vé - Hàng không mở chuyến đi dưới 10.000 đồng 

Theo thông tin từ Báo Tin tức, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang áp dụng nhiều chương trình giảm giá vé tàu hỏa cho đoàn khách du lịch từ 10 - 100 người. Thời gian áp dụng từ 15/3 - 27/4, từ 4/5 - 31/5, từ 22/8 - 31/8 và từ 5/9 - 28/12/2022.

Vé có cự ly vận chuyển trên 751 km trên đôi tàu Thống nhất SE3/SE4 chạy hàng ngày từ thứ 2 - thứ 4, trên hai đôi tàu SE7/SE8 và SE21/SE22 chạy hàng ngày từ thứ 2 - 5 được giảm giá vé đến 40% tùy theo loại chỗ, thời gian xuất vé.

Vé ghế ngồi được giảm 30% khi xuất vé trước ngày đi tàu từ 5-19 ngày, giảm 35% khi xuất vé trước 20-19 ngày, giảm 40% khi xuất vé trước từ 30 ngày trở lên. Vé giường nằm được giảm 20% khi xuất vé trước ngày đi tàu từ 5-19 ngày, giảm 25% khi xuất vé trước 20-19 ngày, giảm 30% khi xuất vé trước từ 30 ngày trở lên.

Kinh tế vĩ mô - Mở cửa du lịch: Bắt tay 'gọi khách về' không 'há miệng chờ sung' (Hình 2).

Đường sắt giảm đến 40% giá vé để kích cầu du lịch. 

Đối với vé có cự ly vận chuyển từ 500 - 750 km trên các đôi tàu Thống nhất SE3/SE4 chạy hàng ngày từ thứ 2 - thứ 4, trên hai đôi tàu SE7/SE8 và SE21/SE22 chạy hàng ngày từ thứ 2 - thứ 5, các mức giảm loại chỗ ghế ngồi tương ứng là 20%, 25% và 30%. Loại chỗ giường nằm, các mức giảm tương ứng là 15%, 20% và 25%.

Các mức giảm theo loại chỗ trên cũng được áp dụng với vé có cự ly vận chuyển từ 300km trở lên trên các tàu khu đoạn: Tàu số chẵn chạy các ngày từ thứ 2 đến thứ 4, thứ 7, Chủ nhật; Tàu số lẻ chạy từ thứ 2 đến thứ 6; Tàu SPT2 Sài Gòn - Phan Thiết chặng suốt chạy từ thứ 2 đến thứ 5, chủ nhật và tàu SPT1 chặng suốt chạy từ thứ 2 đến thứ 6. Đối với vé tàu các cự ly vận chuyển khác, giảm giá 20% loại chỗ ghế ngồi và 15% loại chỗ giường nằm nếu xuất vé trước 5 ngày trở lên. Mác tàu áp dụng là Tàu SE3/SE4 chạy hàng ngày từ thứ 5 - chủ nhật; Tàu SE7/SE8, SE21/SE22 chạy từ thứ 6 - chủ nhật; Tàu khu đoạn số chẵn chạy thứ 5, thứ 6; Tàu khu đoạn số lẻ chạy thứ 7, chủ nhật; Tàu SPT1 chạy thứ 7, chủ nhật; Tàu SPT2 chạy thứ 6, thứ 7.

Hướng dẫn viên theo đoàn cũng được giảm 90% giá vé ghế ngồi hoặc giường nằm khoang 6. Đoàn khách từ 5 đến 50 người, có một hướng dẫn viên được giảm giá; đoàn khách từ 51 - 100 người, có hai hướng dẫn viên được giảm giá vé.

Hưởng ứng sự kiện mở cửa du lịch, các hãng hàng không cũng đã cung cấp tập mở thêm mạng bay trong nước và quốc tế, kỳ vọng đà phục hồi nhanh chóng.

Góp mặt trong những chặng bay mở mới từ ngày 16/3, tân binh Vietravel Airlines của ông Nguyễn Quốc Kỳ đã tăng thêm 2 đường bay từ Hà Nội đến Quy Nhơn, Đà Nẵng và ngược lại.

Hiện Vietravel Airlines duy trì các đường bay hiện có với tần suất 1 - 2 chuyến/ngày và sẵn sàng tăng tần suất của một số đường bay lên 3 - 4 chuyến/ngày. Việc mở bán chặng bay mới nhằm kích cầu nhu cầu đi lại của hành khách trong giai đoạn đầu mở đường bay trở lại. 

Hãng này đang tung ra ưu đãi cho các chặng Hà Nội - Đà Nẵng và ngược lại với mức giá chỉ từ 4.300 đồng (chưa bao gồm thuế, phí), Hà Nội - Quy Nhơn và ngược lại với mức giá chỉ từ 7.700 đồng. Chương trình ưu đãi được áp dụng từ ngày 16/3 đến 21/4 và áp dụng cho các chặng bay từ 22/4 đến 26/10.

Trong khi đó, ông trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Vietjet khẳng định hãng này đã "kích hoạt" nhiều biện pháp để đón khách du lịch. Dự kiến cuối tháng 4, hãng sẽ tiếp tục tăng tải và đến tháng 5 sẽ bay trở lại toàn bộ đường bay của năm 2019.

Kinh tế vĩ mô - Mở cửa du lịch: Bắt tay 'gọi khách về' không 'há miệng chờ sung' (Hình 3).

Hành khách làm thủ tục check-in tại sân bay, sẵn sàng vi vu đường bay mới du lịch trong dịp cao điểm lễ 30/4 và 1/5. Ảnh: Tuổi trẻ. 

Tiếp đó, trong tháng 6 sẽ khai thác lại toàn bộ đường bay quốc tế, cũng như chuẩn bị máy bay thân rộng để bay đến Úc, châu Âu...

Sau hơn 2 năm bị "đóng băng", thị trường hàng không và du lịch đang được dự đoán sẽ có sức bật như lò xo. Các nhu cầu đi lại để công tác, khám phá du lịch, đoàn tụ với người thân đang tăng mạnh sau thời gian dài bị đè nén.

Việc mở cửa lại du lịch đón khách quốc tế từ ngày 15/3 trong điều kiện bình thường mới, các hãng hàng không khẳng định đã lập kế hoạch và xúc tiến việc mở cửa các chặng bay mới trong nước, nhằm kết nối các thành phố lớn và các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam đón đầu làn sóng khách du lịch một cách chủ động.

Thủ tục càng đơn giản càng tốt 

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, sau hơn 2 năm gồng mình ứng phó với Covid-19, rất nhiều nước đã và đang triển khai mạnh mẽ chính sách nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa đi lại và thúc đẩy du lịch quốc tế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Hiện nay có khoảng 50 nước trên thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á như Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, đã nới lỏng các quy định về nhập cảnh, miễn xét nghiệm RT-PCR, miễn cách ly đối với khách quốc tế để kích cầu du lịch.

Tại Hội nghị Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam quyết định mở cửa toàn bộ du lịch từ 15/3 không phải là một "sự chạy đua", mà là lộ trình rất thận trọng, được đưa ra trên cơ sở nền tảng vững chắc và những kết quả quan trọng trong quá trình ứng phó với Covid-19. “Việt Nam mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch có nghĩa là chúng ta chính thức mở lại giao lưu, giao thương quốc tế từ ngày 15/3, như trước khi có dịch Covid-19”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm mở cửa du lịch quốc tế của Australia, đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho hay, quốc gia này có chính sách nhập cảnh rất thận trọng. Tuy nhiên, từ năm 2021, Australia đã có chính sách sống chung với Covid và mở cửa theo lộ trình. Tháng 4/2021, “xứ sở chuột túi” mở cửa đối với du khách New Zealand, từ tháng 11/2021 mở cửa với Singapore và từ tháng 12/2021 với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Kinh tế vĩ mô - Mở cửa du lịch: Bắt tay 'gọi khách về' không 'há miệng chờ sung' (Hình 4).

Để mở cửa du lịch quốc tế, các doanh nghiệp kiến nghị thủ tục càng đơn giản càng tốt. Ảnh: Báo Đầu tư. 

Nhờ tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt trên 95%, từ ngày 21/2, Australia mở cửa hoàn toàn với tất cả các quốc gia. Hiện mọi du khách quốc tế đến Australia không phải cách ly, không cần đeo khẩu trang, thủ tục đơn giản với 2 loại giấy tờ gồm: giấy chứng nhận tiêm vắc-xin và giấy chứng nhận có kết quả âm tính với Covid. Nếu là test nhanh thì có hiệu lực trong 24 giờ, với PCR hiệu lực trong 72 giờ.

Đặc biệt, để hấp dẫn du khách quốc tế, Australia đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, từ năm 2021 đến hết tháng 1/2022, Australia đã chi khoảng 40 triệu USD quảng bá du lịch ở nhiều nước và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ sự thành công của Australia, đại sứ Nguyễn Tất Thành kiến nghị thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam càng đơn giản càng tốt, bởi đây là lý do vì sao Australia thu hút được đông đảo du khách trong thời gian ngắn. Australia cũng là một trong 5 thị trường có lượng khách đến Việt Nam lớn nhất, với trung bình từ 500.000 đến 600.000 du khách/năm.

Marketing truyền thông điểm đến, nâng cao thương hiệu quốc gia

Bên cạnh đó, tại Hội nghị, bà Phạm Thị Nguyệt, Trưởng ban Tiếp thị sản phẩm Vietnam Airlines cũng khuyến nghị Chính phủ cần sớm ban hành văn bản quy định đầy đủ, chi tiết về mở cửa du lịch và mở cửa toàn diện, nhất quán, ổn định. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu, xem xét các biện pháp nới lỏng chính sách về visa hơn, như tăng số lượng thị trường được miễn thị thực đơn phương, được làm visa online; tăng thời gian hiệu lực của visa, cho phép gia hạn visa ngay trong nước dễ dàng mà không cần xuất cảnh.

Cùng với đó, Chính phủ đầu tư vào quỹ marketing truyền thông điểm đến, nâng cao thương hiệu quốc gia. Đồng thời, ở các thị trường lớn cần có văn phòng xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam. Trước mắt, ít nhất mỗi châu lục cần có một văn phòng này.

Tour MICE rộn ràng 

Các hãng lữ hành lớn cho biết, loại hình du lịch MICE đã trở lại. Hiện nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ dòng khách này.

Chỉ trong tháng 2 vừa qua, tại trụ sở chính Công ty Vietravel khu vực Tp.HCM đã có khoảng 150 đoàn với gần 9.000 khách tham gia tour du lịch MICE tại các điểm đến an toàn như Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu (Hồ Tràm, Long Hải), Đà Lạt, Phan Thiết… Dự kiến trong tháng 3 này sẽ tiếp tục phục vụ khoảng 220 đoàn khách MICE với số lượng trên 11.000 du khách của các doanh nghiệp lớn tham gia.

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối kinh doanh du lịch khách đoàn, Công ty Vietravel cho biết, các sản phẩm du lịch MICE được thiết kế theo hướng linh hoạt, chú trọng không gian mở nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Bước đầu đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường nên đã ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan từ du khách. Bên cạnh chú trọng khai thác thị trường du lịch MICE nội địa, Vietravel đang đẩy mạnh thị trường du lịch nước ngoài (outbound) với các điểm đến an toàn như Thái Lan, Campuchia, châu Âu… để khách hàng có thêm lựa chọn.

“Thời gian tới, Vietravel sẽ ưu tiên vào chất lượng sản phẩm, các điểm đến gần gũi với thiên nhiên, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu nhằm mang lại trải nghiệm thật sự ấn tượng cho khách hàng. Đặc biệt, đưa ứng dụng các thiết bị và công nghệ tự động hóa trong chương trình team building và hội thảo để mang đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách; thiết kế thêm những dòng sản phẩm tập trung vào loại hình du lịch sống chậm và rèn luyện sức khỏe như thiền, yoga, dưỡng sinh, tắm khoáng nóng... nhằm mang đến cơ hội phục hồi thể chất và tái tạo năng lượng tinh thần cho du khách”, bà Quỳnh chia sẻ với báo Đầu tư. 

Không hề kém cạnh, trong tháng 2, Saigontourist đã tổ chức thành công các chương trình du lịch MICE trong nước với hơn 13.000 khách. Trong tháng 3, hãng lữ hành này dự kiến tổ chức hơn 80 đoàn MICE với chương trình tham quan kết hợp tổ chức sự kiện, hội thảo, teambuilding, gala dinner tại Hà Nội, Sapa, Điện Biên, Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Hồ Tràm, Phú Quốc...

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị - truyền thông Saigontourist cho biết, thời gian tới, du lịch MICE sẽ là một trong những dịch vụ thế mạnh của Saigontourist. Đơn vị sẽ hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tổ chức các chương trình du lịch, sự kiện quan trọng.

Những điểm đến mà du lịch MICE trong nước được nhiều khách hàng, doanh nghiệp nhắm đến nhiều nhất hiện nay là Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Long Hải… Đây cũng sẽ là tâm điểm của du lịch MICE vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 và mùa hè năm nay. Đặc biệt, tại những thành phố nổi tiếng về du lịch MICE như Đà Nẵng, Nha Trang và Quy Nhơn, Saigontourist còn có ưu thế chủ động về dịch vụ, tổ chức và hậu cần thông qua chi nhánh của Công ty tại các địa phương này.

Tương tự, bà Trần Phương Linh, Giám đốc tiếp thị - công nghệ thông tin BenThanh Tourist cũng cho biết, hiện đa phần du khách đã được tiêm 3 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 nên khá yên tâm đi du lịch. Du khách không còn hoảng loạn khi phát hiện trong đoàn có ca nhiễm như thời gian đầu. Trong tháng 2 vừa qua, BenThanh Tourist cũng đã phục vụ hơn 1.000 lượt khách MICE, dự kiến tháng 3 này tiếp tục phục vụ khoảng 4.000 lượt khách MICE.

Hương Anh (tổng hợp) 

 

Xem thêm: lmth.828645a-gnus-ohc-gneim-ah-gnohk-ev-hcahk-iog-yat-tab-hcil-ud-auc-om/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Mở cửa du lịch: Bắt tay "gọi khách về" không "há miệng chờ sung"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools