ĐH Bách Khoa Hà Nội (HUST) vừa tổ chức Ngày hội thông tin TECHSTART - Sự kiện phát động cho Cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp công nghệ TECHSTART năm 2022.
Cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp công nghệ TECHSTART lần đầu tiên được Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức với mong muốn tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp của các nhóm sinh viên tài năng, từ đó trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho sinh viên trong thời gian học tập tại trường.
"Tham gia vào cuộc thi, các em sinh viên sẽ nhận được hỗ trợ từ các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nhân, quỹ khởi nghiệp để có thể phát triển từ ý tưởng thành sản phẩm, kế hoạch kinh doanh, từ đó khởi nghiệp. Đó là quá trình tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm, và là con đường để các em đi tới thành công", PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội – chia sẻ.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội – chia sẻ tại sự kiện.
PGS.TS Thắng cũng bày tỏ: Nhà trường luôn mong muốn có sự kết nối giữa các sinh viên và các cựu sinh viên. Đây là một sự giúp đỡ hết sức quý báu, vì các thế hệ cựu sinh viên đã ra trường, đã thành công và tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm, cả thất bại có thể truyền đạt cho các thế hệ sau.
Công cuộc truyền đạt kinh nghiệm, trải nghiệm này, TS. Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa (BKFund) – gọi vui là "từ thiện kiến thức". Ông Đoàn là sinh viên Bách Khoa K27. Ông bày tỏ khi xưa, nếu có người định hướng và dẫn dắt, có thể còn rút ngắn sự thành công hơn nữa.
Vị doanh nhân cũng cho biết ông nhìn thấy một khối lượng kiến thức, tài sản rất lớn nằm trong trường ĐH Bách Khoa, cộng với lực lượng hàng trăm ngàn cựu sinh viên đã ra trường. "Tôi nghĩ với tiềm năng lớn như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể mơ giấc mơ triệu USD, tỷ USD. Chỉ có mơ ước ấy, sự quyết tâm ấy, và làm càng sớm, thì sự thành công sẽ đến sớm hơn", ông Đoàn nói.
TECHSTART gồm 4 vòng:
- Vòng 1: Vòng đơn: Start-it (19/03/2022 - 10/04/2022) - Chọn ra Top 16 và tính toán tiền thưởng tích lũy theo thang điểm
- Vòng 2: Vòng sơ khảo: Develop-it (21/04/2022 - 17/05/2022) – Sau các buổi training về các chủ đề Lean StartUp, Business Model Canvas, Market Research, Top 16 sẽ pitching và chọn ra Top 8
- Vòng 3: Bán kết: Solve-it (07/06/2022) – Các đội được tư vấn chuyên sâu 1-1 bởi các Mentor và training về các chủ đề Tài chính, Tranh biện => Đối đầu, phản biện chéo để chọn ra Top 4 + 1 (4 đội thắng và chọn 1 từ đội thua)
- Vòng 4: Chung kết: Win-it (26/06/2022) – Tham gia một chuyến Bootcamp chuyên môn (2 ngày 1 đêm) kèm Training về các chủ đề Strategic Plan, Pitching => Pitching để tìm các đội thắng cuộc
Giải thưởng của 5 đội thi vòng chung kết sẽ bao gồm giải thưởng cố định và số tiền tích lũy qua các vòng, với tổng giá trị lên tới 150 triệu đồng.
Bên cạnh mục tiêu góp phần tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, TECHSTART cũng định hướng sẽ trở thành một vườn ươm khởi nghiệp công nghệ, là cầu nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư để các ý tưởng có thể tiến xa trong tương lai. Thông qua quá trình tham dự cuộc thi, sinh viên sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về hoạt động khởi nghiệp, nắm bắt được cụ thể hơn về các giai đoạn phát triển cần có để một ý tưởng khởi nghiệp trở thành những dự án tiềm năng, mang lại giá trị cho bản thân, cộng đồng và xã hội.
"Tôi nghĩ cuộc thi này không có người thất bại", PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội – bày tỏ. "Nếu có ai đó dừng lại cuộc chơi sớm hơn, những ý tưởng của chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, chúng ta có thể tiếp tục phát triển. Bài học về sự thất bại trong giai đoạn này là những trải nghiệm và kinh nghiệm rất tốt để các em tích lũy trong cuộc sống lập nghiệp sau này. Cuộc thi này sẽ là một trải nghiệm thú vị cho tất cả các em".
Q&A về TECHSTART
* Những ai có thể đăng ký tham dự?
Là một đội từ 3 - 5 thành viên, độ tuổi từ 18 – 30. Trong mỗi đội thi cần có một thành viên đang học tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Thành viên phải là sáng lập hoặc đồng sáng lập ý tưởng khởi nghiệp dự thi.
* Nếu bị loại, đội thi có được nhận số tiền tích lũy?
Đội thi từ Top 8 trở lên sẽ nhận được số tiền tích lũy qua từng vòng
* Nếu ý tưởng đã tham dự cuộc thi khác, có thể thi đấu TECHSTART hay không?
Theo quy định, nếu trong Top 3 cuộc thi ở cấp quốc gia sẽ hướng đến tầm cao hơn và không đấu ở cuộc thi này. Chúng tôi muốn ở đây là start – điểm bắt đầu. Còn với các bạn là thành viên của một đội đã đoạt giải ở cuộc thi khác, các bạn hoàn toàn có thể tham dự cuộc thi này nhưng với một ý tưởng khác.
* TECHSTART có gì khác so với các cuộc thi khởi nghiệp khác?
Có 3 điểm:
- Sự đồng hành của các tập đoàn công nghệ và các quỹ đầu tư ngay từ vòng đầu tiên. Tức, không phải đến lúc các bạn đoạt giải rồi mới kêu gọi các tập đoàn công nghệ và các quỹ đầu tư mà ngay từ vòng đầu tiên, các bạn được tiếp cận và được nhận tư vấn từ các anh chị ở các tập đoàn, quỹ đầu tư như Viettel, FPT, BKFund… Nếu ý tưởng hay và phù hợp, các bạn có thể được đầu tư luôn.
- Trong quá trình các bạn có những sản phẩm, thường có MPV (Minimum Viable Product, tam hiểu là mô hình demo chạy thử), ban tổ chức sẽ kết nối các bạn dự thi với các Lab về công nghệ, để các bạn có thể được hỗ trợ hoàn thiện mô hình sản phẩm. Bên cạnh đó, các bạn cũng được hỗ trợ từ các lab nghiên cứu của trường và thầy cô trong trường.
- Sự kết nối các sản phẩm, đội thi và sau cuộc thi, kể cả các đội bị loại, thậm chí bị loại từ vòng đăng ký chúng tôi vẫn đồng hành với bạn.
Ông Trương Công Tuấn – Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Bách Khoa, đại diện Ban tổ chức
Bảo Bảo
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị