Cùng với hành trình đó, chi phí học hành, thuê trọ... tiếp tục trở thành gánh nặng lo toan cho những bạn trẻ khó khăn khi đặt chân vào cổng trường đại học, cao đẳng.
Mẹ bán ve chai, con đi thi chạy
Thái Châu Quỳnh Như - Ảnh: Trọng Nhân
Căn nhà trọ 15m2 nơi hai mẹ con cô tân sinh viên Thái Châu Quỳnh Như (19 tuổi, Trường đại học Sư phạm TP.HCM) cư ngụ nằm sâu trong con hẻm thuộc Q.12 (TP.HCM). Phía trước căn phòng đầy những chai lọ, thùng giấy cactông chất ngổn ngang trên một chiếc xe đẩy.
Đồng hồ vừa điểm 6h sáng, chỉ độ nửa tiếng nữa, bà Châu Thị Mỹ Vân (56 tuổi, mẹ của Như) sẽ đẩy xe đi vòng quanh khu phố thu mua ve chai. Chồng mất đã lâu, sức khỏe lại yếu, bà gắn với kế sinh nhai này hơn 10 năm qua, mỗi ngày kiếm vài chục đến trăm ngàn.
Càng lớn Như càng thấu hiểu được những đồng tiền ít ỏi ấy chẳng thể đủ trang trải toàn bộ chi phí ăn học cho mình. Nỗi lo tiền nong đến ngay năm lớp 9: Liệu mình có đủ tiền học tiếp cấp III, ngay cả với trường công? Phải dừng học ngay khi hết cấp II là viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra.
Mình muốn giúp các em không chỉ hòa nhập, tự lo cho bản thân mà còn có ích cho xã hội. Mình tin một ngày nào đó các em khiếm khuyết sẽ chinh phục những đấu trường thể thao như Para Games, Paralympics
Thái Châu Quỳnh Như
Lối ra cho Như là quyết định ít được học sinh lựa chọn, sẽ theo học Trường THPT chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định (TP.HCM) nhờ vào một số thành tích thi chạy cự ly trung bình trước đó. Như sẽ được hỗ trợ kinh phí tập luyện và dùng số tiền này để trang trải tiền học, tiền ăn ở. Đổi lại Như phải xa mẹ để vào nội trú, vừa học vừa tập luyện, thi đấu.
Khó khăn là vậy nhưng cả ba năm Như đều đạt được danh hiệu học sinh giỏi và luôn nằm trong nhóm đầu của khối. Đồng thời Như đem về nhiều thành tích thể thao, đủ loại huy chương lớn nhỏ được treo trang trọng trong phòng trọ. Danh giá nhất có lẽ là tấm huy chương đồng tại giải điền kinh học sinh toàn quốc năm học 2018-2019.
Cô Phạm Thị Chuyên, giáo viên Trường THPT chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định, chia sẻ Quỳnh Như rất cá tính, mạnh mẽ. Như luôn vượt qua giới hạn, chinh phục khó khăn trong cuộc sống lẫn hoàn thành tốt cả việc học và luyện tập thi đấu.
Trước ngưỡng cửa đại học, Như chọn Trường đại học Sư phạm TP.HCM một phần cũng để nhẹ gánh cho mẹ. Chuyên ngành mà Như theo học cũng thật đặc biệt như tên gọi của nó: "giáo dục đặc biệt". Cô nói mình vô cùng đồng cảm với những bạn nhỏ tự kỷ, chậm phát triển. Tuy không may như bao đứa trẻ khác nhưng các bé khiếm khuyết đều sở hữu những năng lực mà có thể phát huy để đóng góp cho cộng đồng. "Mình muốn giúp các em không chỉ hòa nhập, tự lo cho bản thân mà còn có ích cho xã hội", Như nói.
Ý chí vượt khó "cao ngút"
Trần Thị Bình An - Ảnh: Trọng Nhân
19 tuổi, Trần Thị Bình An (cựu học sinh Trường THPT Tân Túc, Bình Chánh, TP.HCM) gần như phải quán xuyến tất cả: tự đi làm đóng tiền học, tự kiếm tiền sắm laptop và đỡ đần kinh tế trong gia đình. Bởi ba của An là ông Trần Văn Hiền (56 tuổi) bị khuyết tật sau cơn sốt bại liệt lúc nhỏ khiến đôi chân teo tóp, không thể đi xa hay đứng lâu. Còn mẹ của An đã qua đời sau thời gian chống chọi với ung thư, năm An lên lớp 8 .
An kể mẹ cũng khuyết tật ở chân, ngày còn sống cùng ba nhận đan giỏ mướn. "Đi lại khó khăn nhưng ngày nào mẹ cũng chở mình trên chiếc xe đạp nhỏ, đến trước cổng trường thì cho 2.000 ăn bánh. Tới trưa mình ra cổng trường là đã thấy mẹ đứng đó chờ mình", An rưng rưng.
Khi hàng đan giỏ của ba ít dần, An phải tìm việc làm thêm để bươn chải ở cái tuổi 16, 17. Thứ bảy, chủ nhật, An bưng bê cả ngày cho một quán phở ở thị trấn Tân Túc. Hè đến, An dùng hết thời gian phụ dọn dẹp ở quán ăn. Số tiền kiếm được, cô dùng trả tiền học cho năm tiếp theo. "Mẹ mình từng dặn phải học thật giỏi và bằng mọi giá cũng phải đi học. Ba năm cấp III, mình đều được học sinh giỏi bằng tất cả sự cố gắng", An kể.
Nhắc đến Bình An, thầy Phạm Vũ Ngọc Duy, giáo viên Trường THPT Tân Túc (Bình Chánh), vẫn nhớ hoài hình ảnh một cô bé vô cùng siêng năng, có ý chí vượt khó "cao ngút". Không mặc cảm với hoàn cảnh, Bình An vẫn tự tin, năng nổ, xung phong trong những hoạt động thanh niên của nhà trường.
Thời phổ thông khép lại cũng là lúc An đứng trước những sự lựa chọn lớn hơn. Xác định từ đầu là "không có tiền", An chọn hướng theo bậc cao đẳng vì học phí rẻ.
Để trang trải chi phí học tập ở Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM, An nhận làm nhân viên bán hàng và sắp xếp lịch học để có thể đi học một buổi, đi làm một buổi, thời gian còn lại sẽ dành cho tự học ở nhà. Cầm đồng lương những tháng đầu tiên, cô sắm chiếc laptop vừa túi để học online. "Mình muốn sẽ học thật nhanh nhất để có thể ra làm, lo cho mình và cho ba. Có nghề nghiệp ổn định, ở phương xa chắc mẹ cũng sẽ mỉm cười hài lòng", An nói.
Vừa học vừa bán bánh bông lan trong trường
Trần Thị Thu Trang - Ảnh: Trọng Nhân
Khi kể về hoàn cảnh của mình, Trần Thị Thu Trang (19 tuổi, tân sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học, TP.HCM) chia sẻ ba của cô chạy xe ôm, mẹ bán cà phê cóc vỉa hè, dù kinh tế không mấy dư dả nhưng vẫn đủ ăn, đủ mặc.
Một ngày năm 2016, sóng gió ập đến khi ba Trang đột quỵ, liệt người do biến chứng của tai biến mạch máu não, chưa đến một năm sau thì qua đời. Số tiền chạy chữa trong khoảng thời gian ấy đã khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu về vật chất và suy sụp về tinh thần.
Những ngày mẹ phải ở suốt trong bệnh viện trông nom ba, Trang cùng chị gái ở nhà đùm bọc nhau. Muốn đỡ đần cho gia đình, Trang, khi đó đang là học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (TP.HCM), đánh bạo xách vài chai nước ngọt từ quán cóc đang phải đóng cửa ở nhà đến trường bán cho các bạn. Thấy suôn sẻ, Trang mang thêm vài bịch bánh tráng, bánh bông lan… vào trường bán.
Chuyện "bán buôn" lém lỉnh này được Trang duy trì khi vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), giúp gia đình có thêm đồng vô đồng ra.
Năm 2021, sau khi trúng tuyển ngành marketing Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học, Trang lập tức tìm việc. Hiện nay, cô đang làm nhân viên bán thời gian cho một nhà hàng Nhật ở TP.HCM. Trang chia sẻ: "Giờ mình chỉ còn một nỗi lo, cũng là mục tiêu trong những năm tới: học thật tốt để nhận được những suất học bổng chính sách hằng năm".
Trao hơn 2 tỉ đồng cho 193 tân sinh viên 7 tỉnh, thành Đông Nam Bộ
Hôm nay 20-3, Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 193 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 7 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ. Đây là điểm trao thứ 13 và cũng là đợt trao học bổng cuối cùng của chương trình "Tiếp sức đến trường" năm 2021 do báo Tuổi Trẻ sáng kiến và chủ trì, hỗ trợ 1.974 tân sinh viên, học sinh trên 63 tỉnh thành, với tổng kinh phí hơn 18 tỉ đồng.
Mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng, suất đặc biệt là 15 triệu đồng tiền mặt, tổng kinh phí học bổng hơn 2 tỉ đồng (trong đó có 20 suất học bổng đặc biệt). Kinh phí do Quỹ khuyến học Vinacam, Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại Đức, Công ty CP Hoàng Kim; ông Dương Thái Sơn (Công ty giấy bao bì Nam Long) và những người bạn; bạn đọc báo Tuổi Trẻ ủng hộ.
Công ty CP Mekong One hỗ trợ kinh phí tổ chức lễ trao. Ngoài ra Công ty Nestle VN ủng hộ quà tặng cho tân sinh viên; Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty CP Vinacam còn tặng 10 laptop cho các trường hợp đặc biệt khó khăn.
CÔNG TRIỆU
Chúc bạn thành công!
Mọi chuyện chỉ là thử thách
Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận (33 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM, bạn đọc báo Tuổi Trẻ):
Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận
Dù từng là một sinh viên nghèo tỉnh lẻ lên TP trọ học, cũng từng vượt qua bao gian khó cuộc đời nhưng thực lòng tôi vẫn khâm phục trước những tấm gương nghị lực vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống của các bạn.
Dịch bệnh là điều không ai muốn bởi không có bất kỳ ai nằm ngoài vòng ảnh hưởng, không có ngoại lệ nào cho tôi và các bạn. Tuy nhiên khách quan mà nói thì dịch bệnh cũng chỉ là một thử thách của cuộc sống này và tôi tin các bạn sẽ vượt qua, thậm chí là đã vượt qua. Đến nay, các bạn đã đặt cho mình những viên gạch đầu đời - đó là việc bước chân vào giảng đường đại học, hiện thực hóa ước mơ tươi đẹp của mình.
Tôi đã vượt qua và các bạn cũng thế
Bạn Đinh Minh Hương (quê Tây Ninh, sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2020):
Bạn Đinh Minh Hương
Như một giấc mơ, suất học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ đến với tôi lúc tôi tuyệt vọng nhất. Suất học bổng đã khích lệ, tạo cho tôi động lực phấn đấu để có được như ngày hôm nay. Dù vẫn đang ngồi trên ghế giảng đường, nhưng tôi tự tin để nói rằng mình sẽ vượt qua được bất kỳ thử thách nào của cuộc sống, như cách tôi đã từng vượt qua và cả sự giúp đỡ, lòng nhân ái của cả xã hội dành cho chúng tôi.
Hiện tại có thế nào thì tương lai vẫn chờ đón các bạn ở phía trước với nhiều điều mới mẻ. Cứ đi rồi sẽ tới! Tôi đã vượt qua và tin rằng các bạn cũng sẽ thế.
Nhất định sẽ thành công
Tân sinh viên Nguyễn Thành Lợi (Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" năm nay):
Tân sinh viên Nguyễn Thành Lợi
Tôi vẫn nhớ như in ngày nhận được cuộc gọi từ các anh chị báo Tuổi Trẻ, thông báo tôi được chọn để trao học bổng "Tiếp sức đến trường". Mọi buồn lo, khó khăn như tan biến sau cuộc gọi ấy. Cũng từ cuộc gọi này thôi thúc tôi phải thật kiên cường hơn nữa, chăm chỉ hơn nữa để sống, để học tập và để thành công. Nhất định tôi sẽ thành công!
CÔNG TRIỆU
TTO - Ngày 20-3, Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ sẽ cùng tổ chức lễ trao học bổng 'Tiếp sức đến trường' cho 193 tân sinh viên khu vực Đông Nam Bộ năm học 2021-2022 có hoàn cảnh khó khăn.
Xem thêm: mth.17424700291302202-oac-gnac-cul-ihgn-nahk-ohk-gnac/nv.ertiout