Nhà máy lọc dầu Ras-Tanura lớn nhất Saudi Arabia - Ảnh: Getty Images
Mùa đông năm 1986, giá dầu đang ở mức 30 USD/thùng đã tuột dốc không phanh. Giá dầu giảm hơn 50% từ tháng 11-1985 đến 3-1986, sau khi tạm dừng rồi tiếp tục giảm và đến tháng 7-1986, giá dầu biển Bắc còn dưới 10 USD/thùng.
Chuyện gì đã xảy ra? Câu trả lời tóm tắt là chính sách tối đa hóa lợi nhuận dầu thô của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) áp dụng từ cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 không còn hữu hiệu.
Dầu thô từ các nước OPEC tràn ngập thị trường thế giới. Hệ quả dẫn đến là giá dầu sụp đổ.
TS JACQUES ADDA (Pháp)
Dầu thô tràn ngập thị trường
Giai đoạn 1981-1985, các quốc gia quân chủ dầu mỏ vùng Vịnh như Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Qatar, Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất liên tục giảm sản lượng khai thác dầu nhằm giữ giá dầu thô ở mức cao 30 USD/thùng.
Sản lượng khai thác dầu của các nước thành viên OPEC giữa năm 1978-1985 đã giảm 50%. Thị phần OPEC trong sản lượng dầu thô thế giới giảm từ 50% xuống chỉ còn 30%.
Saudi Arabia là nước thành viên OPEC có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, chi phí sản xuất thấp nhất và năng lực sản xuất lớn nhất, song vào mùa hè năm 1985 chỉ sản xuất đạt 1/4 công suất.
Nếu sản lượng năm 1980 của Saudi Arabia đạt mức 10 triệu thùng/ngày thì đến năm 1985 đã giảm còn chưa tới 3 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó vào thập niên 1980, do các nước công nghiệp tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới giảm xuống, đặc biệt tại các nước tiêu thụ dầu thô nhiều như Mỹ, Nhật và châu Âu.
Song song theo đó, giá dầu ở mức cao nên các nước phát triển đã gia tăng hoạt động thăm dò và khai thác dầu thô ngoài khu vực dầu mỏ của các quốc gia Hồi giáo đồng thời tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng khác như than đá hoặc điện hạt nhân thay thế dầu mỏ.
Sau nhiều năm phòng thủ về giá, đến đầu tháng 12-1985, 13 quốc gia thành viên OPEC đã đồng ý thông qua chiến lược mới nhằm bảo vệ thị phần trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Chiến lược thay đổi đã gây tác động tức thì. Giá dầu bắt đầu giảm xuống. Đến lúc này thì Saudi Arabia đổi chiều.
Mùa thu năm 1985, Saudi Arabia đơn phương thay đổi chính sách dầu mỏ và đột ngột tăng sản lượng khai thác dầu thay vì sản xuất theo hạn ngạch quy định của OPEC. Trong vòng chưa đầy một năm, từ tháng 9-1985 đến 7-1986, Saudi Arabia đã tăng gần gấp ba lần sản lượng khai thác.
Các quốc gia khác trong OPEC thấy vậy cũng bắt chước làm theo. Chiến tranh Iran-Iraq từ năm 1980 đã làm giảm đáng kể thị phần của các nước sản xuất dầu trong khu vực Tây Nam Á từ 33% sản lượng vào năm 1979 chỉ còn 17% năm 1985. Vì vậy Iran và Iraq đều đang cần tiền nên đua nhau khai thác dầu.
Dầu thô từ các nước thành viên OPEC tràn ngập thị trường thế giới. Hệ quả dẫn đến là giá dầu sụp đổ.
Giá dầu từ 25 USD/thùng vào cuối năm 1985 đã tuột dốc xuống dưới ngưỡng 10 USD/thùng vào tháng 7-1986, tức chạm mức giá của những năm 1950. Như vậy với mong muốn tối đa hóa giá dầu thô, rốt cuộc OPEC đã tự hại mình.
Cú sụp đổ giá dầu thô năm 1986 đã gây hậu quả rất nghiêm trọng. Mỹ buộc phải đóng cửa 5.000 giếng dầu vì sản xuất không có lãi nữa. Saudi Arabia cũng phải trả giá rất đắt đến nỗi phải thay đổi chính sách.
Vào tháng 8-1986, lo sợ OPEC tan rã, Saudi Arabia đã chấp thuận quay trở lại sản xuất theo hạn ngạch như trước. Giá dầu thô sau đó đã tăng trở lại và tình hình tạm trở lại bình thường vào năm 1987 khi các nước OPEC nhất trí ổn định giá dầu ở mức 17 USD/thùng.
Tổng thống Ronald Reagan, Phó Tổng thống George Bush (trái) và Giám đốc CIA William Casey (phải) ngày 21-1-1986 - Ảnh: uspresidentialhistory.com
Nước mất phần, OPEC hưởng lợi
Bất chấp giá dầu sụp đổ gây hậu quả kinh tế đau đớn cho Mỹ, Liên Xô khăng khăng lên án Mỹ mượn tay đồng minh Saudi Arabia kéo tuột giá dầu để làm suy yếu Liên Xô.
Theo tạp chí Russia Beyond (Nga), sau khi giám đốc CIA William Casey thăm Saudi Arabia vào tháng 9-1985, nước này bắt đầu tăng nhanh sản lượng thay vì giảm khai thác để giữ giá.
Trong vòng 4 tháng, sản lượng dầu thô của Saudi Arabia tăng vọt từ 2 triệu lên 10 triệu thùng/ngày. Kế đến sau chuyến thăm Saudi Arabia của phó tổng thống Mỹ George Bush vào tháng 4-1986, giá dầu thô rớt xuống có lúc chỉ còn 7 USD/thùng.
Russia Beyond nhận định giá dầu sụp đổ đã trở thành đòn chí mạng đối với Liên Xô bởi lẽ dầu mỏ là nguồn thu chính của Liên Xô. Trong năm 1986, Liên Xô vốn đang trong tình trạng thâm hụt ngân sách đã mất hơn 20 tỉ USD, tương đương 7,5% thu nhập hằng năm.
Nếu năm 1986 các khoản vay nước ngoài của Liên Xô là 30 tỉ USD thì 3 năm đã tăng vọt lên 50 tỉ USD. Sau khủng hoảng dầu mỏ năm 1985-1986, Liên Xô rơi vào suy thoái và nền kinh tế vốn đang chật vật của Liên Xô sụp đổ theo.
TS kinh tế người Pháp Jacques Adda – chuyên gia về các vấn đề kinh tế và tài chính toàn cầu - phân tích thật ra về lâu dài chiến lược mới thông qua vào đầu tháng 12-1985 của OPEC vừa có tác dụng khôi phục khả năng cạnh tranh của dầu mỏ so với các nguồn năng lượng khác vừa thúc đẩy gia tăng tỉ trọng cung cấp dầu của các nước vùng Vịnh.
Với mức giá từ 15-20 USD/thùng, giá dầu thực tế đã quay trở lại mức giá giữa hai cú sốc dầu thô năm 1973 và năm 1979.
Với giá này, mức tiêu thụ dầu thô trên thế giới có thể tăng trở lại, dầu thô giành lại vị trí so với các nguồn năng lượng khác như than đá, hạt nhân và nỗ lực tiết kiệm năng lượng không còn được chú ý nữa.
Nguồn cung dầu thô từ khu vực ngoài OPEC với chi phí sản xuất thường cao hơn cũng dần dần bị loại.
Về ngắn hạn, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác vẫn có thể chấp nhận thiệt hại về tài chính do chiến lược mới của OPEC vì có thể bù trừ giá dầu giảm xuống bằng cách tăng sản lượng xuất khẩu dầu.
Tuy nhiên chiến lược mới của OPEC sẽ gây bất ổn cao cho các nước có năng lực sản xuất dầu gần như bão hòa và phần lớn đó là các nước có dân số đông và nợ nước ngoài cao.
TS Jacques Adda ghi nhận 10 năm sau rõ ràng chiến lược mới của OPEC đã thành công. Năm 1995 OPEC đã giành lại được 2/3 thị phần bị mất hồi năm 1979-1985. Bốn nước quân chủ vùng Vịnh trong OPEC đã tăng hơn gấp đôi sản lượng.
Riêng Saudi Arabia tăng sản lượng ba lần so với thời điểm thấp nhất vào mùa hè năm 1985. Năm 1995, nước này đạt 12,5% sản lượng thế giới, tức gần bằng thời điểm ngay trước cú sốc dầu thô thứ hai năm 1979.
Quyền lực của các nước dầu mỏ vùng Vịnh
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bảy công ty dầu hỏa đa quốc gia của Mỹ và châu Âu gồm Exxon, Mobil, Chevron, Texaco, Gulf, Royal Dutch Shell, BP (được gọi là "bảy chị em" theo tích thần thoại Hy Lạp) kiểm soát 80% mỏ dầu, mạng lưới phân phối và 3/4 ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới. Họ đã chia lợi nhuận theo tỉ lệ 50/50 cho các nước sản xuất dầu.
Năm 1960, các nước sản xuất dầu lập ra OPEC gồm chủ yếu là các nước Trung Đông. Dần dà OPEC nắm quyền kiểm soát thị trường dầu thô. Năm 1969, Libya từ bỏ nguyên tắc chia lợi nhuận 50/50.
Thỏa thuận Tehran năm 1971 đã ấn định tỉ lệ lợi nhuận 55% dành cho các nước sản xuất dầu. Các nước quân chủ vùng Vịnh trong OPEC lãnh luôn nhiệm vụ điều tiết nguồn cung dầu thô do các nước còn lại gặp khó khăn về tài chính.
******
Dưới lòng đất Iraq chứa đầy dầu mỏ chất lượng tốt. Ngành công nghiệp dầu mỏ đã trở thành đầu tàu kéo nền kinh tế Iraq. Và rồi tài nguyên vàng đen đã mang đến bất hạnh.
>> Kỳ tới: Dầu thô - vàng đen và điều bất hạnh cho Iraq
TTO - Năm 1979, cú sốc dầu thô thứ hai xảy ra. Đằng sau cú sốc dầu thô này có bóng dáng của giáo chủ Hồi giáo Ruhollah Khomeini - một người đội khăn xếp với bộ râu dài trắng xóa đã từng sống lưu vong tại Neauphle-le-Château (tỉnh Yvelines của Pháp).