Người dân phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức hào hứng đổi phế liệu lấy gạo - Video: NGỌC PHƯỢNG
Ngày "hội" những người khó khăn
Dù là chủ nhật nhưng trụ sở KP7, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức rất sôi động. Ngay từ sớm, hơn 20 tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ phường đã không ngớt tay sắp xếp những túi gạo, nước tương, í ới gọi mọi người mang ve chai đến đổi nhu yếu phẩm.
Nói là đổi chứ thực chất hỗ trợ cho người dân bởi chỉ cần vài chiếc chai rỗng, chiếc thùng nhựa cũ, người dân đã có thể đổi được 3kg gạo và chai nước tương mang về. Người nào có nhiều ve chai hơn thì nhận được 10kg gạo.
Với vài chiếc chai nhựa rỗng, người dân có thể đổi được 3kg gạo và chai nước tương - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Những thứ chỉ là rác thải, đồ bỏ đi nay lại đổi được thực phẩm, tạo niềm vui cho mọi người. Chú Tư Ngọc, hành nghề lượm ve chai tại phường Tăng Nhơn Phú A, cũng có mặt từ sớm để đổi ve chai lấy gạo.
Bị khuyết tật, chú Ngọc không thể nhớ được năm nay bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ mình có một người mẹ già đau bệnh. Mỗi ngày, chú chỉ kiếm được vài chục ngàn từ việc lượm ve chai. Để mua được bao gạo 10kg, chú phải lượm ve chai nhiều ngày trời. Thế mà, sáng nay, chỉ với vài ba chiếc chai nhựa, chú Ngọc đã đổi được 10kg gạo mang về.
Chú Tư Ngọc đẩy xe ve chai đến đổi gạo - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
"Chân đau, đi nhặt quanh khu này ngày vài chục ngàn. Mua gạo 17.000 đồng/kg, hai mẹ con khổ lắm", chú Tư Ngọc không giấu được niềm phấn khởi, liên tục vẫy tay cảm ơn Hội Chữ thập đỏ.
Còn đối với bà Nguyễn Thị Tư (85 tuổi), hoạt động này giúp bà vui và khỏe hơn. Bà Tư cho biết, hằng ngày thường hay đi dạo và nhặt ve chai tích trữ. Sáng nay khi nghe có hoạt động, bà rủ hàng xóm lên phố đổi ve chai lấy gạo. "Già rồi không làm gì ra tiền, ở nhà mệt mỏi lắm, cứ hay ra đường gom ve chai cho khỏe người. Ai ngờ đâu ve chai mà cũng đổi được gạo, vui chứ", bà Tư nói.
Bà Nguyễn Thị Tư (85 tuổi) vui mừng khi được đổi phế liệu lấy gạo - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh (58 tuổi) là chủ một dãy phòng trọ tại phường Tăng Nhơn Phú A. Thời gian qua, phế liệu từ các phòng trọ khiến bà rất đau đầu. Khi nghe có hoạt động, bà Linh đã nhờ người chở ve chai lên để đổi gạo.
"Đây là rác thải mà các bạn sinh viên ở trọ bỏ ra, bình thường mình thấy bừa bãi nên gom lại. Nay mình lên đây đổi gạo về hỗ trợ ngược lại cho sinh viên, giúp sinh viên có ý thức hơn", bà Linh tâm sự.
Các tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ nhiệt tình hỗ trợ người dân - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chương trình ý nghĩa, tương tác qua lại
Hoạt động hôm nay có hơn 20 tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ phường Tăng Nhơn Phú A tham gia. Trong đó, có những nhà hảo tâm khi thấy ý nghĩa của mô hình đã tham gia làm tình nguyện viên. Chị Lê Thị Nga (45 tuổi) là một trong số đó. Chị kể, một lần con trai đã khuyên chị phân loại rác, gom phế liệu, chị không nghĩ phế liệu lại có giá trị đến vậy. Sau đó, khi được chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường vận động tham gia mô hình đổi phế liệu lấy gạo, chị thấy hay nên đã hỗ trợ và tham gia chương trình.
"Phế liệu khi tái sử dụng có ý nghĩa cho nhiều người. Việc đổi phế liệu lấy gạo không chỉ thiết thực cho mỗi người mà còn cho cả người khác", chị Nga nói.
Phế liệu thu được sẽ được bán để có kinh phí tạo sinh kế cho một hộ dân muốn thoát nghèo trong khu phố - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chia sẻ về mô hình này, bà Lê Kiều Hồng Nguyệt - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức - cho biết mỗi năm hội đều có nhiều mô hình ý nghĩa để hỗ trợ người dân. Năm nay, nắm bắt tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhiều người cần hỗ trợ nhu yếu phẩm, hội đã tổ chức hoạt động đổi ve chai lấy gạo.
"Thực chất là hỗ trợ người dân nhưng chúng tôi muốn có sự tương tác qua lại. Bà con cho chúng tôi phế liệu, chúng tôi hỗ trợ bà con nhu yếu phẩm. Chương trình cũng sẽ tạo được tính lan tỏa trong cộng đồng", bà Nguyệt nói.
Hoạt động đổi phế liệu lấy gạo là mô hình ý nghĩa của Hội Chữ thập đỏ phường Tăng Nhơn Phú A (TP Thủ Đức) tổ chức để chào mừng Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ TP Thủ Đức - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Bà Nguyệt cho biết thêm, hôm nay hội chuẩn bị hơn 700kg gạo và các nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ người dân. Những phế liệu thu gom sẽ được bán gây quỹ tiếp tục làm công trình dân vận khéo. Theo đó, hội sẽ khảo sát và hỗ trợ sinh kế cho một hộ dân muốn vượt nghèo trên địa bàn. Nếu không đủ thì hội sẽ vận động để có thể mua xe bán nước mía hoặc xe hủ tiếu cho hộ dân này.
Qua hoạt động, hội cũng có thể lồng ghép tuyên truyền chỉ thị 19, vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước.
TTO - 22 quận, huyện và TP Thủ Đức đã được UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung gần 4.170 tỉ đồng để chi hỗ trợ người dân khó khăn. Trong đợt 3 còn khoảng 1,583 triệu/7,799 triệu người dân đã được phê duyệt nhưng chưa nhận hỗ trợ.
Xem thêm: mth.74193851102302202-gnout-coun-av-oag-yal-iahc-ev-iod-gnuh-oah-cud-uht-pt-nad-iougn/nv.ertiout