Cấp quản lý trong ngân hàng chắc chắn thường có mức thu nhập rất cao. Tuy vậy, trong ngân hàng còn có một đội ngũ có mức lương bằng hoặc cao hơn các vị trí quản lý
Không lên làm quản lý đồng nghĩa với việc không có sự thăng tiến nghề nghiệp?
Hầu hết, ai đi làm cũng mong muốn trở thành quản lý. Vì ở chức vụ quản lý, chúng ta sẽ thể hiện được năng lực, kiến thức và kỹ năng của bản thân mình. Đặc biệt khi giữ các chức vụ quản lý, chúng ta sẽ nhận được mức lương cao hơn và sự nể trọng lớn hơn từ người khác.
Đó là ước mơ dễ hiểu và chính đáng của hầu hết mọi người. Tuy vậy, trên thị trường lao động sẽ chỉ có một số đối tượng thích hợp làm công tác quản lý. Vậy liệu những người còn lại có con đường thăng tiến nào khác?
Theo ThS. Vũ Việt Dũng – Chủ tịch KeyPerson, Cố vấn Cấp cao Khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Đại Nam, ngoài lộ trình thăng tiến từ cấp thấp lên cấp quản lý cao hơn, một số ngân hàng áp dụng Quản trị nhân sự hiện đại cũng đang xây dựng lộ trình thăng tiến để những nhân viên của mình có cơ hội trở thành những chuyên gia. Những người này thường có năng lực làm việc chuyên môn tốt nhưng không có những tố chất phù hợp hoặc không thích làm ở vị trí quản lý.
Họ sẽ không trực tiếp quản lý cấp dưới mà thay vào đó tập trung vào công việc chuyên môn, thường có tại các phòng ban hội sở. Vì các ngân hàng có nhu cầu cao về nhân sự chuyên môn, đội ngũ này thậm chí còn có thu nhập tốt hơn nhiều so với một số vị trí quản lí. Ví dụ chúng ta có thể thường nghe nói đến các chức danh như Chuyên gia phát triển sản phẩm, Chuyên gia Phê duyệt tín dụng, Chuyên gia cải tiến vận hành...
Thực tế còn có một số banker sau một thời gian làm quản lý vẫn muốn trở thành Chuyên gia do thay đổi định hướng công việc hoặc vì hoàn cảnh nào đó ảnh hưởng.
Phân biệt giữa ngạch quản lý và ngạch chuyên gia
Để hiểu thêm về hai con đường thăng tiến trong ngân hàng, chúng ta lấy ví dụ về hai nhân viên A và B cùng bắt đầu làm việc trong ngân hàng ở vị trí khởi điểm là vị trí chuyên viên khách hàng cá nhân.
Nhân viên A là một người luôn hoàn thành những chỉ tiêu được giao có những tính cách và tố chất phù hợp để trở thành quản lý. Trong khi đó nhân viên B cũng là người làm tốt những chỉ tiêu được giao, giỏi chuyên môn và thích làm việc độc lập. Hai người đều có năng lực, chăm chỉ với công việc, chính vì vậy chỉ sau một thời gian họ đều từ vị trí chuyên viên, trở thành chuyên viên chính, rồi sau đó trở thành chuyên viên cao cấp. Tuy nhiên, vì tính cách và năng lực phù hợp với hai ngạch thăng tiến khác nhau, ngân hàng sẽ hướng dẫn và bồi dưỡng cho họ theo hai con đường khác nhau.
Nhân viên A sẽ là nhân viên có khả năng để theo đuổi con đường thăng tiến mà mọi người thường thấy trong ngân hàng: từ nhân viên xuất sắc trở thành trưởng nhóm – quản lý một nhóm nhân viên nhỏ, rồi trưởng phòng, giám đốc chi nhánh, giám đốc vùng, giám đốc khối….Cùng với đó, số lượng nhân viên mà anh A quản lý ngày càng mở rộng.
Trong khi đó, sau khi lên vị trí chuyên viên cao cấp, do trình độ chuyên môn và kiến thức sâu, nhân viên B sẽ được ngân hàng đưa lên làm việc ở hội sở ở những vị trí như: chuyên gia phát triển sản phẩm, chuyên gia phê duyệt, rồi sau đó trở thành các chuyên gia cao cấp, cố vấn…..
Về mặt KPI, các Chuyên gia sẽ chỉ có các chỉ tiêu cá nhân chứ không phải của cả phòng/đơn vị như các vị trí quản lý khác. Họ cũng không quản lý ai.
Vậy chế độ đãi ngộ của chuyên gia so với những cán bộ quản lý thì như thế nào?
Ông Dũng cho biết, hiện nay theo Quản trị Nhân sự hiện đại với 2 ngạch công việc này, các Ngân hàng sẽ thiết kế ra cấu trúc thu nhập tương ứng. Với các vị trí Chuyên gia thường ở Hội sở là các đơn vị back thì sẽ có mức thu nhập cứng cao và thưởng thấp (ví dụ 80% là thu nhập cứng, 20% là thu nhập theo hiệu quả làm việc cá nhân và bank). Đối với các vị trí Kinh doanh thì tỷ lệ này có thể lên tới 50%/50% và thưởng vượt chỉ tiêu sẽ nhiều hơn đối với các đơn vị hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu.
Nên nếu xét ở mức độ Hoàn thành công việc thì các Chuyên gia cùng cấp với Quản lý thì có thể có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên như đã nói ở trên thì do đây là các vị trí ở Hội sở nên khá là hữu hạn hơn so với các vị trí quản lý tại các đơn vị kinh doanh hay chi nhánh.
Họ cũng phải chịu những áp lực khá lớn khi làm việc: cả áp lực đổi mới bản thân lẫn áp lực công việc hàng ngày để nâng cao năng suất, hiệu quả công việc; áp lực về thời gian, deadline; áp lực từ yêu cầu hỗ trợ luôn và ngay, thường xuyên của các đơn vị kinh doanh...
Làm thế nào để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng?
Theo ông Dũng chia sẻ, để làm được Chuyên gia thì bạn cần có những tố chất sau:
1. Kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ rất tốt tại lĩnh vực muốn trở thành Chuyên gia;
2. Có sự trải nghiệm, kinh nghiệm tích lũy lâu năm, tối thiểu từ 10 năm trở lên;
3. Không phù hợp hoặc không muốn làm quản lý
4. Không ngừng học hỏi, sáng tạo, đổi mới bản thân
Kết:
Mỗi người đều có sự nghiệp, sở trường, sở thích khác nhau, do vậy việc định hướng cho mình một lộ trình nghề nghiệp đúng đắn là rất quan trọng. Cần tự hoạch định hoặc nhờ các chuyên gia nhân sự hỗ trợ việc hoạch định lộ trình phát triển nghề nghiệp trong tối thiểu 5 – 10 năm.
Không phải cứ làm quản lý mới là thăng tiến trong công việc. Nếu bạn muốn theo đuổi ngành ngân hàng nhưng lại không có những tố chất hoặc không thích công tác quản lý, ngạch chuyên gia là một sự lựa chọn phù hợp dành cho bạn.
Tuy vậy, việc bạn không làm được quản lý không đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn sẽ trở thành một chuyên gia! Khi làm bất cứ ngành nghề gì, bạn cần phải chăm chỉ, nỗ lực học hỏi trong suốt quá trình làm việc. Vì ở một môi trường làm việc có có sự cạnh tranh, đòi hỏi cao như ngành ngân hàng, nếu chúng ta không có sự cố gắng, nỗ lực trong công việc, bị đào thải là một điều dễ hiểu./.
https://cafef.vn/khong-phai-quan-ly-day-moi-la-vi-tri-viec-nhe-luong-cao-trong-ngan-hang-20220320091124158.chnTheo Hường Hoàng
Nhịp sống kinh tế