Tờ South China Morning Post ngày 19-3 đăng tải một bài bình luận nhận định rằng Trung Quốc đang cố gắng vận động để không đưa cuộc xung đột Nga-Ukraine vào chương trình nghị sự tại các hội nghị thượng đỉnh quốc tế quy mô vì lo sợ hình ảnh công chúng của Bắc Kinh sẽ bị ảnh hưởng do lập trường của quốc gia này đối với khủng hoảng Ukraine.
Cụ thể, trong tuần qua, các nhà lãnh đạo và quan chức Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu này. TQ cho rằng vấn đề Ukraine không nên được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến tổ chức vào khoảng cuối năm 2022 tại Bali (Indonesia).
Indonesia hiện đang giữ chức chủ tịch G20. Ảnh: AFP
Theo Trung Quốc, G20 là diễn đàn để giải quyết các vấn đề kinh tế đặt ra cho thế giới giai đoạn hậu COVID-19 và nên bám sát sứ mệnh cốt lõi của tổ chức.
Chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh G20 vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, do vậy các nhà quan sát cho rằng còn quá sớm để xác định nỗ lực của Bắc Kinh có thành công hay không dù nước chủ nhà Indonesia chia sẻ cùng quan điểm với Trung Quốc.
Đồng thời, các nhà quan sát nói rằng sở dĩ có những nỗ lực như thế là do Trung Quốc muốn tránh những bất ổn có thể xảy ra trong và ngoài nước, đặc biệt là khi Bắc Kinh sắp tiến hành một cuộc “cải tổ sâu rộng về lãnh đạo” vào cuối năm nay.
Trung Quốc nỗ lực vận động như thế nào?
Khởi đầu cho nỗ lực ấy là cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi hôm 14-3, trong đó ông Vương nhấn mạnh G20 nên là “diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế thế giới”.
Ngoài ra, ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ hỗ trợ Indonesia, quốc gia đang giữ chức chủ tịch G20, trong việc “loại bỏ các gián đoạn và thúc đẩy chương trình nghị sự về đối thoại và hợp tác”.
Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng G20 “không phải là diễn đàn thích hợp để bàn luận về các vấn đề an ninh chính trị như Ukraine”.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, tại cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào hôm 16-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc giục ông Widodo nên tập trung vào kế hoạch phục hồi nền kinh giai đoạn hậu COVID-19 tại hội nghị thượng đỉnh Bali.
Đáp lại, Tổng thống Widodo kỳ vọng sẽ hợp tác cùng với Bắc Kinh nhằm “đảm bảo G20 sẽ tập trung vào phục hồi kinh tế và phát triển toàn cầu”. Trước đó, ông Widodo cũng từng bày tỏ quan ngại về các ảnh hưởng kinh tế do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.
Chuyên gia đánh giá ra sao?
Ông Gal Luft, đồng giám đốc tại Viện phân tích An ninh toàn cầu có trụ sở tại Washington, cho biết Trung Quốc không xem G20 là một diễn đàn thích hợp để thảo luận về chiến tranh và hòa bình. Đồng thời ông nhận định nhiều khả năng cuộc họp tại Bali sẽ trở thành diễn đàn đa phương đầu tiên mà ông Tập tham gia trực tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19.
“Trung Quốc muốn duy trì tính thống nhất của các tổ chức đa phương như G20, APEC như là diễn đàn cho phát triển thay vì trở thành nơi cho các cuộc chiến tranh lạnh. Ông Tập không muốn Trung Quốc giống như cột thu lôi, nhận sự chỉ trích từ đa số các quốc gia thành viên về hành động của Nga cũng như lập trường của nước này về cuộc xung đột” - ông Luft cho hay.
Trong khi đó, chuyên gia Yun Sun của Trung tâm Stimson (Mỹ) nói rằng những cân nhắc đối nội, đặc biệt là chuyện thay đổi nhân sự sắp tới, đã phủ bóng các tính toán của Bắc Kinh.
“Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sắp đến. Trung Quốc không mong muốn bất kỳ vấn đề đối ngoại nào có khả năng phá vỡ sự ổn định của nền chính trị trong nước” - bà Sun cho biết.
Về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Indonesia, chuyên gia Xu Liping, đến từ Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chỉ ra rằng thông qua cuộc đối thoại giữa ông Tập và Tổng thống Widodo cho thấy Jakarta đang chịu áp lực lớn từ phương Tây về vấn đề Ukraine.
“Tôi nghĩ ông ấy [Widodo] đang cố truyền tải một thông điệp rằng nước chủ nhà không muốn hội nghị thượng đỉnh bị phân tán bởi các cuộc tranh luận về cuộc khủng hoảng Ukraine” - ông Xu nói.
“Có những điểm tương đồng giữa Trung Quốc và Indonesia khi đề cập tới cách tiếp cận về việc đưa Ukraine vào chương trình nghị sự G20, đặc biệt là thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine có thể tạo ra sự khó xử khi Nga dự kiến cũng góp mặt” - ông Xu cho hay.
Đồng thời chuyên gia này cho rằng vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư hàng đầu của Indonesia nên Jakarta khó mà có khả năng tạo ra khoảng cách với Bắc Kinh.
Ông Zhang Mingliang, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam cho biết Trung Quốc xem hành động cân bằng phương Tây và Nga của Jakarta là cơ hội để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực.
“Không có gì ngạc nhiên khi Indonesia giữ thái độ trung lập về các vấn đề chia rẽ như thế và các nhà lãnh đạo ở Jakarta đủ khôn ngoan để tránh chọn phe khi có sự cạnh tranh giữa các cường quốc” - ông Zhang nhận định.
Tuy nhiên theo ông Zhang, Trung Quốc cũng có những giới hạn trong việc gây ảnh hưởng đối với các quốc gia tại Đông Nam Á, nhất là đối với các cường quốc trong khu vực như Indonesia.
“Jakarta không muốn rủi ro và tôi cho rằng họ sẽ không mạo hiểm để đối đầu với phương Tây, vốn mong muốn đưa vấn đề Ukraine tới G20” - ông cho biết, đồng thời nói thêm rằng nếu xung đột còn tiếp diễn thì khó mà tưởng tượng rằng cuộc khủng hoảng toàn cầu như vậy lại không có mặt trong hội nghị thượng đỉnh tại Bali.