Giá xăng dầu tăng liên tục khiến áp lực giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo. Một số tiểu thương các chợ lẻ cho biết, trước đây khi thị trường sôi động thường thuê xe vận chuyển hàng hóa từ chợ đầu mối về điểm bán.
Tuy nhiên, thời gian qua sức mua thấp, lượng hàng hóa lấy về bán không nhiều đồng thời nhằm giảm cước phí thuê xe, họ đều tự vận chuyển để không ảnh hưởng đến giá bán lẻ.
Bà Nhi tiểu thương chợ Gò Vấp cho biết, trước đây bán cả 100kg thịt heo/ngày nên thuê xe 150.000-200.000 chuyến nhưng sau này buôn bán ế ẩm cả ngày bán chỉ vài chục kí trong khi phải đóng thuế, thú y…nên gia đình tự chở hàng để giảm tiền xe.
Theo bà Nhi, dù giá xăng dầu tăng nhưng thời điểm này giá thịt heo không biến động. Hôm nay (20-3) giá heo mảnh tại chợ đầu mối khoảng 68.000-69.000 đồng/kg, loại ngon 73.000 đồng/kg. Do đó, giá các loại như thịt heo ba rọi 130.000 đồng/kg, đùi 80.000-90.000 đồng/kg, sườn non 160.000-170.000 đồng/kg, thịt nạc 120.000 đồng/kg.
Giá thịt heo không biến động theo giá xăng. ẢNH: TÚ UYÊN
Tương tự bà Kim Thanh tiểu thương ngành thủy hải sản chợ An Đông cho biết, từ khi xăng dầu tăng, giá nhập các loại như tôm thẻ, mực, cá lóc nuôi…tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg. Theo đó, giá tôm thẻ, mực 240.000-250.000 đồng, cá lóc đồng 180.000 đồng/kg, cá điêu hồng 70.000 đồng/kg.
Theo bà Thanh, do giá tăng cao nên có người quen dặn mới mua hàng để giao hoặc nhập rất ít. Chẳng hạn có khách dặn 2kg mực ống thì mua 3kg trong đó 1kg để bán lẻ. Đồng thời, tự chở hàng hóa bằng xe máy từ Bến Lức lên chợ để giảm chi phí.
"Trước khi xăng dầu tăng chỉ đổ 40.000 đồng đi từ Bến Lức đến chợ An Đông nay phải đổ 60.000 đồng, chưa kể xe ôm giao 15.000 đồng nay họ xin thêm 5.000 đồng chuyến hàng. Chi phí tiểu thương bỏ ra nhiều nhưng giá bán hàng hóa không dám tăng theo" bà Thanh nói.
Đại diện chợ đầu mối chợ Thủ Đức cho biết, qua trao đổi với các chành xe cho thấy hàng hóa từ Đà Lạt về chợ giá cước vận chuyển không tăng.
Nguyên nhân do từ sau dịch sức mua rất thấp; thị trường có thêm các nhà xe nhỏ cùng cạnh tranh. Do đó, để giữ chân và cùng chia sẻ với khách hàng thân thiết, các nhà xe không tăng giá cước. Riêng hàng hóa từ miền Tây các bên đang thương thảo.
Hàng Đà Lạt xuống chợ đầu mối chưa tăng giá cước vận chuyển. Ảnh minh hoạ TÚ UYÊN
Theo đại diện chợ đầu mối Thủ Đức, do thị trường tiêu thụ giảm nên hiện nay lượng hàng về chợ giảm. Đơn cử, bình thường lượng rau về chợ 1.700-1.800 tấn/ngày nay khoảng 1.400 tấn/ngày, trái cây từ khoảng 1.500-1.700 tấn/ngày hiện nay còn 900-1.000 tấn/ngày.
Tính chung, thời điểm này có khoảng 90% thương nhân tại chợ hoạt động lại bình thường.
Tương tự, đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, 80% thương nhân đã hoạt động kinh doanh bình thường, riêng thương nhân ngành hàng thủy hải sản đạt tỉ lệ 95 - 98%.
Một số thương nhân vẫn còn tâm lý e ngại dịch COVID-19 nên chưa ra kinh doanh; một số thương nhân tạm ngưng kinh doanh do mãi lực tại chợ chưa cao và một số thương nhân ngừng kinh doanh, trả lại mặt bằng.
Sản lượng hàng hóa tăng dần theo nhu cầu tiêu dùng của thị trường nhưng không mạnh bằng mọi năm.
Trong trong ba tháng đầu năm 2022, mặt hàng thịt heo giá vẫn giữ ở mức ổn định do nguồn cung dồi dào, duy trì ở mức bình quân 60.000 - 65.000 đồng/ kg. Một số mặt hàng hải sản phụ, hải sản cao cấp, rau củ còn giảm giá do ảnh hưởng dịch COVID-19, sức mua giảm. Hiện nay giá cả các mặt hàng nêu trên tại chợ đang ổn định.
"Mãi lực chưa cao do tâm lý tiêu dùng của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã thay đổi theo xu hướng tiết kiệm, hạn chế chi tiêu. Vì vậy, không có biến động cung, cầu hay tăng giá đột biến", đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho hay.