Theo hãng tin Reuters ngày 20-3, phía Mỹ đã gợi ý Thổ Nhĩ Kỳ gửi hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất đến Ukraine để giúp nước này ngăn đà tiến của Moscow.
Theo nguồn tin của Reuters, một số quan chức Mỹ đã đưa ra đề xuất trên với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước, song không có yêu cầu cụ thể hoặc chính thức nào. Đề xuất này cũng được đưa ra trong chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tới Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng này.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị các đồng minh đang sử dụng thiết bị và hệ thống do Nga sản xuất, bao gồm cả S-300 và S-400, xem xét chuyển giao chúng cho Ukraine, để nước này ngăn chiến dịch quân sự của Moscow.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 được triển khai tại căn cứ quân sự bên ngoài thị trấn Gvardeysk gần TP. Kaliningrad, Nga hồi năm 2019. Ảnh: REUTERS
Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận về bất kỳ đề xuất nào của Mỹ liên quan đến việc chuyển giao các hệ thống S-400 cho Ukraine.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin của Reuters, ý tưởng này là không khả thi do nhiều vấn đề, từ trở ngại kỹ thuật liên quan việc lắp đặt và vận hành S-400 ở Ukraine đến những lo ngại chính trị như đòn phản công mà Ankara có thể phải đối mặt từ Moscow.
Washington đã nhiều lần yêu cầu Ankara loại bỏ các tổ hợp tên lửa đất đối không do Nga chế tạo kể từ lần giao hàng đầu tiên vào tháng 7-2019. Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ và không cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho nước này.
Ankara cho biết họ buộc phải lựa chọn S-400 vì các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương không cung cấp vũ khí với các điều kiện thỏa đáng.
Các quan chức Mỹ muốn nắm bắt thời điểm này để lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ trở lại quỹ đạo của Washington. Các nguồn tin của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nỗ lực tìm kiếm những cách "sáng tạo" để cải thiện mối quan hệ căng thẳng đã tăng tốc trong những tuần gần đây, mặc dù chưa có đề xuất cụ thể nào thu hút được sự chú ý.
Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới trên biển với Ukraine và Nga ở Biển Đen và có quan hệ tốt với cả hai. Nước này đã lên tiếng ủng hộ Ukraine, nhưng cũng phản đối các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Theo các nhà phân tích, Ankara đã cẩn thận để tránh làm mất lòng Moscow. Tuy nhiên, nước này cũng đã bán máy bay không người lái quân sự cho Kiev và ký một thỏa thuận hợp tác sản xuất - một động thái khiến Điện Kremlin tức giận. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối các chính sách của Nga ở Syria và Libya, cũng như việc sáp nhập Crimea vào năm 2014.