Bị cáo Huỳnh Hữu Nhơn, nhiều nhân chứng và những người theo dõi vụ án “cướp xuyên không” đang “nín thở” chờ TAND tỉnh Hậu Giang có phán quyết mang tính đột phá: Tuyên bị cáo không phạm tội. Bởi lẽ với những chứng cứ ngoại phạm quá thuyết phục, nếu tòa tiếp tục tuyên hủy án thì sẽ kéo dài thêm sự đau khổ của không chỉ bị cáo...
Đây đã là phiên xử phúc thẩm lần thứ ba và trong phần luận tội ngày 18-3, đại diện VKS tỉnh Hậu Giang lại đề nghị tòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm kết tội Nhơn bốn năm tù, để cấp sơ thẩm điều tra lại.
Việc VKS cảm thấy chưa đủ căn cứ kết tội hoặc các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng… nên đề nghị hủy án là điều bình thường, đúng pháp luật. Tuy nhiên, đây đã là lần thứ ba xử lại vụ án này theo trình tự phúc thẩm mà VKS tỉnh Hậu Giang không thể buộc tội được.
Bị cáo Huỳnh Hữu Nhơn luôn kêu oan trong 6 năm qua. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Trong vụ án cướp tài sản này, chứng cứ vững chắc nhất để kết tội Nhơn là lời khai của “đồng phạm” Trần Văn Rồi và các chứng cứ, tài liệu liên quan khác. Tuy nhiên, những chứng cứ, lời khai mà hàng loạt nhân chứng cung cấp, thể hiện Nhơn ngoại phạm mà tòa án cấp phúc thẩm trong hai lần trước đề nghị làm rõ như: Chiếc xe máy dùng vào việc phạm tội; vì sao lời khai của Rồi bất nhất; lúc cơ quan tố tụng huyện Phụng Hiệp cho là Nhơn phạm tội thì bị cáo đang ở cách hiện trường hơn 100 km... vẫn chưa được làm rõ thấu đáo.
Và chưa hết, trong ngày xét xử vào cuối năm 2021 ở phiên phúc thẩm lần ba này, sau khi xét hỏi, tòa đã phải dừng đến ba tháng để nghị án, làm rõ các căn cứ buộc tội Nhơn. Và đến ngày 18-3, tòa trở lại phần xét hỏi với kết quả là VKS lại đề nghị hủy án.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, tòa có quyền hủy án để công an điều tra lại và việc hủy án này không bị giới hạn số lần, nếu thấy có căn cứ. Một khi điều tra lại thì thời hạn điều tra, truy tố, xét xử tính trở lại từ đầu và mỗi một “vòng” hủy như thế, thời hạn tối đa mà luật cho phép khoảng chừng 42 tháng.
“May” là đến giờ này Nhơn mang thân phận bị can, bị cáo… chỉ có sáu năm! Trong sáu năm qua, Nhơn hết bị bắt tạm giam rồi lại được cho tại ngoại và trong khoảng thời gian này xảy ra biến cố lớn với bị cáo: Gia đình tan vỡ.
Trong thời gian được tại ngoại lần hai, Nhơn đi bước nữa và giờ thì chỉ dám đi làm thuê loanh quanh ở địa phương vì bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Nhơn sống trong phập phồng vì không biết các cơ quan tố tụng bắt tạm giam lại vào lúc nào bởi cái quy định đầy cảm tính “xét thấy cần thiết” của luật.
Theo dõi phiên tòa của Nhơn, chúng ta dễ có liên tưởng đến vụ án Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh, người được tòa tuyên trắng án sau hai lần bị cấp sơ thẩm phạt tử hình. Ở vụ án của Hùng, cũng tại phiên xử phúc thẩm lần đầu, luật sư đã trưng ra bằng chứng ngoại phạm và tòa đã hủy án để điều tra lại. Sau đó, khi xử lần hai, tòa án tỉnh Tây Ninh vẫn buộc Hùng tội chết, bác bỏ toàn bộ chứng cứ ngoại phạm mà luật sư trưng ra, không quên dọa giẫm là luật sư làm sai lệch bản chất vụ án!
Đến phiên phúc thẩm lần hai (năm 2008), Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) đã chấp nhận chứng cứ ngoại phạm và tuyên Hùng không phạm tội.
Bản chất của hai vụ án là khác nhau nhưng ở đây có điểm tương đồng về trình tự mà cơ quan tố tụng tiếp nhận chứng cứ ngoại phạm. Có khác chăng là trong vụ án của Nhơn, tòa án cấp phúc thẩm đã hai lần hủy án nhưng những yêu cầu của cấp phúc thẩm đề nghị làm rõ vẫn chưa được cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đáp ứng đầy đủ.
Nhân chứng Phạm Thị Thu Hương, người thuê bị cáo Nhơn lái ghe chở mía ở Kiên Giang khi vụ cướp xảy ra ở Hậu Giang, cách nhau 100km. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Trao đổi với chúng tôi, Nhơn nói: Em bị vướng vào vụ án oan ức này và kéo theo nhiều người bị vạ lây. Những người làm chứng cho em chẳng bà con ruột rà gì nhưng nhiều lần bị mời làm việc. Họ còn lo sợ bị công an áp giải, bắt bớ nên phải gác công việc, đi cả trăm cây số làm việc với các cơ quan tố tụng, hầu tòa cùng em. “Em bị oan, “thua là em chung ngay”, nhận tội liền chứ không muốn làm phiền đến ai… Tòa kết tội, em sẽ tiếp tục kêu oan” - Nhơn nói.
Nền tố tụng nước nhà đã và đang tiến những bước phát triển rất lớn, áp dụng triệt để hơn nguyên tắc suy đoán vô tội; không làm oan người vô tội; bị can, bị cáo được hưởng quyền con người nhiều hơn… Vì vậy, nếu cảm thấy không thể làm rõ hơn được nữa thì tòa mạnh dạn tuyên bị cáo trắng án chứ không nên tiếp tục hủy án như đề nghị của công tố viên. Vì làm như thế là tiếp tục “treo” thân phận bị can, bị cáo của Nhơn không biết đến bao giờ.