Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa phối hợp với Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tổ chức buổi tọa đàm "Chinh phục tiêu chuẩn Organic JAS, lợi thế kết nối thị trường Nhật”.
Tại tọa đàm, Ino Mayu, điều phối viên Chương trình "Seed to Table" (chương trình cộng đồng phát triển Nhật Bản), cho biết: Với điều kiện khí hậu lý tưởng, Việt Nam rất đa dạng nông sản, theo mùa và có nhiều sản phẩm đặc trưng, độc đáo. Đây là điều mà nông dân các quốc gia khác “ghen tị”. Tuy nhiên, hạn chế của nông sản Việt Nam là chỉ sản xuất tươi, khâu chế biến rất ít.
Theo bà Mayu, với lợi thế trên, Việt Nam nên làm sao hướng người nông dân vào sản xuất hữu cơ, vừa đạt mục tiêu bảo vệ môi trường vừa đáp ứng nhu cầu chung của thế giới.
Sản phẩm hữu cơ đang "mốt" không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới. Tại Mỹ mỗi năm nhu cầu sản phẩm hữu cơ tăng 30%; diện tích bày bản sản phẩm hữu cơ tại các siêu thị Nhật Bản tăng gấp hai ba lần so với 15 năm trước.
Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ JAS của Nhật
Trong khi đó, bà Tường Mỹ, đại diện Công ty Yoshimi, cho biết: Với nhiều năm kinh nghiệm bán hàng sang Nhật cho thấy các nông sản Việt Nam đều đạt được các tiêu chuẩn như hữu cơ, GlobalGAP… Tuy nhiên quy trình chế biến lại có "vấn đề" với chất bảo quản, ecoli nên xuất khẩu qua Nhật công ty bị vướng rất nhiều, hàng hóa phải hủy.
Gần đây một số đối tác muốn mua các sản phẩm mít, nhãn, sầu riêng đông lạnh với số lượng lớn cũng như rau củ đông lạnh nhưng sợ vướng hai chất trên. Đồng thời giá cả hàng Việt cao hơn ½ so với hàng Trung Quốc nên công ty vẫn chưa dám nhập.
"Tôi rất buồn ngoài mất nhiều chi phí nhưng nếu công ty bị vào "sổ đen" sẽ không được phép xuất qua Nhật, kể cả DN bán hàng cho chúng tôi. Mong DN cần cẩn thận hơn trong quá trình chế biến" - bà Mỹ nói.
Cùng nhìn nhận trên, TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp - Phát triển nông thôn II, cho rằng, việc mở được một thị trường ở nước ngoài không đơn giản và mất nhiều thời gian. Nếu DN xuất khẩu bị cảnh cáo hai, ba lần mã hàng bị đóng lại gây thiệt thòi không chỉ cho DN xuất khẩu mà chính cả nhà sản xuất.
Do đó, mong những bà con sản xuất theo tiêu chuẩn nào cần ghi chép đúng tiêu chuẩn đó. Ví dụ sản xuất theo VietGap là ra VietGap…chứ đang làm VietGAP thấy người ta mua 20 tấn VietGap cũng có nhưng trong đó 18 tấn là "hàng xóm Gap" sẽ rất nguy hiểm.
Về giá cả, ông Hải giải thích hiện nay chi phí sản xuất sản phẩm hữu cơ của Việt Nam cao vì manh mún, nhỏ lẻ. Hy vọng thời gian tới các đơn vị khắc phục vấn đề này để có thể giảm giá thành, có thể cạnh tranh.
Ngoài ra, ông Hải cho biết, các DN có thể thắng một phần nếu hiểu thị trường Nhật. Chẳng hạn, Nhật Bản có 47 tỉnh trong đó các tỉnh phía Bắc mùa đông kéo dài hơn từ tháng 11 đến tháng 3, thời điểm này người nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp tươi với chi phí cao nhưng là lợi thế cho nông sản nhiệt đới Việt Nam. Dựa vào bản đồ thời tiết này các đơn vị liên kiết thâm nhập dần vào thị trường Nhật.
Theo ông Hải, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản Việt Nam sang Nhật đạt 1,8 tỉ USD, so tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng trên của Việt Nam 4,68 ti USD năm 2021 giá trị xuất khẩu Việt Nam sang Nhật chiếm 3,7%.
Vấn đề trên chứng tỏ dư địa tiềm năng thị trường Nhật rất lớn. Tuy nhiên, Nhật Bản là quốc gia đòi hỏi tiêu chuẩn cực kỳ khó khăn. Nếu đạt các tiêu chuẩn yêu cầu của thị trường Nhật dễ sàng sang các thị trường khác, đây là cơ hội lớn. Đồng thời, để nhập khẩu nông sản vào Nhật Bản có nhiều tiêu chuẩn trong đó tiêu chuẩn Organic JAS, lợi thế các đơn vị cần lưu ý.