Theo dự báo của Bộ Công Thương, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Trong đó EU là thị trường được dự báo sẽ có mức tăng trưởng mạnh.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nơi được xem là "đại bản doanh" của cây cà phê tại Việt Nam, việc xuất khẩu cà phê sang EU có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Khi nói các vùng trồng cà phê ở Việt Nam, không thể không kể đến Tây Nguyên, đặc biệt là Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk được coi là "vựa" cà phê Robusta xuất khẩu đứng đầu thế giới. Những tín hiệu tích cực từ thị trường cho thấy, mặt hàng số 1 là cà phê sẽ tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất ưu đãi theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu nhập khẩu cà phê khoảng 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có.
Người dân Đắk Nông thu hoạch cà phê. (Ảnh: TTXVN)
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê của cả nước đạt gần 400.000 tấn, thu về trên 824 triệu USD, giá trung bình đạt hơn 2.219 USD/tấn; tăng gần 31% về khối lượng, tăng xấp xỉ 66 % về kim ngạch và tăng gần 27% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đức là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam, chiếm gần 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt hơn 47 ngàn tấn. Tiếp theo là thị trường Bỉ, Italy, chiếm lần lượt gần 10% và 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
EVFTA tác động tích cực đến ngành hàng cà phê Tây Nguyên
Đây rõ ràng là các tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu cà phê ngay trong những tháng đầu năm nay. Hiệp định thương mại tự do Viêt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại những tác động tích cực đến việc xuất khẩu của ngành hàng cà phê cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.
Tuy nhiên, EVFTA không phải là chìa khóa vạn năng, bởi có một điều không thay đổi, đó là cho dù có Hiệp định thương mại tự do, EU vẫn luôn coi trọng và đặt yêu cầu về chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Do đó, cả người trồng cà phê, cũng như các doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu vừa tranh thủ lợi thế này, vừa coi đây là động lực mạnh mẽ để không ngừng nâng cao giá trị cà phê Tây Nguyên.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam với khoảng trên dưới 70.000 tấn mỗi năm, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp ở Gia Lai là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng chuỗi liên kết nhằm tạo ra những sản phẩm đồng nhất để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
"Về mặt liên kết chuỗi của Vĩnh Hiệp tại Gia Lai, những năm qua đã làm tốt từ khi các chính sách, Hiệp định định thương mai chưa mở ra. Và hiện khi các hiệp định thương mại mở ra rất nhiều, tỷ lệ tăng dần sự khắt khe về môi trường, con người, công bằng truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý", ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho biết.
Cái được lớn nhất ở Hiệp định này không chỉ dừng lại ở mức thuế suất ưu đãi, mà là những quy định rõ ràng hơn, để nếu người chơi tuân thủ sẽ đem lại những lợi ích về lâu dài.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng đề án xuất khẩu nông sản sang EU, có chiến lược làm sao nông sản vững chãi trong hệ thống phân phối lớn của châu Âu, chứ không phải đi từng chuyến hàng của doanh nghiệp. Nếu đi cùng nhau, chi phí rẻ, sức cạnh tranh lớn hơn và chúng ta phải lập liên minh những nhà xuất khẩu cà phê của Việt Nam, đặc biệt tại Tây Nguyên", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ.
Cùng với việc đẩy mạnh tổ chức sản xuất cà phê, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế, thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường mối liên kết để xây dựng ngành hàng cà phê bền vững.
EVFTA đã mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam, trong đó có cà phê rộng cửa vào thị trường này. Vấn đề còn lại là nhận thức của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu trước những cơ hội và nắm bắt nó như thế nào.
Thực tế cho thấy đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy trong chuỗi liên kết ngành hàng cà phê. Để biến cơ hội này thành hiện thực, việc bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu.
Các vùng chuyên canh cà phê, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của thị trường EU.
Đáng chú ý, người nông dân nơi đây đã xây dựng mô hình sản xuất cà phê cảnh quan, thân thiện môi trường, không còn chạy theo số lượng mà hướng đến chất lượng. Vậy mô hình cà phê cảnh quan là gì, nông dân, doanh nghiệp đang áp dụng nhiều cách thức sản xuất hữu cơ ra sao, xây dựng chỉ dẫn địa lý, liên kết vùng, liên kết chuỗi để nâng tầm giá trị cà phê như thế nào?
Nâng cao giá trị cà phê
Có 2,5 ha cà phê Robusta, 2 năm nay, ông Hồ Văn Lài ở phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã liên kết với một doanh nghiệp chuyên chế biến cà phê chất lượng cao tại tỉnh. Thực hiện thay đổi phương thức canh tác, từ quy trình chăm sóc đến khâu thu hái theo hướng dẫn, ông nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn so với canh tác truyền thống.
"Không dùng các thuốc bảo vệ thực vật như: thuốc trừ sâu, thuốc trị gỉ sắt, thuốc cỏ, chỉ dùng phân hóa học. Trong tương lai sẽ dùng phân hữu cơ để đúng tiêu chuẩn cà phê sạch. Giá thuần ở địa phương hiện nay là 8.500 đồng/kg, còn công ty mua tới vườn là cộng thêm từ 500 - 600 đồng/kg", ông Hồ Văn Lài cho hay.
Chọn cà phê chất lượng cao là sản phẩm trọng tâm để khởi nghiệp, Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên hiện đang liên kết với các hộ dân trồng cà phê ở Gia Lai và Kon Tum, để nâng cao chất lượng nguyên liệu. Doanh nghiệp tập huấn cho người dân canh tác cà phê theo hướng sinh thái, hữu cơ. Ngoài ra, công đoạn chế biến cà phê được đơn vị đặc biệt quan tâm.
"Thay đổi văn hóa hái cà phê, đưa những kiến thức hỗ trợ cho họ, kể cả những khâu sơ chế. Mình thúc đẩy tư duy cho họ thì lúc đó họ có thể làm được. những việc như thế này", ông Nguyễn Hải Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên, chia sẻ.
"Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất cà phê, cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ, đăng ký chứng chỉ, tiếp cận thị trường, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô liên kết", bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai, nhận định.
Chế biến cà phê xuất khẩu tại Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)
Tại Đắk Lắk, vùng trọng điểm về xuất khẩu cà phê của cả nước, song song với hướng liên kết canh tác cà phê hữu cơ, mô hình cà phê cảnh quan - lấy cây cà phê làm chủ đạo, thiết kế trồng xen các loại cây che nắng, chắn gió, cây thảm phủ, cây làm đai cách ly, giúp vườn cà phê đẹp hơn, phát triển tốt hơn trong các điều kiện thời tiết bất lợi, cũng là một xu hướng thân thiện môi trường đang được thực hiện.
"Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ khác đi, phải kích hoạt cả chuỗi ngành hàng cà phê và có sự liên kết giữa các tỉnh Tây Nguyên trong ngành hàng cà phê để tạo ra quy mô lớn hơn", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tỉnh Đắk Lắk xác định phát triển cà phê cảnh quan là hướng đi tất yếu, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 90.000 ha cảnh quan bền vững để xác nhận thương mại hóa diện rộng.
Dự báo xuất khẩu cà phê tăng trưởng thời gian tới
Theo các nhà phân tích thị trường, dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong cả năm 2022 sẽ tiếp tục khả quan, nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng trở lại, nguồn cung dồi dào, các hiệp định thương mại tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam và giá cà phê xuất khẩu nhiều khả năng duy trì ở mức cao.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ thị hiếu tiêu dùng toàn cầu ngày càng ưa chuộng sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Năm 2022, dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là 5 thị trường hàng đầu thế giới: Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Canada và Italy, nhờ lợi thế về thuế suất thuế xuất khẩu và nguồn cung cà phê chất lượng cao gia tăng.
Mặc dù dự báo khả quan, nhưng rõ ràng để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính như EU, ngành hàng cà phê nước ta còn rất nhiều việc phải làm. Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê nước ta cũng đang tập trung nâng cao năng lực sản xuất, truy xuất nguồn gốc, số hóa từ khâu sản xuất đến khâu bán hàng để nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.16081551112302202-ue-gnas-uahk-taux-auc-gnor-ehp-ac/et-hnik/nv.vtv