Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới 21/3 với diễn biến tích cực khi các chỉ số đều được kéo lên trên mốc tham chiếu.
Đóng cửa hôm nay VN-Index tăng 25,85 điểm (1,76%) để leo lên mức cao nhất trong ngày 1.494,95 điểm. Sàn có 326 mã tăng và 113 mã giảm giá. Trên sàn niêm yết HNX của Hà Nội, chỉ số tăng 7,08 điểm (1,57%) lên mức cao nhất ngày tại 458,29 điểm. Sàn có 154 mã tăng và 85 mã giảm giá.
Ngay từ đầu phiên giao dịch, nhóm cổ phiếu ngành thép có biến động tích cực. Phiên hôm nay, HSG tăng 0.92%, NKG tăng 2,38%, TLH tăng 0,25%, HPG tăng 0,7%...
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm hôm nay cũng biến động tích cực trở lại, trong đó, MIG được kéo lên mức giá trần 24.900 đồng/cổ phiếu, BIC cũng tăng trần 6,9%, BMI tăng 6%, PVI tăng 2,6%, BVH tăng 4,2%...
Nhóm cổ phiếu "họ FLC" hôm nay biến động tích cực. Đáng chú ý, mã FLC tăng kịch trần 6,79% lên 14.950 đồng/cổ phiếu với 34,7 triệu cổ phiếu được sang tay. Các cổ phiếu khác cùng nhóm này cũng tăng mạnh, ROS tăng 4,05%, HAI tăng 2,4%, KLF tăng 2,8%, AMD tăng 1,7%, ART tăng 2,7%...
Nhóm cổ phiếu nhà Vingroup hôm nay cũng biến động tích cực theo thị trường. Cả 3 mã này đều chìm trong sắc xanh. Đáng chú ý, VHM tăng 3,8% lên 77.500 đồng/cổ phiếu và là mã tác động tích cực nhất đến VN-Index khi kéo chỉ số chung lên hơn 3 điểm. Cổ phiếu này cũng ghi nhận 4,5 triệu cổ phiếu sang tay phiên hôm nay. VIC tăng 2,7% lên 81.000 đồng/cổ phiếu, VRE tăng 0,61% lên 33.200 đồng/cổ phiếu.
Các cổ phiếu nhóm cao su hôm nay bứt phá, trong đó một số mã tăng kịch trần. DPR của Cao su Đồng Phú tăng kịch trần lên 79.800 đồng/cổ phiếu, TNC của Cao su Thống Nhất tăng kịch trần lên 43.300 đồng/cổ phiếu, GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tuy không tăng trần nhưng cũng biến động tích cực khi tăng lên 34.600 đồng/cổ phiếu, DRI của Cao su Đắk Lắk cũng tăng 3,2%...
Nhóm ngân hàng hôm nay cũng đóng góp tích cực vào sắc xanh của VN-Index, dù xu hướng chung đến thời điểm này vẫn là phân hóa. Trong đó VCB và VPB dẫn đầu nhóm tăng, còn BID giảm nhẹ 0,2% dẫn dầu nhóm tác động kém.
Nhiều mã thuộc nhóm bất động sản hôm nay tăng kịch trần. DIG, PDR, HQC, FCM, LDG, CIG, TGG, IDI, NVL... tăng hết phiên độ với khối lượng sang tay tăng vượt bậc. Các cổ đông nhóm bất động sản đã có một phiên đón sóng thành công. Cũng chính lực kéo của nhóm cổ phiếu bất động sản giúp thị trường chứng khoán bứt phá và nối dài chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp.
Mức tăng vọt của chỉ số chủ yếu được nâng đỡ bởi các cổ phiếu trụ như VHM, NVL, MSN, GAS và VIC. Nhóm 5 mã này đã mang về hơn 13 điểm, chiếm phân nửa trong tổng số gần 26 điểm tăng của thị trường chung.
Nhóm cổ phiếu liên quan đến Nhựa Đồng Nai tiếp tục biến động mạnh trên thị trường chứng khoán. NVT, HUT, JVC, DNP lại tăng trần, có lượng dư mua trần lớn khi kết phiên. Tuần vừa rồi, dù thị trường biến động mạnh với nhiều phiên rung lắc thì nhóm này vẫn liên tục ghi nhận các phiên tăng trần và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây đều là các cổ phiếu liên quan đến hệ sinh thái của doanh nhân Vũ Đình Độ.
Tuần "tạo sóng" của nhóm cổ phiếu liên quan Nhựa Đồng Nai
Khối ngoại hôm nay mua ròng 1.099 tỷ đồng sau nhiều phiên bán ròng liên tiếp 2 tuần trước đó. Hôm nay, nhiều mã được mua tích cực, trong đó 2 mã được mua khối lượng trên 100 tỷ đồng là STB (116 tỷ đồng) và GEX (113 tỷ đồng). Các mã khác được mua mạnh là GAS, VRE, VNM, PNJ, SHB, VHM, VCB, SSI...
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 25.972 tỷ đồng, giảm 6%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 6% và đạt 21.909 tỷ đồng.
Trước phiên giao dịch đầu tuần, các đơn vị phân tích có phần trái chiều về xu hướng của VN-Index trong tuần tới, khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và giữ tỉ trọng danh mục ở mức an toàn.
KB Việt Nam cho rằng thị trường có thể còn phải trải qua các nhịp điều chỉnh rung lắc trong phiên kế tiếp nhưng cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục vẫn tiếp tục được đánh giá cao. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể linh hoạt mua tại hỗ trợ/bán tại kháng cự một phần vị thế trading đối với các cổ phiếu mục tiêu.
Chứng khoán Kiến Thiết đưa ra nhận định cần thận trọng với xu hướng của thị trường chung, ưu tiên vị thế đứng ngoài quan sát, kiên nhẫn chờ thêm tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn. Chứng khoán Rồng Việt nhận thấy dòng tiền vẫn duy trì tâm lý thận trọng và áp lực bán đang dần tăng. Thị trường vẫn trong trạng thái thận trọng, có khả năng sẽ tiếp tục bị cản và lùi bước.