Vậy tôi có được tiếp tục sử dụng Chứng minh nhân dân cũ để đi làm các thủ tục hành chính, ký kết hợp đồng với đối tác hay không?
Luật sư tư vấn
Theo khoản 4 điều 1 Thông tư 40/2019/TT-BCA, khi trả thẻ Căn cước công dân (trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân), cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng với Chứng minh nhân dân và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và trả Chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến nhận thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước công dân qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.
Theo khoản 3 điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2021), cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, nhiều nơi "quên" cắt góc hoặc thu lại Chứng minh nhân dân cũ là hành vi không đúng quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc, công dân đã được cấp Căn cước công dân gắn chip mới thì thẻ này có giá trị hiệu lực, Chứng minh nhân dân cũ hết hiệu lực. Do đó, nhằm tránh gặp vướng mắc, rủi ro pháp lý về sau thì mọi người nên sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip (không nên cùng lúc sử dụng đồng thời Chứng minh nhân dân cũ và Căn cước công dân mới).
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM.
Xem thêm: lmth.0131444-nad-gnoc-couc-nac-oc-ad-ihk-uht-hnim-gnuhc-gnud-coud-oc/ten.sserpxenv