Đoàn ĐBQH TP Hà Nội vừa có báo cáo giám sát về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi đầu cơ, tăng giá các mặt hàng thiết bị y tế, buôn bán các loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19 chưa được phép lưu hành.
Báo cáo cho biết sau dịp Tết Nguyên đán, dư luận cử tri phản ánh trên thị trường giá một số thiết bị y tế như bộ test kháng nguyên COVID-19, máy đo nồng độ SpO2 tăng cao đột ngột, đồng thời thị trường cũng xuất hiện một số loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 chưa được phép lưu hành.
Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP tăng cường kiểm tra, xử lý việc mua bán vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 để phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để găm hàng, đầu cơ, tích trữ nâng giá hàng hoá bất hợp lý…
Về kết quả kiểm tra, xử lý từ đầu năm 2022 đến nay, riêng ngành y tế của Hà Nội đã kiểm tra 716 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế, kit test COVID-19 trong đó xử phạt vi phạm hành chính 67 cơ sở với số tiền hơn 1 tỉ đồng; giá trị hàng hoá vi phạm là hơn 337 triệu đồng; tiến hành thu hồi giấy phép của 12 cơ sở.
Các sai phạm của các cơ sở này tập trung kinh doanh thuốc điều trị kit xét nghiệm COVID-19 như: bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc; kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 khi chưa thực hiện thủ tục công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D theo quy định…
Đoàn ĐBQH TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét đưa các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 vào diện hàng bình ổn giá. Ảnh: TP
Ngoài ra, Cục quản lý thị trường Hà Nội cũng đã kiểm tra 37 vụ, phát hiện tổng giá trị số hàng hoá vi phạm gần 2,7 tỉ đồng, tiến hành xử lý hành chính 35 vụ, với tổng mức phạt gần 380 triệu đồng. Lực lượng công an TP Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra 15 vụ, phát hiện tổng giá trị hàng hoá vi phạm hơn 620 triệu đồng, tiến hành xử lý hành chính 8 vụ với số tiền hơn 110 triệu đồng…
Báo cáo giám sát chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đầu cơ, tăng giá kit test, thuốc điều trị COVID-19 trên địa bàn là do dịch tăng cao, nhu cầu của người dân lớn, dẫn đến việc nhiều cơ sở đã lợi dụng tình trạng trên để quảng cáo, buôn bán qua mạng các sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19 được nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Một số cơ sở đã tăng giá bán hoặc không niêm yết giá bán.
Báo cáo cũng cho biết Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 3 loại thuốc chưa Molnupiravir sản xuất trong nước và được bán tại các nhà thuốc, cùng với việc cấp phát thuốc điều trị COVID-19 miễn phí tại các cơ sở y tế trên địa bàn (các thuốc Molnupiravir, Favipiravir, Avigan…) đã đáp ứng đủ thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng cao và việc bán thuốc phải có đơn của bác sĩ nên việc tiếp cận các loại thuốc điều trị của người dân có lúc chưa được kịp thời.
Theo đó, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục kiểm soát chặt nguồn hàng nhập khẩu, tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế, kit test, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19. Xem xét đưa các mặt hàng thiết bị, vật tư y tế phòng chống COVID-19 vào diện bình ổn giá.