Chiều 21.3, Ban công tác phía Nam - Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân về những vấn đề nổi bật trong công tác điều hành, quản lý của Chính phủ, chính quyền địa phương trong phòng chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại TP.HCM và khu vực phía Nam.
Tại hội nghị, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho hay hiện nay người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà được cấp nhiều loại giấy xác nhận khác nhau như: quyết định cách ly tại nhà; xác nhận hoàn thành thời gian cách ly; giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR) có kết quả dương tính với SAR-CoV-2; giấy xác nhận bị mắc Covid-19; giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội...
Thời gian qua, tại các trạm y tế cơ sở xảy ra trường hợp người dân F0 phải xếp hàng chờ xét nghiệm, lấy giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh, hoàn thành cách ly, gây nhiều phiền hà.
Hệ thống quản lý người bệnh Covid-19 tại TP.HCM |
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định thống nhất về thủ tục hành chính quản lý F0 điều trị tại nhà, triển khai thêm tính năng cấp giấy hoàn thành cách ly trên hệ thống quản lý F0 để tạo thuận lợi cho người dân. Người dân khi biết mình mắc Covid-19 sẽ chủ động khai báo thông tin trên đường link mà cơ quan y tế địa phương cung cấp.
"Trạm y tế sẽ đánh giá tình trạng F0 trực tiếp hoặc gián tiếp; tiếp nhận người bệnh trên nền tảng quản lý F0; theo dõi, chăm sóc F0 trên hệ thống. Khi hoàn thành cách ly, người bệnh sẽ được cấp giấy xác nhận hoặc qua email điện tử đã cung cấp", ông Hậu nói.
Sớm gỡ vướng chính sách cho người lao động là F0 điều trị tại nhà
Vấn đề gỡ vướng cấp giấy cho người lao động là F0 được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng được ông Hậu nêu ra.
Theo đó, các trường hợp người lao động là F0 được hoặc nghỉ việc để chăm sóc cho con dưới 7 tuổi là F0 được hưởng chế độ ốm đau với điều kiện có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế (giấy ra viện nếu điều trị nội trú và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu điều trị ngoại trú).
Theo luật sư Hậu, thực tế thời gian qua, việc cấp giấy xác nhận cho F0 được thực hiện đảm bảo, đúng quy định.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người lao động không được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
"Có trường hợp được trạm y tế cấp giấy, nhưng thời điểm lại là ngày người lao động đến trạm (sau khi khỏi bệnh) để đề nghị cấp, không bảo đảm chính xác thời gian nghỉ ốm. Nhiều trường hợp điều trị tại các bệnh viện dã chiến cũng không được cấp giấy ra viện mà chỉ được cấp giấy hoàn thành điều trị, cách ly...”, ông Hậu nói.
Từ tháng 6.2021 đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đã gửi nhiều văn bản đề nghị Bộ Y tế tháo gỡ vấn đề này và đề xuất hướng xử lý.
Tuy nhiên, trong công văn 238/2021 trả lời, Bộ Y tế cho rằng đây là quy định của luật Bảo hiểm xã hội, vì vậy, cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành nghị quyết để giải quyết.
Trong thời gian chờ đợi, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cấp và quản lý giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có sửa đổi, bổ sung nào.
“Việc chậm sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục đã gây ra nhiều khó khăn cho người lao động cũng như cơ quan thực hiện chính sách”, ông Hậu đề nghị Bộ Y tế cần khẩn trương hơn nữa trong việc sửa đổi các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền để sớm tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến, thảo luận về công tác phòng chống dịch Covid-19; giá xăng dầu; vấn đề thuế thu nhập cá nhân; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng; vai trò giám sát phản biện hay việc nâng cao vai trò của hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam TP.HCM, đối ngoại – kiều bào nhân dân... Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho hay sẽ ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để báo cáo, sớm tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, bất cập nếu có.