Xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến nhiều lập trình viên, nhà khởi nghiệp công nghệ và nhà đầu tư quyết định rời bỏ Nga. Những khó khăn về tài chính, văn hoá và rủi ro chính trị tiếp tục bám theo họ ngay cả khi không còn ở nước Nga.
“Ngòi nổ” của quả bom chảy máu chất xám
Eugene Konash là CEO của studio game DC1ab với trụ sở tại London (Anh), nhưng có nhân viên làm việc từ xa tại Nga. Giống như nhiều công ty công nghệ quốc tế khác, studio game của Eugene Konash tuyển nhân viên từ nhiều nước Đông Âu nhờ khả năng cao và yêu cầu lương "chấp nhận được" của họ.
Vốn xuất thân từ Belarus, Konash hiểu rõ rằng lực lượng nhân lực công nghệ và kỹ thuật có đẳng cấp thế giới phát triển mạnh mẽ tại các nước thuộc Liên Xô cũ, chủ yếu nhờ chính sách giáo dục tập trung vào toán học và khoa học tự nhiên.
Khi Nga tiếp tục tập trung quân dọc biên giới với Ukraine vào giữa tháng 2 vừa qua, ông Konash càng ngày càng thấy lo lắng hơn. Nhưng như nhiều người khác, ông không nghĩ Nga sẽ động binh với Ukraine.
Sau ngày 24/2, hy vọng của Konash tan biến hoàn toàn. Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, dẫn đến việc các nước phương Tây và đồng minh trừng phạt Nga. Các doanh nghiệp là đối tượng đầu tiên chịu tác động từ những diễn biến này.
Một nhân viên tại Nga của DC1ab không thể nhận tiền từ nước ngoài do ngân hàng người này sử dụng là đối tượng của lệnh trừng phạt. Cùng lúc đó, đồng rúp mất giá khủng khiếp và khả năng đổi ngoại tệ của người Nga ngày càng bị hạn chế theo thời gian.
Cuối cùng, các nhà đầu tư nói thẳng với Konash rằng họ sẽ không thể tiếp tục đầu tư vào startup của ông nếu vẫn còn nhiều nhân viên làm việc tại Nga. Nhóm nhân viên này quyết định rằng đã đến lúc phải rời Nga.
Ông Konash cho biết: “Những người một tháng trước còn nói họ sẽ không rời Nga dù thế nào đi nữa bây giờ lại đang thu dọn đồ đạc và tự lái xe sang Kazakhstan. Họ phải làm vậy vì vé phương tiện khác hoặc đã bán hết, hoặc quá đắt đỏ”.
Bên cạnh tác động từ các lệnh trừng phạt tài chính, việc vận hành một công ty công nghệ tại Nga còn trở nên không thực tế khi các dịch vụ công nghệ nước ngoài dần rút khỏi Nga hoặc bị giới chức Nga cấm hoạt động.
Cụ thể hơn, Apple và Microsoft đã dừng bán sản phẩm và dịch vụ tại Nga, trong khi Google dừng dịch vụ quảng cáo tại quốc gia này. Ngược lại, cơ quan quản lý truyền thông Nga Roskomnadzor đã hạn chế Facebook, Instagram và Twitter, tuy một số người dùng vẫn có thể truy cập các dịch vụ này. Nhiều nhà phát triển ứng dụng quyết định rời Nga vì lo rằng công cụ họ dùng có thể bị chặn hoàn toàn hoặc không sử dụng được trong tương lai.
Những người vội vã rời nước Nga
Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, nhiều công ty gốc Nga bắt đầu đăng ký tại các quốc gia khác nhằm xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư về rủi ro chính trị. Trước đó, các công ty này chỉ hoạt động bên ngoài Nga trên giấy tờ; toàn bộ đội ngũ nhân viên vẫn làm việc tại Nga. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine đã biến một hiện tượng nhỏ lẻ trở thành một xu thế lớn.
Nikita Blanc (30 tuổi) đổi họ của mình từ Akimov thành Blanc 4 năm trước. Theo Blanc, một công ty đăng ký tại nước ngoài nhưng hoạt động hoàn toàn tại Moscow vẫn có thể “sống khỏe”, cho đến khi xung đột bắt đầu. Đó là lý do mà startup mang tên Heyeveryone của Blanc hiện đang làm thủ tục đăng ký thành lập tại bang Delaware (Mỹ).
Startup này chưa bao giờ có ý định chỉ phục vụ thị trường Nga, nhưng Blanc và vợ vẫn chọn Moscow làm trụ sở chính nhờ những ưu điểm hiển nhiên. Cha mẹ anh có thể giúp chăm sóc đứa con gái 3 tuổi của hai vợ chồng Blanc; Internet tại Nga rẻ và có tốc độ cao; và Moscow có nhiều công ty công nghệ với những người sáng lập chung chí hướng.
Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp và cuộc sống bình yên của vợ chồng Nikita Blanc đột ngột chấm dứt sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine. 3 ngày sau khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” bắt đầu, vợ của Nikita là Valentina quyết định gia đình mình phải rời Nga.
Valentina cho biết: “Tôi không làm việc bình thường được nữa. Tôi có người thân đến từ Ukraine… Sẽ khó rời Nga khi có con nhỏ, nhưng tôi không nghĩ tình thế sẽ thay đổi. Vậy nên mỗi người chúng tôi đóng 23kg hành lý và mua vé một chiều [rời Nga].”
Hai vợ chồng cùng con gái đi sang Gruzia - một trong những điểm đến hàng đầu cho làn sóng nhân lực rời khỏi Nga. Bên cạnh Gruzia, các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Kazakhstan và Thái Lan cũng hấp dẫn người Nga nhờ chi phí sinh hoạt tương đối phải chăng và điều kiện nhập cảnh dễ dàng cho người Nga.
Nhiều công ty rời Nga cũng đang nỗ lực đưa nhân viên người Nga ra nước ngoài. Trên mạng xã hội Telegram, nhiều nhóm tập hợp hàng chục nghìn người Nga đang sôi nổi thảo luận cách rời Nga.
Nhưng ngay cả sau khi đi khỏi nước Nga, người Nga vẫn có thể phải chịu tác động từ các lệnh trừng phạt. PayPal, Mastercard và Visa đã dừng hoạt động tại Nga, có nghĩa là những người dùng tài khoản ngân hàng của Nga sẽ không thể dùng thẻ của mình ở nước ngoài.
Estonia đã ngừng nhận hồ sơ đăng ký lưu trú điện tử từ công dân Nga và Belarus nhằm “ngăn tránh né trừng phạt và hoạt động phi pháp”. Giới quản lý châu Âu dường như còn yêu cầu một số ngân hàng xem xét kỹ giao dịch của tất cả các khách hàng người Nga, bao gồm cả những người đang định cư tại các nước thành viên EU. Các lệnh trừng phạt nghiêm trọng đến mức một số người còn nghĩ đến việc từ bỏ hộ chiếu Nga.
Khi cánh cửa của hệ thống tài chính truyền thống trở nên hẹp hơn với người Nga, một số người tìm đến tiền mã hóa. Vợ chồng Blanc đầu tư một phần đáng kể tài sản vào tiền mã hóa từ 5 năm trước, còn Eugene Konash thì cho rằng Bitcoin và Ethereum sẽ là giải pháp cuối cùng để thực hiện thanh toán quốc tế nếu nhân viên của ông tiếp tục bị kẹt lại ở Nga.
Giới quản lý EU có quan điểm rằng lệnh trừng phạt đối với Nga và Belarus bao gồm cả tài sản dưới dạng tiền mã hóa. Tại Mỹ, các nhà lập pháp đã hối thúc Bộ Tài chính có biện pháp bảo đảm Nga không thể dùng tiền mã hóa để né trừng phạt. CEO của sàn giao dịch Binance thì cho rằng giao dịch tiền mã hóa đều được lưu lại trên blockchain công khai, do đó người Nga sẽ khó tránh trừng phạt hoặc hạn chế giao dịch ngay cả khi dùng kênh thanh toán này.
Người đi và người ở lại
Nỗi khổ của những người Nga rời bỏ quê hương không chỉ đến từ việc rời xa gia đình và bạn bè, mà còn từ sự khác biệt về thái độ và cách nhìn nhận diễn biến gần đây. Nikita Blanc nói với giọng vừa hoài nghi vừa buồn bã: “Cha mẹ chúng tôi và họ hàng có tuổi vẫn tiếp tục khuyên chúng tôi trở lại. Họ nói rằng mọi chuyện vẫn ổn, rằng nước Nga vĩ đại”.
Còn Eugene Konash thì bày tỏ thái độ hối tiếc với hiện tượng chảy máu chất xám tại Nga: “Tôi suy nghĩ nhiều về việc phần lớn những con người tài năng được đào tạo về khoa học - kỹ thuật tại Liên Xô và Nga đều rời khỏi các nước hậu Liên Xô ngay khi có cơ hội… Các nước này rồi sẽ ra sao?”.
Tùng Phong (Theo TechCrunch)