Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - Ảnh: GĐCC
Là một người cầm bút sẵn sàng vào chiến trường, trở đi trở lại một nơi nào đó chỉ để tìm kiếm tư liệu, cảm xúc cho tác phẩm - đó là chân dung của ông.
Đi xe đạp hàng trăm cây số để tìm tư liệu
Với kịch bản phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh đã có những trải nghiệm khó quên bằng xe đạp.
Đạo diễn Hải Ninh từng kể năm 1960, hai ông lặn lội vào Vĩnh Linh - vùng đất đau thương gắn với nhiều câu chuyện về những cuộc chia ly ở hai bờ sông Bến Hải - để gặp hai người phụ nữ mới vượt sông từ bờ Nam sang.
Họ còn trở lại Vĩnh Linh nhiều lần để lấy tư liệu. Phương tiện duy nhất khi đó là xe đạp. Cứ đêm đi, ngày nghỉ để tránh bom. Có lúc trượt bánh xe ngã nhào, lại dậy đi.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là một trong những phim kinh điển của Việt Nam sản xuất năm 1973, từng nhận giải Bông sen bạc tại liên hoan phim (LHP) năm đó và sau này khi phim dự LHP quốc tế Matxcơva, nghệ sĩ Trà Giang - nữ diễn viên chính của phim này - được nhận giải diễn viên xuất sắc.
Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về hành trình tác nghiệp của Hoàng Tích Chỉ và đồng đội trong suốt những năm tháng chiến tranh và hòa bình sau này.
Hơn 30 tuổi, ông có thêm độ chín trong nghề, làm trưởng phòng biên tập Hãng phim truyện Việt Nam và về sau là giám đốc Hãng phim truyện I - Cục Điện ảnh... Nhiều nghệ sĩ cùng thời kể ông là người lặng lẽ, bền bỉ, cẩn trọng. Cái gì đã theo đuổi thì theo tới cùng. Những tác phẩm ông viết hoặc đồng sáng tác đều thấm đẫm hơi thở cuộc sống lúc bấy giờ.
Nhiều nhân vật của kịch bản là những nguyên mẫu ông đã nghe kể rồi tìm gặp bằng được ngoài cuộc đời. Chính việc nhúng mình vào những câu chuyện đầy thân phận trong các sự kiện, bối cảnh điển hình của đất nước mà những phim do ông viết kịch bản đều làm lay động lòng người.
Như kịch bản phim Em bé Hà Nội, ông tìm hiểu về những con người có thật, câu chuyện có thật để viết.
Phim không chỉ tố cáo sự hủy diệt của chiến tranh mà điều đọng lại là sức sống kiên cường, là những hành xử nhân văn, một Hà Nội chật hẹp so với thời đại bây giờ nhưng ấm áp tình người.
Những điều lắng đọng đó chỉ có thể được viết lên từ một góc quan sát riêng của người luôn đi, nhìn và ghi chép những mẩu chuyện của cuộc sống, từ một trái tim.
Một "thương hiệu" Việt
Ông Hoàng Tích Chỉ là biên kịch chuyên nghiệp đầu tiên của điện ảnh Việt Nam và cũng là một biên kịch không bao giờ dừng lại ở việc viết. Đi để quan sát, để ghi chép những câu chuyện cuộc đời, rồi cùng ngồi bàn với đạo diễn, cùng chăm sóc đứa con tinh thần cho tới khi phim ra mắt.
Với nhiều người ở thế hệ 6X, 7X khi xem phim Việt Nam, cái tên Hoàng Tích Chỉ như một "thương hiệu Việt". Không chỉ để lại nhiều tác phẩm, ông còn để lại cho thế hệ hậu sinh kinh nghiệm quý báu về nghề viết, cách mà một người trân trọng nghề viết của mình như thế nào.
Khi đã ở tuổi thất thập, trên bàn làm việc của ông vẫn còn nhiều tác phẩm viết dở. NSƯT Hoàng Tích Thiện, con trai ông, kể lại: "Vài năm trước, dù bố tôi không còn minh mẫn như trước nhưng thỉnh thoảng ông vẫn nhắc về kịch bản đang viết dở, muốn hoàn thiện nó".
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã sống một cuộc đời sôi nổi, ý nghĩa và vừa nhẹ bước đi để lại một nụ cười hiền và ấm áp như con người ông.
Nhà biên kịch HOÀNG TÍCH CHỈ sinh năm 1932 tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông qua đời vào ngày 20-3-2022, hưởng thọ 90 tuổi.
Năm 2012, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2012 cho các kịch bản phim truyện (mà ông là tác giả hoặc đồng tác giả): Trên vĩ tuyến 17, Biển gọi, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu và kịch bản phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông.
Tên ông gắn với nhiều bộ phim kinh điển như: Biển gọi (Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ I, 1970); Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973, Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ II, 1973); Em bé Hà Nội (Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ III-1975, Giải đặc biệt của ban giám khảo tại LHP quốc tế Matxcơva - 1975); Mắt bão (1972) dựng thành phim Tọa độ chết (1985); Mối tình đầu (1977, Bông sen bạc LHP phim Việt Nam lần thứ V - 1980, giải Chiếc thuyền bạc LHP Hiện thực mới tại Ý - 1981); Thành phố lúc rạng đông (1975, giải Bồ Câu Vàng đặc biệt, LHP Leipzig - CHDC Đức); tiểu thuyết Tướng cướp hoàn lương dựng thành phim truyện SBC; Người đàn bà bị săn đuổi (1990); từ tiểu thuyết Bóng ma rừng Sác dựng thành phim Bông hoa rừng Sác (1995)…
TTO - Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, tác giả của nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”... vừa qua đời. Ông từng là nhà biên kịch đầu tiên được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Xem thêm: mth.42334658022302202-mit-iart-tom-tub-yac-tom-ihc-hcit-gnaoh-hcik-neib-ahn/nv.ertiout