vĐồng tin tức tài chính 365

Bỏ ký lương, ra 'chạy chợ'

2022-03-22 10:01
Bỏ ký lương, ra chạy chợ - Ảnh 1.

Một số người bỏ làm công ăn lương, ra buôn bán tự do ngay trước cổng nhà máy mình từng làm - Ảnh: MẠNH DŨNG

Buổi sáng, chị Hà kéo xe hàng tới con đường số 46 ở khu Tân Tạo, Bình Tân (TP.HCM), cũng là lúc các công nhân đang chuẩn bị vào Nhà máy Pouyuen và Khu công nghiệp Tân Tạo gần đó. 

Vài cô vội vã tranh thủ mua ký ổi của chị Hà. Loại ổi Tiền Giang ruột đỏ, vỏ căng, thơm lừng. "Mua của chị này quen rồi, bả dân quê biết tuyển trái cây ngon, mà bán cũng đúng giá, khỏi mất công trả giá", một cô công nhân nói rồi vội vã cầm bọc ổi đi thẳng vào nhà máy.

Tôi sẽ cố gắng đi bán nhiều hơn, dành dụm ít tiền, rồi thuê mặt bằng mở tiệm tạp hóa nho nhỏ ở vùng ven như Bình Chánh, Đức Hòa. Vừa bán vừa ở cũng tiện hơn là chỉ thuê nhà trọ về ngủ.

Chị Trần Thị Hà

"Chạy chợ" vì hoàn cảnh

Chị Trần Thị Hà, 37 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh. Cùng chồng con lên TP.HCM nhiều năm nay, chị đã lăn lóc trải qua nhiều nghề làm công ăn lương, từ các cơ sở sản xuất ở Bình Chánh đến phụ việc ở các quán xá. 

Có nơi chị lãnh lương 3 - 4 triệu đồng, chủ bao một bữa ăn, có nơi chủ trả lương cao hơn một chút, và chị vẫn vui vẻ làm vì dù sao cũng còn có việc hơn là thất nghiệp ở quê.

Tuy nhiên, từ đợt dịch năm 2020 tới giờ, nhiều đợt quán xá bị đóng cửa kéo dài, thậm chí có được mở lại cũng ế ẩm. Bắt chước mấy người bạn cùng xóm trọ ở gần bến xe Miền Tây, chị Hà chế cái thùng xe kéo đi bán dạo lặt vặt trái cây, rau quả và vài ký thịt cá. 

Hồi dịch căng thẳng, chị tìm mối mua cam, chanh, sả, gừng để bán vì đó là những thứ hay được dùng để hỗ trợ trị bệnh nên bán rất chạy. "Có ngày, tui bán lời được cả năm trăm ngàn bạc, mừng quá trời. 

Sáng mới kéo hàng lòng vòng đi vài đường, người ta đã tranh mua sạch trơn. Có người còn đặt mua thêm để mai giao tiếp cho họ", người phụ nữ gốc quê lúa này thật thà kể chuyện làm ăn.

Chị Hà kể từ hồi đi lên thành phố mưu sinh tới nay đã gần 10 năm nhưng chưa bao giờ làm công ở đâu được lương trọn 200.000 đồng mỗi ngày. 

Chỉ một cơ sở dập đinh sắt ở Bình Chánh trả chị lương 7 triệu đồng cho công việc làm rất nặng của đàn ông và 12 giờ mỗi ngày, nhưng cũng trừ này nọ để mỗi tháng chị thực lãnh được chỉ còn gần 6 triệu đồng. 

Cố gắng làm 6 tháng, chị không thể chịu nổi công việc quá nặng nhọc nên phải đi tìm việc khác và chấp nhận lương thấp hơn một chút.

"Đi làm thuê thì mình không lo ế ẩm, cụt vốn như ra buôn bán, mà bù lại thời gian khít rịt. Hôm nào bệnh cũng không dám nghỉ vì sẽ bị trừ lương, hay có việc phải đi trễ về sớm một chút cũng bị trừ lương. 

Còn ra buôn bán riêng thì nặng lo lắm chứ, vốn liếng xe trái cây chút xíu này cũng mấy triệu bạc. Chỉ cần ế ẩm vài ngày đã bằng cả tháng lương rồi", chị Hà tâm sự và cho biết thêm tới giờ vẫn vui vẻ với lựa chọn rời việc lãnh lương ra "chạy chợ". 

Hôm nào khỏe, chị cố đi bán thêm để được thêm tiền. Hôm nào mệt mỏi thì chị nghỉ sớm. Công việc và thời gian do chị tự quyết, không phải phụ thuộc vào ai, và nhất là không phải cuối tháng cứ nơm nớp lo... lãnh lương có bị trừ này nọ hay không.

Những tháng cuối năm 2021, TP.HCM vừa bớt dịch, chị Hà bán được khá hơn, vì người dân vẫn còn thói quen ngồi nhà mua đồ. 

Từ tháng 10-2021 đến cuối tháng 1-2022, trung bình mỗi tháng chị kiếm lời được khoảng 8 - 10 triệu đồng với hàng hóa chủ yếu là trái cây miền Tây Nam Bộ lên, nhưng gần đây chị bán chậm lại một chút. 

"Chắc là giờ người ta tự do đi chợ, đi siêu thị thoải mái rồi", chị Hà cho biết và tự lý giải thêm chắc cũng có một phần "do xăng cộ lên giá, bà con làm ăn khó khăn hơn".

Bỏ ký lương, ra chạy chợ - Ảnh 3.

Bà Hạnh đang dần có nhiều khách mới với xe trái cây của mình - Ảnh: MẠNH DŨNG

Cũng đắp đổi được qua ngày

Giống chị Hà, anh Đinh Công Tám vừa rời việc ăn lương để đem "chợ" rau quả lên chiếc xe ba gác của mình. Anh từng bị nhiễm dịch bệnh ở khu trọ, cũng phải đi Bệnh viện Thủ Đức ngay trong đợt bùng phát thứ tư căng thẳng nhất của TP.HCM. 

Hết bệnh, phục hồi được sức khỏe, anh phát hiện nhiều người có thói quen mới mua hàng tại nhà để hạn chế đến nơi đông người, thế là anh "lên đời" chiếc xe ba gác để đi bán rau quả.

Sáng sớm, anh Tám chịu khó dậy sớm lên chợ đầu mối Bình Điền mua rau quả với giá bán sỉ, sau đó đi ra các cổng khu công nghiệp, xóm dân cư quen biết để bán lại. 

Có cô công nhân chỉ tiết kiệm mua của anh bó rau 10.000 đồng, thậm chí nải chuối cũng xẻ đôi để bớt tiền, nhưng người đàn ông này vẫn kiếm được đồng ra đồng vô mỗi ngày, "dễ thở" hơn đi làm lao động phổ thông ăn lương công nhật ở tuổi không còn trẻ nữa. 

"Cũng có hôm ế, có hôm bán hết, ngày này bù ngày kia cũng sống được. Trước đây, tôi chạy xe rau quả đi nhiều nơi, giờ tập trung ở các khu không tiện gần chợ búa, siêu thị sẽ có nhiều người mua hơn", anh Tám kể.

Người đàn ông 48 tuổi này đang phải "cày" nuôi con học đại học. Anh cười kể vất vả một chút nhưng cũng tạm bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Hôm nào bán hết đồ, vợ chồng anh chi tiêu rộng tay thêm cho miếng ăn gia đình. Hôm nào ế ẩm, họ lại dè sẻn. 

Chuyện chẳng có gì lạ với người kiếm sống bằng mồ hôi của mình. Anh Tám kể cũng kiếm được ngót nghét mươi triệu mỗi tháng nếu chịu khó dậy sớm về trễ, đi bán đều mỗi ngày. Thu nhập không cao nhưng với anh vẫn thoải mái hơn việc làm công để mỗi tháng chờ lãnh lương.

So với anh Tám, chị Hà, bà Thạch Thị Hạnh lớn tuổi hơn nhưng cũng vừa "liều ra đường làm công ty riêng của mình". 

Cái "công ty" mà bà kể là chiếc xe đẩy bằng gỗ nhỏ xíu đựng được chút trái cây với ngót nghét 2 triệu đồng tiền vốn để đi bán ở các con hẻm quanh bến xe Miền Tây và khu dân cư An Lạc, quận Bình Tân, gần nhà trọ của bà. 

Người đàn bà ở tuổi 55 này kể cũng từng trải qua nhiều việc làm ăn lương, giờ lớn tuổi rồi nên không muốn đi xin việc ở đâu nữa, "mà có xin chắc người ta cũng khó nhận". Con trai bà đi làm nhà máy ở Bình Dương, phụ mẹ nuôi người cha nay bệnh mai ốm.

Tâm sự chuyện miếng cơm manh áo, bà Hạnh kể: "Mỗi tháng, vợ chồng tui thuê tiền trọ hết 1,8 triệu bạc. Bữa bán hết, bữa bán ế, phải ôm trái cây hư. Cuộc sống đắp đổi cũng chật vật, nhưng dè sẻn cũng qua ngày được. Vợ chồng tui đều dân quê chịu khổ, giờ cực thêm chút cũng bình thường". 

Lớn tuổi rồi nhưng chưa thấy xe hàng của bà, người ta đã nghe giọng của bà cười và mời chào vui vẻ. Hiện đang bán cho khách chủ yếu mối quen biết, bà hy vọng mai mốt sẽ có thêm những người vui lòng mua hàng của mình.

"Cuộc sống khó khăn thì mình lấy tiếng cười để khuyến mãi bán hàng vậy", bà Hạnh cười tâm sự.

Người thành công, kẻ gặp khó

Có những người rời việc nhà máy, giã từ ký lương để ra "chạy chợ" trang trải được cuộc sống, nhưng không ít người cũng gặp khó vì "thời giờ vạn người mua thì cũng có vạn người bán".

Chị Phạm Tuyết Phượng, nghỉ việc ở Khu công nghiệp Tân Tạo, để đi bán quần áo trước cổng các nhà máy từ giữa năm 2020. Tuy nhiên, bây giờ chị đang có ý định xin lại việc công nhân may để có đồng lương ổn định mỗi tháng và nhất là không phải nặng lo chuyện lỗ lãi, thu nhập không ổn định như "đời chạy chợ".

Chị tâm sự giờ nhiều người bán quá, mà công nhân lại dè sẻn mua sắm hơn trước nên chị gặp khó, không đủ nuôi con nhỏ và trả tiền nhà trọ. "Tôi chắc trở lại làm công nhân vài năm nữa rồi tính tiếp. Buôn bán khó khăn quá hay là mình không có duyên buôn bán", chị Phượng trải lòng.

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ cuối: Bỏ thực tại, đi săn chuyện độc lạNhững người dám giã từ ký lương - Kỳ cuối: Bỏ thực tại, đi săn chuyện độc lạ

TTO - "Phú độc lạ" chợt trở thành một influencer - người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội chỉ sau hơn một năm trình làng kênh Độc lạ Bình Dương và Độc lạ Việt Nam.

Xem thêm: mth.50781629022302202-ohc-yahc-ar-gnoul-yk-ob/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bỏ ký lương, ra 'chạy chợ'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools