vĐồng tin tức tài chính 365

Người dân ảnh hưởng thế nào khi loại Covid-19 khỏi bệnh nhóm A

2022-03-22 10:50

Sau hơn hai năm thực hiện hàng loạt biện pháp phòng chống dịch, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về chiến lược mới, trong đó đưa ra chủ trương nghiên cứu chuyển Covid-19 từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B.

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Còn nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Việc loại Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A được đánh giá là thay đổi lớn trong công tác phòng chống dịch, là cơ sở để các cơ quan chuyên môn ban hành hướng dẫn thích ứng với xu hướng bình thường mới. Việc này đồng thời tác động đến nhiều mặt cả về quản lý Nhà nước và lợi ích của người dân.

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Giám đốc Công ty luật TNHH MTV Tapha), trước hết, quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng khi khám và điều trị Covid-19, bởi hiện nay căn cứ vào Điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người mắc Covid (nhóm A) được khám và điều trị miễn phí. Nhưng khi bệnh này được xếp vào bệnh nhóm B thì người dân sẽ phải tự trả chi phí.

Tuy nhiên, việc thay đổi này sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho người dân. Cụ thể là, Điều 53 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định về việc kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A. Khi loại Covid-19 khỏi nhóm bệnh này, thì người dân không bắt buộc phải thực hiện các quy định về hạn chế ra, vào vùng có dịch; cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, hàng hóa... có khả năng lây truyền bệnh dịch, cũng như sẽ không phải gặp các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông.

Ngoài ra, người bệnh sau khi xuất viện, không cần phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế nơi mình cư trú để các cơ quan này quản lý, mà có thể tự theo dõi ở nhà, khai báo trung thực về diễn biến bệnh và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh tại trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, ngày 27/10. Ảnh: Thành Nguyễn

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh tại trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, ngày 27/10. Ảnh: Thành Nguyễn

Theo Điều 18 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, trường hợp bệnh nhân thuộc nhóm A không may qua đời, thi thể của họ phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ. Khi chuyển thành bệnh nhóm B, các yêu cầu này sẽ được nới lỏng hơn về thời gian thực hiện (48 giờ), phù hợp hơn với phong tục mai táng của người Việt Nam.

Luật Khám chữa bệnh năm 2009 cũng quy định, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh. Như vậy, khi chuyển sang bệnh nhóm B, người mắc Covid-19 được quyền từ chối chữa bệnh.

Nếu như trước đây, các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, thì khi có văn bản chính thức của cơ quan có thẩm quyền về việc loại Covid-19 ra khỏi danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A, người vi phạm có thể không phải chịu những trách nhiệm pháp lý này.

Đối với các cơ quan chức năng, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đan Mạch cho rằng khi chuyển Covid-19 sang bệnh nhóm B cần điều chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan cho phù hợp với chủ trương.Cụ thể là thay đổi cơ chế, chính sách trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực y tế như: thay đổi cơ chế phân bổ, huy động lực lượng tham gia phòng chống dịch; chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng chống dịch; điều chỉnh chính sách về kinh phí trong việc tiêm chủng, xét nghiệm; bình ổn giá trang thiết bị y tế, nhằm chấm dứt các hành vi đầu cơ dẫn đến tình trạng khan hiếm, loạn giá...

Hồi tháng 2/2020, khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Thủ tướng đã công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch là "bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu". Tại nhiều thời điểm, để phòng chống Covid-19, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh như: Tạm dừng nhập cảnh, phong tỏa diện rộng, bắt buộc cách ly người nhiễm, người nghi nhiễm; dừng nhiều dịch vụ công cộng... Đến nay, Covid-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Thời gian gần đây, Bộ Y tế đánh giá dù số ca nhiễm tăng ở nhiều nơi, Việt Nam đã cơ bản bao phủ đủ liều vaccine cho nhóm dân số từ 12 tuổi nên tỷ lệ tử vong, chuyển nặng, nhập viện đã giảm.

Hải Duyên

Xem thêm: lmth.1341444-a-mohn-hneb-iohk-91-divoc-iaol-ihk-oan-eht-gnouh-hna-nad-iougn/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người dân ảnh hưởng thế nào khi loại Covid-19 khỏi bệnh nhóm A”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools