Theo quy định tính Thuế thu nhập cá nhân hiện nay, nếu nuôi một người phụ thuộc (có thể là con, cha hoặc mẹ), bạn sẽ không phải đóng thuế khi thu nhập dưới 15,4 triệu đồng; nếu nuôi hai người phụ thuộc, sẽ bị tính thuế khi thu nhập tháng trên 19,8 triệu đồng...
4,4 triệu là một mốc giảm trừ gia cảnh mà theo nhà làm luật, đủ để nuôi một người phụ thuộc. Nhưng hành vi chi tiêu của người dân trên thực tế như thế nào?
Đầu tiên, với những người đang làm công ăn lương và nuôi con nhỏ ở thành thị như Nguyễn Hồng Thanh (nhân viên kế toán ở Hà Nội), cô cho biết "không thể xoay xở với 4,4 triệu".
Cô đi làm được 4 năm và đang có thu nhập tháng 17 triệu đồng. Mỗi tháng hai vợ chồng nếu chi tiêu dè xẻn tốn ít nhất 5,5 triệu đồng để nuôi con gái đầu lòng hơn một tuổi. Cô đã chọn lớp trông con gần nhà cho rẻ so với mặt bằng chung nhưng mỗi tháng vẫn hết khoảng 1,5 triệu đồng. Sau một năm, sữa mẹ không nhiều nên hàng tháng vợ chồng Thanh tốn ít nhất khoảng 3,5 triệu tiền sữa ngoài.
"Tính thêm tiền bỉm, quần áo và chăm nom khi con ốm, hai vợ chồng cũng phải co kéo tiền nong, đấy là còn chưa tính chi phí thuê nhà, các dịch vụ vui chơi, giải trí... cho con trẻ", Thanh nói.
Nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi là giai đoạn áp lực tài chính lớn với nhiều cặp vợ chồng trẻ khác như Thanh. Còn với một gia đình tài chính ổn định hơn, có thể phải chi tới 8-9 triệu đồng cho một đứa con nhỏ. Trong đó, chi phí bỉm sữa và chăm nom do con thường xuyên ốm vặt là những khoản tốn nhất.
Khi trẻ lớn hơn, áp lực tài chính sẽ giảm bớt hơn ở khoản sữa, bỉm, ốm đau thì lại phát sinh những nhu cầu lớn khác.
Vũ Mai (Hà Nội) cho con học trường công với một trong những ưu điểm là tiết kiệm chi phí. Cô nhẩm tính, chi phí thuê trọ hàng tháng 3,5 triệu đồng; tiền học bán trú 1,5 triệu đồng gồm cả ăn trưa; 900.000 một tháng chi phí ăn bữa sáng và tối; 500.000 đồ dùng học tập... Đấy là còn chưa đi học thêm và những khoản như quần áo, giải trí, vận động, những nhu cầu cần thiết cho sự phát triển của một đứa trẻ. Nhìn chung, cô cho rằng mức 4,4 triệu là không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản.
Với người phụ thuộc là cha mẹ già, không có thu nhập, khoản tốn kém nhất theo nhiều người là chi phí thuốc men, chữa bệnh. Anh Hoài (TP HCM) nói: "Gia đình có bố mẹ mạnh khoẻ thì đỡ nhưng như nhà tôi, mẹ không có lương hưu lại nhiều bệnh. Tiền thuốc men, chữa chạy hàng tháng cũng phải 3-4 triệu đồng. Tính cả tiền ăn và bồi bổ, mỗi tháng ngót nghét 5 triệu đồng".
Cơ sở của mức 4,4 triệu đồng, được nhà làm chính sách, tính toán trên cơ sở, mức chi tiêu tối thiểu cho một đứa con hay cha/mẹ già chỉ bằng 40% so với người làm công ăn lương bình thường. Nhưng khảo sát nhanh chỉ trong ngày 21/3 của VnExpress với 2.870 bạn đọc lại cho thấy, chỉ 14% có thể chi tiêu được cho người phụ thuộc ở mức"40% chi cho bản thân".
Gần 70% độc giả cho biết, họ chi cho người phụ thuộc nhiều hơn một nửa mức chi cho mình. Thậm chí có người còn chi cho người thân gấp đôi chính mình.
Tiêu chí xác định "thế nào là một người phụ thuộc" như hiện nay cũng nhiều bất hợp lý.
Luật về thuế quy định con cái dưới 18 tuổi hoặc con trên 18 tuổi hay cha/mẹ có thu nhập tháng không quá một triệu đồng, ngoài độ tuổi lao động mới được liệt kê vào diện người phụ thuộc. Nhưng mức thu nhập một triệu đồng để xác định người phụ thuộc này cũng bị chê là quá thấp.
Chị Hằng, giao dịch viên ngân hàng (Hà Nội), người cũng là con một của gia đình, chia sẻ: "Mẹ tôi về hưu mỗi tháng được 2 triệu đồng. Sức khoẻ mẹ không tốt nên nhiều tháng nay gia đình tốn nhiều chi phí chạy thận, thuốc men. Khoản lương hưu của mẹ cũng chưa đủ chi tiền ăn uống".
Với khoản lương hưu ít ỏi này, mẹ Hằng không thuộc vào diện là người phụ thuộc nên thu nhập từ tiền lương của chị cũng không được khấu trừ 4,4 triệu đồng trước khi tính thuế.
"Nếu được khấu trừ thì tiền thuế hàng tháng giảm được vài trăm ngàn, tôi nghĩ, không quá lớn nhưng đó cũng là khoản động viên với nhiều người già như mẹ tôi", Hằng nói.
Luật Thuế Thu nhập cá nhân đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến để sửa đổi. Luật này ban hành từ năm 2007, có hiệu lực từ năm 2009. Đến nay, sau 15 năm, mức giảm trừ gia cảnh mới được điều chỉnh 2 lần vào năm 2013 và 2020. Tuy nhiên, tốc độ tăng qua các năm của mức giảm trừ gia cảnh - cơ sở để tính thuế cho người làm công ăn lương - lại chậm hơn nhiều lần so với mức tăng của chi tiêu bình quân và lương tối thiểu.
Chia sẻ với VnExpress, những người làm chính sách cho rằng, cách tiếp cận "chỉ người thu nhập cao mới phải đóng thuế" là không đúng.
Luật Thuế thu nhập cá nhân xác định mục tiêu "người có thu nhập thì chịu nộp thuế". Mục tiêu của sắc thuế này là số người nộp thuế từng bước tăng lên, ngày càng nhiều người có thu nhập từ mức trung bình trở lên trong xã hội làm quen với loại thuế này và thực hiện nghĩa vụ.
Một đại diện của Tổng cục thuế cũng nói, mỗi người đều có trách nhiệm chia sẻ nghĩa vụ thuế nếu thu nhập đảm bảo được mức chi tiêu cơ bản cho chính họ và người phụ thuộc. Cách tính thuế theo biểu luỹ tiến cũng đảm bảo người thu nhập thấp và có người phụ thuộc đóng rất ít, còn người thu nhập cao đóng nhiều.
Luật Thuế thu nhập cá nhân đang được lấy ý kiến rộng rãi để sửa đổi.
Quỳnh Trang