"Bón phân trực tiếp vào gốc rễ"
Trong tháng này, Trung Quốc đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế quy mô 2.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 393,3 tỷ USD). Đây là năm thứ 5 liên tiếp Bắc Kinh thực hiện các đợt cắt giảm thuế lớn, với giá trị tổng cộng là hơn 9.700 tỷ nhân dân tệ.
Theo tỷ giá hiện tại, số tiền này còn lớn hơn cả đợt cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump tiến hành vào năm 2017.
Trong buổi họp báo bế mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc ngày 11/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường gọi cắt giảm thuế là cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng, ví biện pháp này là "phân bón trực tiếp vào gốc rễ" của nền kinh tế.
Ông khẳng định: "Giảm thuế có vẻ giống như phép trừ nhưng thực chất lại là phép cộng. Ngày hôm nay bạn cho đi, ngày mai bạn sẽ nhận được nhiều hơn".
Câu nói của Thủ tướng Lý Khắc Cường dường như có liên quan tới khái niệm cốt lõi của trường phái kinh tế trọng cung là cắt giảm thuế giúp doanh thu thuế tổng thể của chính phủ gia tăng.
Những người theo trường phái trọng cung lập luận rằng việc cho phép doanh nghiệp giữ lại nhiều lợi nhuận hơn sẽ giúp họ thúc đẩy đầu tư và mở rộng sản xuất. Lợi ích này nhỏ giọt xuống người lao động và người tiêu dùng dưới hình thức gia tăng việc làm và giá cả giảm.
Năm 2021, tại Trung Quốc, doanh thu thuế tương đương 21% GDP, thấp hơn hẳn mức trung bình 34% của các thành viên trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong đó thuế đánh vào tiêu dùng và lợi nhuận doanh nghiệp chiếm phần lớn nhất, còn thuế thu nhập cá nhân chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Theo Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc từ lâu đã dựa vào giảm thuế doanh nghiệp có chọn lọc để đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn, chẳng hạn như tăng cường chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên bao gồm vi xử lý, năng lượng tái tạo và xe điện.
Ông Jiao Ruijin, thành viên Viện Thuế Trung Quốc, khẳng định: "Chính sách thuế ưu đãi là cần thiết để điều hướng cải cách phía cung nhằm thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao. Giảm gánh nặng đầu tư cho doanh nghiệp chắc chắn sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế".
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng đã áp dụng các biện pháp cắt giảm thuế theo cách chiến lược hơn để hỗ trợ tăng trưởng, như giảm thuế cho các nhà sản xuất nhỏ chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Mức cắt giảm đạt kỷ lục vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 khiến chi tiêu của người tiêu dùng cho dịch vụ ăn uống và du lịch sụt giảm trầm trọng.
Nỗ lực trên chủ yếu tập trung vào giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và cắt giảm đóng góp của người sử dụng lao động cho y tế, bảo hiểm thất nghiệp và lương hưu của nhân viên. Kể từ năm 2018, hệ số doanh thu thuế trên GDP đã giảm gần 2 điểm %.
Ông Yinle Liang, trưởng bộ phận chuỗi cung ứng tại KPMG China cho biết: "Việc cắt giảm thuế phí thực sự có ích và thậm chí là cứu vớt không ít doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ". Ít công ty phá sản hơn sẽ giúp hạn chế tỷ lệ thất nghiệp.
Hạn chế không nhỏ
Song, tương tự các chính sách của ông Trump, các đợt các giảm thuế của Trung Quốc cũng gây tranh cãi. Nhiều nhà kinh tế phản bác rằng cắt giảm thuế thúc đẩy các khoản nợ không bền vững và thường dẫn đến đầu tư lãng phí.
Họ nói chính phủ nên hỗ trợ tài khóa bằng cách giúp đỡ các hộ gia đình thay vì doanh nghiệp. Bloomberg cho rằng, quan điểm nào đúng sẽ góp phần xác định triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tương lai.
Ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh thì cho rằng các biện pháp trọng cung là cách hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong tình huống doanh nghiệp không có khoản tiết kiệm lớn nhưng phải đối mặt với chi phí vận hành cao.
"Rắc rối là các ràng buộc lên doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc chủ yếu là ở phía cầu", ông viết trong lưu ý. Ông Pettis khuyến khích Bắc Kinh nên ban hành các chính sách "trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy nhu cầu, bao gồm tăng lương và phúc lợi xã hội".
Ông Lý Khắc Cường, người ủng hộ chính sách trọng cung có ảnh hưởng bậc nhất ở Trung Quốc, xác nhận sẽ thôi chức thủ tướng Trung Quốc đầu năm tới. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu Bắc Kinh có tiếp tục mạnh tay cắt giảm thuế trong tương lai hay không.
Một số nhà kinh tế cũng lưu ý rằng thâm hụt của chính phủ gia tăng đồng nghĩa với việc Trung Quốc sắp hết dư địa để cắt giảm thêm thuế. Goldman Sachs Group dự báo thâm hụt tài khóa tăng cường, thước đo rộng nhất về chênh lệch giữa chi tiêu nhà nước và thu nhập, sẽ tương đương 13,1% GDP trong năm nay, tăng 3,1 điểm % so với 2018.
Ông Zhao Fuchang, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Tài khóa Trung Quốc, đánh giá: "Cắt giảm thuế phí quy mô lớn không thể duy trì mãi được". Nhưng cũng giống như ở Mỹ, không phải người nào ở Trung Quốc cũng đồng ý rằng thâm hụt tài khóa là rủi ro.
Ông Yan Lian, giáo sư kinh tế tai Đại học Willamette cho biết vì nợ công của Trung Quốc chủ yếu là đồng nhân dân tệ và lạm phát thấp nên "ở cấp độ chính quyền trung ương, giới hạn về tài khóa bằng không".
Ngoài ra còn có câu hỏi rằng liệu cắt giảm thuế có phù hợp với chiến dịch "thịnh vượng chung" nhằm giảm thiểu bất bình đẳng của Bắc Kinh hay không. Ông Berf Hofman, Giám đốc chi nhánh Trung Quốc tại Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định việc cắt giảm thuế VAT tiêu chuẩn từ 17% xuống 13% vào năm 2018 là bước đi đúng đắn.
Nhưng một số đợt cắt giảm thuế gần đây của Trung Quốc có xu hướng mang lại lợi ích cho những người khá giả, Bloomberg cho biết. Tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh thông báo kéo dài chương trình giảm thuế thu nhập cho các chuyên gia sinh ra ở nước ngoài.
Ông Alan Beebe, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết: "Nhiều công ty thành viên của chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm. Ưu đãi thuế này có tác động đáng kể lên khả năng tuyển dụng và giữ chân chuyên gia nước ngoài ở lại Trung Quốc".