Khi quân đội Nga không thể giành chiến thắng nhanh chóng tại Ukraine, các quan chức Mỹ cấp cao nhận thấy dấu hiệu Điện Kremlin đang chuyển sang chiến lược mới nhằm đảm bảo các mục tiêu lãnh thổ quan trọng, đồng thời buộc chính phủ Ukraine chấp nhận vị thế trung lập giữa Nga và phương Tây.
Thay vì các cuộc tấn công tổng lực như những ngày đầu của chiến dịch, Nga chuyển sang đánh chậm, bao vây các thành phố lớn của Ukraine.
Nga tấn công bằng vũ khí chính xác các mục tiêu như kho đạn dược, kho nhiên liệu, trung tâm chỉ huy của Ukraine. Cùng với đó Nga thực hiện nhiều đợt tấn công bằng tên lửa hành trình và tên lửa siêu vượt âm vào các khu vực huấn luyện nhằm làm giảm tinh thần của quân đội Ukraine và răn đe Phương Tây.
Với việc thành phố Kherson bị Moscow kiểm soát hoàn toàn và Mariupol bị vây hãm từ cả 4 phía, quân đội Nga có thể chuyển hướng tới các mục tiêu khác ở phía tây và phía nam.
Trong giai đoạn mới khi đô thị trở thành chiến trường chủ đạo, rất có thể Nga sẽ tung ra nhiều loại vũ khí mới, tương tự như tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 "Dao găm" vừa được sử dụng hôm 20/3.
BMPT "Kẻ hủy diệt"
BMPT “Kẻ hủy diệt” là loại xe chiến đấu bọc thép (AFV) được thiết kế và sản xuất bởi công ty Uralvagonzavod. BMPT có nhiệm vụ hỗ trợ xe tăng và các phương tiện khác tại khu vực đô thị.
“Kẻ hủy diệt” sử dụng hệ thống khung gầm của xe tăng chủ lực T-72, thiết kế dựa trên kinh nghiệm từ chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Chechen lần thứ nhất.
BMPT được trạng bị 4 tên lửa 9M120 Ataka 130 mm, hai pháo tự động 30 mm 2A42, hai súng phóng lựu AG-17D và một súng máy đồng trục 7,62 mm.
Pháo tự động của BMPT hủy diệt mục tiêu giả định. (Video: РОССИЯ HD).
Ngày 22/2, theo The Drive, một số xe BMPT đã được chuyển tới thành phố Yelets cách biên giới Ukraine khoảng 300 km. Hiện tại, chưa có ghi nhận gì về việc BMPT tham chiến tại Ukraine.
Với năng lực tác chiến đô thị đã được chứng minh tại Syria, rất có thể Nga sẽ tung “kẻ hủy diệt” vào chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, số lượng BMPT có trong biên chế của quân đội Nga còn rất hạn chế. Theo một số nguồn tin, lô BMPT này thuộc Sư đoàn tăng số 90 thuộc Quân khu Trung tâm quân đội Nga với số lượng 9 chiếc.
Su 57
Sukhoi Su-57 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 được phát triển nhằm thay thế MiG-29 và Su-27. Su-57 là loại máy bay đa nhiệm, tàng hình, siêu cơ động và có khả năng bay hành trình siêu âm.
Su-57 trình diễn khả năng nhào lộn trên không. (Video: Zvezda TV).
Thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết hai chiếc Su -57 đã tiến hành thử nghiệm tại chiến trường Syria vào năm 2018.
Theo hãng thông tấn TASS, đến năm 2024, Lực lượng hàng không vũ trụ Nga sẽ có khoảng 22 máy bay Su-57. Hiện tại, chỉ một số lượng nhỏ máy bay đã được chuyển giao.
Nếu được tham chiến tại Ukraine, Su-57 cũng không thể tạo quá nhiều khác biệt về cục diện chiến trường do số lượng hạn chế. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội tốt để Nga thu thập dữ liệu và hình thành các chiến thuật để vận hành loại máy bay hiện đại này.
S-70
Chuyến bay đầu tiên của S-70 "Thợ săn B". (Video: Bộ Quốc phòng Nga).
Sukhoi S-70 Okhotnik-B (Thợ săn B) là loại máy bay không người lái hạng nặng được thiết kế bởi Sukhoi và MiG. Thiết kế của S-70 dựa trên nguyên mẫu thử nghiệm Mikoyan Skat, và đồng thời sử dụng một số công nghệ của Su-57.
S-70 là loại máy bay không đuôi, sử dụng một số công nghệ tàng hình. Theo ước tính của Global Security, “Thợ săn B” có thể mang theo 2 - 8 tấn vũ khí và đạt tốc độ khoảng 1.000 km/h.
Hiện tại, có hai nguyên mẫu đang được tích cực thử nghiệm, đồng thời 2 nguyên mẫu khác đang trong quá trình sản xuất.
Do số lượng vô cùng hạn chế như Su-57 nên S-70 sẽ khó có thể thay đổi được cục diện trận chiến.
T-90M
Xe tăng T-90M được đưa vào biên chế Quân khu phía Tây của Nga. (Video: Bộ Quốc phòng Nga).
T-90M Proryv-3 là phiên bản nâng cấp của xe tăng chủ lực T-90MS được thế kế bởi công ty Uralvagonzavod. Mẫu xe tăng này lần đầu được thử nghiệm vào năm 2017 tại cuộc tập trận Zapad.
Theo TASS, quân đội Nga có thể đặt đơn đặt hàng lên tới 400 T-90M sau khi thử nghiệm thành công. Vào ngày 13/4/2020, chiếc xe tăng đầu tiên đã được chuyển giao cho Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 của Quân khu phía Tây.
Đến tháng 3/2021, Uralvagonzavod xác nhận lô hàng lớn đầu tiên đã được chuyển đến Quân đội Nga.
T-14
Ngoài T-90M, Nga còn sở hữu dòng xe tăng chủ lực thế hệ tiếp theo có tên gọi T-14 Armata.
T-14 mang nhiều thiết kế mới mẻ, ví dụ như tháp pháo điều khiển từ xa, kíp lái được ngồi trong buồng bọc giáp độc lập, hệ thống phòng thủ chủ động, bị động, giáp phản ứng nổ thế hệ mới và các cảm biến hiện đại. Đại diện của Uralvagonzavod cho biết 20 xe tăng T-14 đã được chuyển giao cho quân đội Nga vào cuối năm 2021.
Cả hai dòng xe tăng T-90 và T-14 đều có số lượng hạn chế, vì vậy khả năng chúng được sử dụng để tham chiến tại chiến trường Ukraine là khá thấp. Tuy nhiên, có thể Nga sẽ cho triển khai một số đơn vị nhằm mục đích đánh giá hiệu quả tác chiến.
Các dòng xe tăng thế hệ trước của Nga như T-72B3, T-80U, T-80BVM và T-90A đã gặp nhiều tổn thất tại Ukraine do các cuộc phục kích bằng vũ khí chống tăng và máy bay không người lái.
Máy bay ném bom chiến lược
Tu-160 phóng tên lửa hành trình tiêu diệt các mục tiêu khủng bố ở Syria. (Video: Bộ Quốc phòng Nga).
Bộ ba máy bay ném bom chiến lược của Nga: Tu-160, Tu-22M và Tu-95 có thể sẽ được sử dụng rộng rãi hơn trong giai đoạn sau tại Ukraine.
Sau hơn ba tuần chiến đấu, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đa số lực lượng phòng không tầm cao của Ukraine đã bị tiêu diệt. Không quân Ukraine cũng bị thiệt hại nặng nề, không còn khả năng đánh chặn.
Bởi vậy, Nga có thể dễ dàng triển khai lực lượng máy bay ném bom chiến lược mà không gặp phải nhiều sự nguy hiểm.
Theo Insider, Nga đã tiến hành phóng một số tên lửa hành trình và tên lửa vượt siêu âm như Kh-101 và Kh-47M2 vào các mục tiêu quân sự của Ukraine. Hai loại tên lửa này thường được phóng từ các máy bay như Tu-160, Tu-22M và Tu-95.
Xem thêm: mth.73275702122302202-eniarku-o-gnud-auhc-agn-am-nat-iot-ihk-uv-nom-gnuhn/nv.zibmanteiv