Phát biểu tại một sự kiện do hiệp hội kinh doanh Business Roundtable tổ chức ngày 21/3, ông Biden cho biết ông Putin có thể "ngụy tạo lý do" để sử dụng vũ khí hóa học hoặc vũ khí sinh học ở Ukraine.
"Putin đang nói về những lý do sai trái mà ông ta ngụy tạo ra ... tuyên bố rằng nước Mỹ có kho vũ khí hóa học và vũ khí sinh học ở châu Âu. Tôi khẳng định rằng những cáo buộc này là không đúng", Tổng thống Mỹ nói.
"Nga còn đang nói rằng Ukraine có vũ khí hóa học và vũ khí sinh học. Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Putin đang xem xét dùng cả hai loại vũ khí này", ông Biden nói, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể. Tổng thống Mỹ lặp lại tuyên bố rằng nếu Nga dùng vũ khí hóa học và sinh học thì sẽ phải gánh chịu "hậu quả thảm khốc".
Ông Biden cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã "bị dồn vào chân tường" bởi sự kháng cự quyết liệt của quân dân Ukraine và do vậy ông Putin có thể chuyển sang sử dụng các chiến thuật mạnh tay hơn.
Theo CNBC, nhiều quan chức và chuyên gia Phương Tây cho rằng mối đe dọa tấn công sinh học và hóa học từ phía Nga là rất nghiêm trọng và có thể xảy ra.
Ông Michal Baranowski, Giám đốc văn phòng Warsaw của Quỹ German Marshall cho rằng cuộc xung đột Ukraine đang ở trong giai đoạn "ngàn cân treo sợi tóc" do Tổng thống Putin đang rất cần một chiến thắng và có thể dùng tới vũ khí hóa học để đạt được mục đích.
Sự bế tắc của quân Nga
Bộ Quốc phòng Anh ngày 22/3 nhận định đa phần lực lượng Nga "đang dậm chân tại chỗ" do vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ phía Ukraine.
"Tuy giao tranh ác liệt nhưng các lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục đẩy lùi các đợt tấn công của phía Nga nhằm chiếm thành phố Mariupol ở phía Nam. Quân Nga ở những nơi khác cũng không đạt được tiến triển gì nhiều trong một ngày vừa qua", Bộ Quốc phòng Anh đăng trên Twitter.
Mặc dù vậy, các thành phố trên khắp Ukraine vẫn đang hứng chịu nhiều đợt không kích và pháo kích của Nga.
Đại tướng về hưu David Petraeus, cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, cựu Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định: "Mariupol vẫn chưa thất thủ, thành phố này đã cạn lương thực, nước uống, nhiên liệu, ... nhưng vẫn chống trả mạnh mẽ. Đây là nơi đầu tiên mà quân Nga vướng vào tác chiến trong đô thị, phải đánh chiếm từng ngôi nhà, từng căn phòng".
Chia sẻ trên kênh CNN, Tướng Petraeus cho biết việc tác chiến trong thành phố như ở Mariupol đòi hỏi rất nhiều binh lực, và lính Nga không những phải đối phó với quân chính quy của Ukraine mà còn với cả nhân dân Ukraine.
"Mariupol đang bị bao vây và nếu thành phố này thất thủ, Nga sẽ có thể điều động quân từ Mariupol ở phía Nam ngược lên phía bắc để phối hợp với các cánh quân khác", Tướng Petraeus nhận xét.
Ông Putin dùng vũ khí siêu vượt âm ở Ukraine?
Tên lửa siêu vượt âm (hypersonic missile) là loại vũ khí có khả năng bay với tốc độ tối thiểu 5 lần vận tốc âm thanh, tương đương từ 6.200 km/h trở lên.
Ngày 18/3, Nga tuyên bố đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal để tiêu diệt một mục tiêu quân sự ở Delyatin, phía tây Ukraine.
Đây vừa là dấu hiệu cho thấy Nga đang dùng đến các loại vũ khí có sức phá hủy khủng khiếp hơn, đồng thời là cơ hội để Nga thử nghiệm loại vũ khí mới, chưa từng triển khai trên chiến trường.
Ngày 19/3, Nga lại tuyên bố đã sử dụng Kinzhal để phá hủy một kho nhiên liệu ở thành phố Mykolaiv, phía nam Ukraine và đăng tải một video để chứng minh.
Chỉ dựa vào các video mà phía Nga cung cấp, rất khó để xác định liệu loại vũ khí được sử dụng có phải tên lửa siêu vượt âm Kinzhal hay không. Bộ Quốc phòng Mỹ chưa thể khẳng định chắc chắn.
Loại tên lửa mà Nga tuyên bố đã sử dụng có tốc độ bay tối đa lên tới Mach 10 (tức là 10 lần vận tốc âm thanh) nên rất khó đánh chặn.
Khi bay với tốc độ Mach 10, các điều kiện vật lý như nhiệt độ và áp suất mà tên lửa phải chịu là cực kỳ khắc nghiệt, vì vậy việc nghiên cứu và phát triển tên lửa siêu vượt âm rất khó khăn. Hiện nay Mỹ đang tụt hậu so với Nga trong lĩnh vực vũ khí này.