Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Crystal Bay đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý việc nghiên cứu, khảo sát, đề nghị quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư tại khu vực huyện Cam Lâm và huyện Khánh Sơn. Doanh nghiệp này muốn đầu tư dự án Khu du lịch Crystal Bay Khánh Sơn – Cam Lâm với quy mô dự kiến 3.173,43ha, bao gồm 3 hợp phần với rất nhiều tiện ích như khu nghỉ dưỡng resort 6 sao, khu nhà vườn sinh thái, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, khu khách sạn tầng, villa nghỉ dưỡng trên sườn đồi (5 sao), sân golf, công viên giải trí Universal Studio,….
Tại Khánh Hòa, Crystal Bay cũng là chủ đầu tư của một số dự án như Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa và Selectum Noa resort (khu bãi Dài, Cam Lâm).
Đáng chú ý hơn, ngày 13/3, Tập đoàn Vingroup đã có báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên của đoàn công tác Trung ương về ý tưởng đầu tư 3 dự án siêu lớn với tổng diện tích hơn 16.800ha trên địa bàn huyện Cam Lâm, gồm: Dự án Khu đô thị sân bay, Dự án Khu đô thị sinh thái, Dự án Tổ hợp du lịch, thương mại và vui chơi giải trí. Nếu được phê duyệt, trong tháng 6/2023 dự án sẽ được khởi công và sau 2 năm hình hài của khu đô thị phức hợp sẽ thành hình.
Theo Tập đoàn Vingroup, khi dự án được triển khai sẽ biến vùng đất nông thôn, miền núi trở thành đô thị cao cấp mang đẳng cấp quốc tế. Nổi bật là trung tâm, trí tuệ toàn cầu, trung tâm y tế, giáo dục, cùng các dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp thuộc hàng đầu thế giới.
Hai dự án đặc biệt lớn này đều có điểm đến là Cam Lâm – một huyện giáp biển, nằm ở phía Tây thành phố Nha Trang.
Quy hoạch thành đô thị sân bay, đẳng cấp quốc tế
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của huyện Cam Lâm đến năm 2030. Theo đó, huyện có tổng diện tích đất tư nhiên gần 55.000ha, với đất trồng cây lâu năm và cây hàng năm giảm mạnh lần lượt giảm hơn 1.200 ha và 1.561 ha. Trong khi đó, đất phi nông nghiệp tăng mạnh từ 6.254 ha lên 11.141 ha (tăng 4.887ha) chiếm 20,35% diện tích huyện Cam Lâm.
Một điểm đáng chú ý khác, đất thương mại dịch vụ ở huyện Cam Lâm sẽ tăng từ 623ha lên 1.815ha, đất ở nông thôn tăng gần 600 ha; đất vui chơi giải trí công cộng tăng hơn 400 ha; đất phát triển hạ tầng cũng tăng gần 1.400 ha, đất giao thông tăng hơn 1.155 ha.
Huyện Cam Lâm cũng được định hướng phát triển thương mại dịch vụ hiện đại để phục vụ giao dịch, mua sắm và phát triển du lịch, xây dựng chợ đầu mối Cam Hải Tây thành trung tâm mua bán, trao đổi và phát triển luồng hàng; triển khai xây dựng 3 trung tâm thương mại cụm xã là Cam Tân - Cam Hòa, Cam An Nam, Cam Hải Tây.
Khu vực Bãi Dài
Mục tiêu của việc lập quy hoạch là phát triển huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Từ đây sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hạ tầng giao thông tại Cam Lâm cũng đang được tập trung đầu tư, trong đó cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là dự án quan trọng, kết nối 3 tỉnh Khánh Hoà – Ninh Thuận – Bình Thuận với tổng vốn đầu tư khoảng 8.925 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành xây dựng dự án dự kiến vào quý 3-2024.
Trước đó, Nha Trang là điểm đến du lịch nổi bật nhất khi nhắc đến Khánh Hoà. Tuy nhiên, Cam Lâm đang hứa hẹn trở thành điểm sáng mới với nhiều dư địa, tiềm năng chưa được khai thác. Nơi đây có địa hình phong phú và đa dạng, có cả núi đồi, đồng bằng, đầm thủy triều, bãi cát ven biển và biển khơi, nổi bật nhất là bán đảo Cam Ranh và Bài Dài được ví như "1 trong 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh". Bên cạnh đó, Cam Lâm nằm trong tâm của tam giác du lịch Đà Lạt – Nha Trang – Ninh Thuận, chỉ tốn khoảng 10 phút di chuyển từ sân bay Quốc Tế Cam Ranh nên ngày càng được khách du lịch yêu thích. Việc quy hoạch thành đô thị sân bay được kỳ vọng sẽ mở ra bước ngoặt phát triển cho địa phương này.
"Râm ran" sốt đất
Cuối tháng 12/2021, UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hoà) đã có văn bản gửi phòng Tài nguyên Môi trường, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện, UBND các xã và thị trấn Cam Đức về việc tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là động thái của chính quyền địa phương nhằm cắt cơn sốt đất đang diễn ra.
Ngay từ trước khi có thông tin về quy hoạch, Cam Lâm đã "râm ran" sốt đất. Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa (KAREB) cũng cho biết, đã có những nhóm đầu cơ có quy mô và tổ chức chuyên nghiệp thường đi đến những vùng ven triển khai thu mua ồ ạt đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của người dân địa phương. Sau đó, họ chuyển mục đích rồi phân lô, cùng nhau tạo sóng để bán hàng qua các kênh mạng xã hội, thậm chí còn tổ chức những buổi lễ trực tiếp mở bán hoành tráng tại Hà Nội hay TP HCM,… Tuy nhiên, những phân khu chia lô bán nền này hầu hết đều bị bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp. Tình trạng này đã giảm bớt sau khi cơ quan chính quyền địa phương vào cuộc.
Sau khi có thông tin đề xuất siêu dự án của Vingroup, nhà đầu tư lại bắt đầu đổ về Khánh Hoà, khiến thị trường đất ở khu vực huyện Cam Lâm, vùng ven Nha Trang và Khu Kinh tế Vân Phong (thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh) sôi động trở lại. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "đất Cam Lâm" trên chuyên trang Batdongsan.com đã có hơn 1.000 bài đăng bán với lời mời "siêu rẻ", "sinh lời nhanh".
Tuy nhiên, ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm nói với Người lao động: "Đến nay, chúng tôi cơ bản đã hoàn thiện quy hoạch phát triển huyện Cam Lâm theo quy hoạch chung tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần TP Cam Ranh với mục tiêu phát triển theo mô hình đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Do đó, chắc chắn thời gian tới sẽ phải có một loạt điều chỉnh. Việc người dân mua bán tài sản, đất đai không ai cấm nhưng giai đoạn này không nên "đầu cơ" đất đai khi chưa nắm vững các quy hoạch để tránh gặp rủi ro. Huyện sẽ công khai các quy hoạch sau khi được cấp trên phê duyệt để người dân được nắm rõ".
http://tintuc.vdong.vn/03/1282938.htmHoàng Thuỳ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị