* Tình báo Mỹ cho rằng 90% binh sĩ Nga sang Ukraine đã bị thương vong
* Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn khẩn cấp ở Gaza
* Ông Biden nhắc nhở Thủ tướng Israel phải thay đổi cách xử lý ở Gaza để giữ sự ủng hộ của thế giới
Chiến sự Israel - Hamas
* Ông Biden dằn mặt thủ tướng Israel
Theo Hãng tin Reuters ngày 13-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải thay đổi nếu không muốn Tel Aviv đánh mất sự ủng hộ quốc tế.
Ông Biden phát biểu tại một sự kiện gây quỹ cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2024: "An ninh của Israel có thể phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại Israel không chỉ có Mỹ mà còn có Liên minh châu Âu (EU), có châu Âu, có hầu như của thế giới. Tuy nhiên, họ đang đánh mất dần sự ủng hộ đó khi đánh bom [Dải Gaza] vô tội vạ".
Tổng thống Mỹ còn nhắc đến Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir, một chính trị gia cực hữu, để minh họa cho nhận định "đây là chính phủ bảo thủ nhất trong lịch sử Israel" của mình.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng khuyên ông Netanyahu phải "thay đổi", nếu không "chính phủ Israel hiện tại sẽ khiến tình hình ngày càng khó khăn".
Ngoài ra, ông Biden còn nhấn mạnh Tel Aviv "không thể nói không" với một nhà nước Palestine.
"Chúng ta có cơ hội đoàn kết khu vực và họ vẫn muốn làm điều đó. Nhưng chúng ta phải đảm bảo ông Netanyahu hiểu rằng ông ta phải hành động. Bạn không thể nói không với nhà nước Palestine", ông nói.
Phát biểu trên của ông Biden diễn ra trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ giới chính trị Israel, trong đó có ông Netanyahu, muốn bác bỏ vai trò của Chính quyền Palestine (PA) tại Dải Gaza sau khi cuộc chiến với Hamas kết thúc.
* Israel bắt đầu bơm nước biển vào đường hầm Hamas
Báo Wall Street Journal ngày 12-12 (giờ địa phương) dẫn lời một số quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên khẳng định Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã bắt đầu việc bơm nước biển vào các đường hầm của phong trào Hồi giáo Hamas.
Đây là một trong những phương án được IDF chọn để phá hủy mạng lưới đường hầm chằng chịt của Hamas dưới lòng Dải Gaza, đẩy tổ chức này vào thế dễ bị tổn thương và tiêu diệt.
Đài ABC News khẳng định việc bơm nước biển hiện chỉ được thí điểm tại một số khu vực để đánh giá mức độ hiệu quả. Quá trình làm ngập các đường hầm sẽ cần vài tuần để hoàn tất.
* Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Gaza
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn khẩn cấp ngay lập tức tại Dải Gaza. Nghị quyết này nhận được 153 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 23 phiếu trắng từ các nước thành viên.
Nghị quyết của Đại hội đồng cũng yêu cầu việc thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin đang được phía Hamas bắt giữ. Các bên tham chiến tại Gaza cũng phải đảm bảo chấp hành luật pháp quốc tế, đặc biệt các điều khoản liên quan đến việc bảo vệ dân thường.
Trước đó, hôm 8-12, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết để chặn việc thông qua một nghị quyết tương tự tại Hội đồng Bảo an. Trong số 10 nước bỏ phiếu chống nghị quyết mới được Đại hội đồng thông qua có Mỹ, Israel và 8 nước khác.
Chiến sự tại Ukraine
* Công ty viễn thông lớn nhất Ukraine bị tấn công mạng chưa từng thấy
Ngày 12-12 (giờ địa phương), công ty viễn thông lớn nhất Ukraine Kyivstar vừa hứng chịu cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhất từ đầu cuộc chiến giữa nước này và Nga đến nay.
Cuộc tấn công khiến hàng triệu người dân trên khắp Ukraine không thể sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet. Hệ thống cảnh báo không kích ở nhiều khu vực tại Kiev cũng đã ngừng hoạt động.
Ông Oleksandr Komarov, giám đốc điều hành Kyivstar, khẳng định đây là "kết quả" của cuộc chiến với Nga, dù ông không nêu rõ tổ chức nào từ Matxcơva đứng sau cuộc tấn công này. Ông Komarov cũng thừa nhận hạ tầng công nghệ thông tin của nhà mạng này đã "bị phá hủy một phần".
Trong khi đó, nhóm tin tặc đến từ Nga Killnet đã tuyên bố nhận trách nhiệm cho cuộc tấn công trên. Tuy nhiên, nhóm này không cung cấp bằng chứng cho nhận định này.
Kyivstar sở hữu đến 24,3 triệu thuê bao, tương đương hơn nửa dân số Ukraine.
* Tình báo Mỹ cập nhật thương vong của Nga
Một báo cáo tình báo Mỹ vừa được giải mật cho biết cuộc chiến của Ukraine đã khiến 315.000 binh sĩ Nga thiệt mạng hoặc bị thương. Con số này tương đương 90% số quân nhân được Nga điều động đến Ukraine vào thời điểm đầu cuộc chiến.
Báo cáo này cũng khẳng định số binh sĩ và xe thiết giáp bị Ukraine phá hủy đã đẩy lùi quá trình hiện đại hóa của quân đội Nga lên đến 18 năm.
Matxcơva hiện chưa phản hồi những số liệu từ báo cáo trên. Trước đây, giới chức Nga thường xuyên cáo buộc những ước tính của phương Tây về thiệt hại nước này nhận trong cuộc chiến với Ukraine bị phóng đại quá mức.
* Mỹ tuyên bố đợt trừng phạt mới nhắm vào Nga
Ngày 12-12, Washington công bố lệnh trừng phạt mới nhắm vào 250 cá nhân, tổ chức đến từ nhiều quốc gia trên thế giới bị nghi hỗ trợ Nga né tránh các biện pháp trừng phạt trước đó. Các lệnh trừng phạt mới cũng nhắm vào ngành năng lượng, ngân hàng, khai thác mỏ và kim loại của Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục dùng các công cụ có trong tay nhằm hối thúc Nga và những bên tài trợ, hỗ trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga chịu trách nhiệm cho những tội ác tại Ukraine".
Thu hoạch ngô ở Hắc Long Giang
Mỹ nói Israel phải tuân thủ luật chiến tranh vốn đi kèm chính sách viện trợ vũ khí của Mỹ; Nga ra mắt hai tàu ngầm hạt nhân mới; Ukraine hy vọng có thể trông cậy vào Mỹ... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 12-12.