Container ở cảng La Spezia - Ảnh minh họa: Conshipitalia
Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có các container bị mất chứng từ gốc trong vụ việc trên, cũng trong ngày 22-3, Thương vụ Việt Nam đã có chuyến công tác tại thành phố cảng La Spezia, miền Bắc Ý, để đề nghị chính quyền cảng, cảnh sát tài chính và các hãng tàu có đại diện tại La Spezia hỗ trợ, phối hợp nhằm giúp giảm tổn thất của các doanh nghiệp Việt Nam xuống mức thấp nhất.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ý - ông Nguyễn Đức Thanh cho biết: "Chính quyền cảng La Spezia cam kết cùng với cảnh sát tài chính của cảng sẽ giữ lại số container mà các công ty Việt Nam mất kiểm soát bộ chứng từ, cập cảng này.
Chúng tôi cũng làm việc với chính quyền cảng về khả năng hợp tác cảng biển, bởi cảng Genoa là điểm trung chuyển của 30% lưu lượng container của toàn nước Ý, còn cảng La Spezia và cảng Carrara trung chuyển khoảng 20%. Tổng cộng hai cảng này chiếm tới 50% lượng container của Ý xuất - nhập khẩu với thế giới, trong đó có Việt Nam.
Từ cảng La Spezia có khoảng 500.000 container từ Ý xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng máy móc, thiết bị, hàng thực phẩm nông sản".
Hiện có 36 container hạt điều đang mất chứng từ gốc - Ảnh: T.ANH
Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết trong số 36 container bị mất kiểm soát chứng từ, cảnh sát tài chính Ý đã ra quyết định giữ lại cảng 14-16 container. Số liệu có thể thay đổi do các tàu đến chậm hoặc số container bị vênh hay một container mới được phát hiện là không bị mất bộ chứng từ và có thể bán cho khách hàng khác.
Còn 21 container nữa sẽ đến cảng La Spezia và cảng Genoa, trong đó có 6 container sẽ đến cảng La Spezia vào ngày 26-3 và 2 container cũng đến cảng này vào ngày 28 và 29-3.
Trong thời gian tới, Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các hãng tàu về các vấn đề liên quan tới việc xử lý của tòa án.
Theo ông Thanh, nếu những vụ việc này trở thành vụ án hình sự thì việc xử lý có thể nhanh hơn, vì có thông tin bên mua đã thuê luật sư và đã liên hệ với luật sư của bên bán (các doanh nghiệp Việt Nam), hãng tàu, tòa án để đòi giao hàng khi họ có bộ chứng từ gốc.
Hiện nay có ít nhất 1 bộ chứng từ gốc đã được COSCO (hãng giao nhận vận tải) xác định là bộ chứng từ thật. Đây là chứng cứ đầu tiên cho thấy nhóm người lừa đảo tại Ý đã có được bộ chứng từ gốc bằng cách nào đó bất hợp pháp mà chưa trả tiền cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng có hãng tàu đang xem xét việc tăng số tiền và thời gian bảo lãnh mà các doanh nghiệp Việt Nam phải trả nếu muốn lấy hàng mà không có bộ chứng từ gốc.
Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp và Hiệp hội Điều Việt Nam vẫn cần làm việc tích cực với các cơ quan hữu quan tại Việt Nam để nhanh chóng có các phán quyết, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể sớm giải phóng hàng, bởi với mặt hàng thực phẩm như điều nhân này, thời gian chính là tiền bạc.
TTO - Bộ Công thương cho biết đã nhanh chóng hỗ trợ, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để giải quyết vụ việc một cách hiệu quả nhất, trong đó tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp Việt Nam kiểm soát các lô hàng.