Danh xưng "thần cước" của đại võ sư Lê Thanh Tùng đã được giới võ thuật miền Nam xưng tụng từ những năm ông mới chưa tròn 20 tuổi, chỉ vừa mới bước chân lên võ đài. Song để danh xưng ấy thực sự "đi vào lòng người", phải kể đến trận đấu khiến "Hùm xám miền Trung" Hà Trọng Sơn phải "tâm phục khẩu phục", dẫu từng tin chắc vào chiến thắng của học trò cưng.
Trận đấu "sinh tử" ấy diễn ra vào tháng 8 năm 1971. Ở tuổi 72 - vẫn cực kỳ khỏe mạnh và minh mẫn, đại võ sư Lê Thanh Tùng rành rọt nhớ lại trận đấu hạ gục niềm kiêu hãnh của "danh sư" Hà Trọng Sơn:
"Hà Trọng Sơn, ổng nghiên cứu tui những trận đấu từ Nha Trang, Gia Lai rồi Pleiku và Bình Định. Mỗi nơi tôi đánh 2 trận, đều thắng knock-out bằng chân trái. Nên khi tôi tới Bình Định, thắng trận trước Minh Phi ở ngay hiệp nhứt, rồi Thạch Danh - võ sĩ người Miên, cũng 'nằm' ở hiệp nhứt - bằng chân trái, thì ông thầy Hà Trọng Sơn ổng thấy rõ mười mươi là tôi sử dụng chân trái thuần thục và đủ lực để hạ knock-out, nên ổng cam đoan là nếu phá được chân trái của Lê Thanh Tùng, thì sẽ thắng.
Ổng thách tất cả những ai của võ đường Lê Đại Hoan - ám chỉ tui đó, sẽ gặp võ đường Hà Trọng Sơn tại võ đài kế tiếp".
Lời thách thức được đưa ra, võ sư Lê Đại Hoan - cha ruột của Lê Thanh Tùng, chấp nhận lời thách đấu. Đối thủ của Lê Thanh Tùng - đại diện cho võ đường Hà Trọng Sơn lẫy lừng miền Trung, là đại đệ tử của võ sư Hà Trọng Sơn - Hà Trọng Nghĩa (tên thật là Huỳnh Bông). Đây được coi là trận đấu không cân sức, khi Hà Trọng Nghĩa nặng 60 kg, hơn Lê Thanh Tùng đến 10 kg.
Trận đấu được tổ chức tại Khánh Hòa, và được Ban tổ chức lăng xê hết cỡ, thu hút sự quan tâm cực lớn của người hâm mộ, cũng như các Mạnh Thường Quân xuống tiền treo thưởng lớn, bởi không chỉ là trận đấu giữa hai võ sĩ, mà còn mang tính danh dự của hai võ đường lớn.
"Xe loa đó, chạy trên đường để quảng cáo trận đấu đó, họ đọc mà tôi còn nhớ rõ cái câu đọc của họ, là: 'Đêm nay là đêm còn hay mất giữa hai võ đường Hà Trọng Sơn và Lê Đại Hoan, giữa nhà vô địch miền Trung - Hà Trọng Nghĩa và Lê Thanh Tùng - vô địch ở Sài Gòn'. Họ tạo cho mình một cái áp lực rất lớn", đại võ sư Lê Thanh Tùng hồi tưởng lại.
Ngoài món tiền thưởng rất lớn của các Mạnh Thường Quân, Lê Thanh Tùng còn nhận được lời hứa thưởng cực kỳ đặc biệt. Lời hứa ấy khiến ông có lần hiếm hoi trong đời bất kính với bậc tiền bối, khi tuổi đời mới tròn 21.
"Võ sư Lê Văn Tường (trưởng Ban tổ chức trận đấu - pv), nói một câu rất mạnh mà tôi không biết từ động lực nào. Ổng nói nguyên văn là: 'Tối hôm nay, nếu Lê Thanh Tùng mà thắng được Huỳnh Bông, thầy sẽ cho con gái của thầy đi theo Lê Thanh Tùng về Sài Gòn luôn, khỏi cần cưới'.
Tui bị sốc, bởi ông nói câu đó là tui không thể thắng á! Nó đồng nghĩa với không thể thắng, chứ ai lại cho con gái theo người ta đi về Sài Gòn, khỏi cưới. Trước mặt bá quan văn võ, lỡ tui thắng thì sao?
Tui bị sốc, nên tui có một câu phạm thượng: 'Thưa bác Mười (võ sư Lê Văn Tường còn được gọi là Mười Tường - pv), thắng là thắng rồi. Bây giờ bác muốn con thắng ở hiệp thứ mấy?'. Câu nói này để đời, tức là tui phạm thượng, nhưng tôi cũng quá tin tưởng mình, đến mức độ dám nói như vậy", Lê Thanh Tùng nhớ lại sự kiện ngày ấy...
Sự tự tin đến mức khiến Lê Thanh Tùng phải sốc của võ sư Mười Tường không phải là không có lý do. Ông xem nhẹ Lê Thanh Tùng trong tương quan so sánh với Hà Trọng Nghĩa, bởi ông tin vào sự nghiên cứu và chuẩn bị kỹ càng cho đại đồ đệ của võ sư Hà Trọng Sơn, dùng đòn "hốt ngựa" để phá đòn "đảo sơn cước" bằng chân trái lẫy lừng của Lê Thanh Tùng. Nhưng cũng như võ sư Hà Trọng Sơn, võ sư Mười Tường không hề biết rằng Lê Thanh Tùng còn có tuyệt kỹ chân phải.
Ông Mười Tường cũng không thể ngờ rằng lời thách thức của mình càng khiến cho Lê Thanh Tùng quyết tâm phải hạ knock-out bằng được Hà Trọng Nghĩa, không chỉ vì danh dự của bản thân, mà còn của cả võ đường của cha.
"Khi ông Hà Trọng Sơn ổng thách thức á, là ổng đã biết mười mươi là nếu phá được chân trái là thắng - theo ổng nghĩ chủ quan như vậy. Và tui cũng đồng ý ông thầy Hà Trọng Sơn ổng nghĩ đúng, ổng nghĩ đúng về phần ổng á. Cái lý do đơn giản là khi tui ra miền Trung tui chỉ đánh chân trái thôi thì đối thủ đã nằm rồi, thì làm sao tôi còn đánh chân phải được. Nên ổng không thấy là cái chuyện bình thường.
Tui không nói quá lời. Thực sự là tui đánh có một hiệp mà đánh chân trái họ nằm rồi, thì tui có đánh chân phải đâu. Nhưng mà thực sự là tui tập chân phải và chân trái gần như là 9-10, để tôi thay đổi".
Và trận đấu diễn ra, quả tình đã vượt quá sự trù liệu của "Hùm xám miền Trung", qua lời kể tận tường của đại võ sư Lê Thanh Tùng:
"Tui vô tui đá ngay cái đòn tuyệt kỹ của mình: chân trái. Bắt đầu hiệp đầu là tui đánh chân trái liền, đá vô cằm. Ảnh bắt dính cái đòn chân của tôi liền. Vừa chụp xong, nếu mà một người không có nghề mà gặp đòn bắt chân như vậy, là cái chân nó bị gãy liền. Đối với võ Bình Định, đòn 'hốt ngựa' họ tập rất là công phu, và rõ ràng là anh Huỳnh Bông tập rất là công phu.
Ảnh bắt dính liền, nhưng mà ảnh vừa bắt dính cái chân tui, thì tất cả thân hình của tui, tui bật lên theo cái chân ảnh đang giữ của tui. Tui bật hết người, vặn một vòng lấy cái chân ra. Nó là phản xạ. Ảnh vừa ôm là tui vặn một vòng tròn xoáy lấy cái chân ra. Ảnh có tập luyện mấy đi nữa, cũng bị cái sức mạnh của tui kéo vuột ra.
Hai lần như vậy. Cả hai lần anh Huỳnh Bông thành công bắt chân. Lần thứ ba tui đá chân mặt. Lần thứ ba tui không đá chân trái nữa, tui đá chân mặt, ảnh trúng đòn liền. Vì ảnh không thể ngờ được là tui đang đánh chân trái mà đổi sang đánh chân mặt nhanh đến như vậy, mạnh đến như vậy.
Cái đòn chân mặt tui đá, cũng là "đảo sơn cước", đá bộ hạ, phá chân trụ. Ảnh vừa lết vô hốt cái chân trái, thì bị dính cái chân phải, ảnh quỵ xuống liền. Vừa đá xong, tui đập cái chỏ. Mặt ảnh kéo xuống, tui đánh cái chỏ ngang vô. Ảnh dội ra từ giữa sân đài, trôi ngược vô dây đài luôn, dính vô dây đài. Tui bay vô, đá vô mặt ảnh cái nữa. Ảnh gục xuống.
Nhưng mà ảnh rất là mạnh, ảnh đứng lên liền. Ảnh đứng lên mà vẫn lựng khựng. Cái chân mặt tui đá thêm một lần nữa ở dưới, hốt hai cái chân ảnh. Ảnh ngồi phịch xuống đài. Lần thứ nhì. Đếm tới tiếng thứ 10, ở dưới quăng khăn lên luôn".
Đấy là trận đấu cực kỳ hiếm hoi mà "Hùm xám miền Trung" Hà Trọng Sơn phải quăng khăn trắng cho đại đệ tử của mình.
Trận đấu ngã ngũ, một thiếu nữ xinh đẹp hút hồn bước lên đài tặng cho võ sĩ thắng cuộc một bông hoa hồng rất đẹp. Sau này, Lê Thanh Tùng mới biết đó chính là ái nữ của ông Mười Tường - người từng đưa ra lời thách thức khiến mình "phạm thượng".
Người ta đồn rằng buổi tối sau trận đấu ấy, Lê Thị Thanh - cô con gái của ông Mười Tường, đã lên tận phòng của Lê Thanh Tùng, giới thiệu về mình rồi hỏi chàng võ sĩ trẻ: "Bông hồng em tặng, anh còn giữ đó không?". Lê Thanh Tùng ngẩn người, bởi bông hoa hồng đã rớt mất lúc nào chẳng hay. Người đẹp lặng lẽ quay đi không một lời từ biệt.
Cuối năm ấy - 1971, trong sự kiện võ thuật tổ chức tại Pleiku, Lê Thanh Tùng gặp một trận đánh "oan gia ngõ hẹp" với nhà vô địch miền Trung thuộc võ đường Hà Trọng Sơn - Trần Cang. Điểm bất thường của trận đấu này là Trần Cang nặng hơn Lê Thanh Tùng đến 17 cân. Và đây là lúc ông gác " thần cước" lại, để "chơi" với đối thủ bằng thân pháp.
"Lúc bây giờ mình phải dùng tới thân pháp, chứ không phải thần cước nữa. Cái thân pháp làm sao mà mình vô tấn công xong trúng đòn, mình đi ra trước khi ảnh đánh. Đó là một chiến thuật để đánh với những người nặng cân. Anh mà đánh xáp lá cà, anh đánh 3, 4 đòn, địch thủ trúng đòn chưa hề hấn gì mà dớt lại một đòn là là anh 'ngủ' rồi. Là vì sức anh không thể chịu được đòn của một người lớn ký như vậy.
Thường thường là hạng cân hơn nhau có 3 ký, thế nên lớn hơn 17 ký thì quá đáng. Đằng này Trần Cang là vô địch miền Trung. Qua đến hiệp thứ nhì thì ảnh bỏ cuộc. Vì thứ nhất là ảnh hổng có đánh trúng mình, thứ hai là mình cứ vô là trúng, thì ảnh mới chịu không nổi chớ".
Nhưng sự kiện võ thuật ở Pleiku năm đó chưa kết thúc với Lê Thanh Tùng bằng trận thắng oanh liệt trước đối thủ nặng hơn mình những 17kg, mà còn khiến tất cả kinh ngạc bằng trận boxing đầy kịch tính.
Đêm đài kế tiếp, một võ sĩ người Mỹ tên là John đưa ra cho Ban tổ chức lời thách thức bất cứ võ sĩ Việt Nam nào dám đấu với anh ta bằng luật quyền Anh. Không ai dám nhận lời, bởi tất cả các võ sư, võ sĩ Việt Nam đều đánh tự do, mặt khác họ cũng có phần e ngại tay đấm quyền Anh cao lớn người Mỹ. Lúc này, Ban tổ chức đều phải trông đợi vào Lê Thanh Tùng - võ sĩ từng chơi quyền Anh trước khi đánh tự do:
"Ảnh không thách đấu tui mà ảnh thách đấu tất cả võ sĩ, võ sư Việt Nam đang có mặt trong kỳ võ đài này - lên đánh quyền Anh với ảnh. Mình không đánh, mình nói rằng mình bỏ quyền Anh mấy năm rồi, thì cái đó không ai nghe hết á. Người ta chỉ biết là Việt Nam có người đánh thôi à.
Cái đó là vấn đề tự ái dân tộc. Cái tự ái dân tộc không cho phép tui là người biết đánh quyền Anh mà không đánh. Mà tôi lại có cái tánh háo chiến nữa. Cái thời đó, cái thời tui 21 tuổi, tui rất háo thắng, háo chiến, nhưng mà háo chiến bằng một cái quyết tâm có trật tự, có kỷ luật, chứ không phải háo danh để lên đánh đại cho người ta đánh mình. Không có. Mà mình biết mình phải thắng địch thủ bằng cái gì.
Tui lên tui đánh rất là kỹ lưỡng, và cái người trọng tài hôm đó chính là Huỳnh Tiền (một võ sư huyền thoại của làng võ Việt Nam - pv), đánh bậy bạ là ổng bắt lỗi liền. Ổng không có bênh được, ổng đứng vai trò trung gian, ổng là trọng tài, thành ra mình phải đánh cho đúng kỹ thuật. Và tới hiệp thứ nhì thì ảnh chảy máu, ở dưới quăng khăn lên".
Ba trận thắng đình đám trong số hơn 50 trận toàn thắng đã dệt nên 4 chữ "Độc cô cầu bại" cho một Lê Thanh Tùng lẫy lừng. Song ít ai biết, dù là con trai của một võ sư lừng lẫy, song "thần cước vô địch" từng chọn... cây đàn, thay vì đường quyền, nắm đấm...
Cố võ sư Lê Đại Hoan - cha của Lê Thanh Tùng, tên thật là Nguyễn Văn Hoan, sinh ra trong một gia đình giàu có nhất làng Phước An (thuộc xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Nhà có điều kiện lại thương con trai nên ông Cả Xuân (ông nội của Lê Thanh Tùng) mời võ sư tên Lê Đại về ăn ở trong nhà để dạy võ cho con trai mình. Gặp học trò đam mê võ nghệ, tâm tính hợp ý nên ông Lê Đại dốc lòng truyền thụ tất cả những tâm huyết của mình cho học trò.
Gắn bó cùng nhau 12 năm thì thầy qua đời. Để tưởng nhớ công ơn của thầy, ông Hoan lấy tên của thầy Lê Đại ghép với tên của mình thành tên Lê Đại Hoan, và sử dụng tên này suốt cuộc đời võ thuật của mình.
Năm 1954, ông Lê Đại Hoan đưa vợ con lên Sài Gòn sinh sống, làm chân thư ký tại một nhà kho ở bến cảng Khánh Hội nhờ vào vốn tiếng Pháp của mình. Nhiều lần chứng kiến cảnh phu bốc vác bị băng đảng giang hồ bảo kê tại khu vực cảng Khánh Hội chèn ép, ông Hoan ra mặt bênh vực.
Một buổi chiều ông đạp xe trên đường đi làm về thì bị tên cầm đầu băng đảng tên là Trần Kiệm dẫn theo 10 đàn em chặn đường. Trần Kiệm đứng bên ngoài áp trận để đàn em xông vào đánh hội đồng, song ông Hoan không hề nao núng, dựa lưng vào một bờ tường để đánh trả.
Sau khi ông Hoan đánh ngã vài tên đàn em, những tên còn lại không dám xông vào, Trần Kiệm đứng bên ngoài "nóng máu" nhảy vào tấn công. Được vài chiêu thì tên giang hồ cầm đầu này trúng đòn nằm gục xuống đường, đám đàn em bỏ chạy hết.
Cũng vì trận đánh này mà ông Hoan mất việc tại cảng, lui về Phú Nhuận mở lớp dạy võ để mưu sinh.
Tuy nhiên "dao sắc không gọt được chuôi", võ thuật lại không phải là đam mê đầu đời của cậu con trai Lê Thanh Tùng mà ông hết lòng kỳ vọng:
"Thuở bé, tui tập võ để đối phó với thân phụ thì đúng hơn. Từ năm tui 4 tuổi ông cụ đã mở võ đường rồi, nhưng mà mình cứ né tránh cái việc học tập".
Không mê tập võ, Lê Thanh Tùng lại mê đàn, khiến võ sư Lê Đại Hoan phải cực kỳ thất vọng về cậu con trai được kỳ vọng sẽ nối nghiệp mình:
"Đến cái lúc ông cụ không còn chịu đựng được á, thì trong lúc tui đang ngồi đờn hát một mình, ông cụ tới lấy cây đờn đập luôn. Đó là cái sóng gió bắt đầu. Ông cụ đập cái đờn luôn, là dứt khoát không cho tui đờn, thì tui lại dửng dưng, cũng không tập võ luôn. Cho đến lúc ông cụ thấy như vậy đó, là ông cụ biết hết nước rồi. Ổng đành phải đi mua cây đờn khác về để trả lại cho tui.
Ông cụ thấy mình không đúng, nhưng từ khi ông cụ mua cây đờn về, tui cũng thấy trong lòng rằng mình có cái sai".
Không thể tìm thấy đam mê võ thuật trong chính võ đường nổi tiếng của cha mình, song số phận lại đưa Lê Thanh Tùng đến với võ thuật bằng "con đường vòng" đầy chất định mệnh:
"Khi tui học võ cổ truyền để đánh võ tự do của thân phụ, học theo cách miễn cưỡng, thì ngược lại tui rất thích thú với món quyền Anh của bác Tám Dennis. Nhưng mà chưa hết, học được 6 tháng thì hai thầy trò mới đạp xe đạp vô sân Thống Nhất. Lý do là vì Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam đã mời được một huấn luyện viên từ Hawaii, tên là Thompson - về huấn luyện boxing cho những võ sinh của các võ đường thích học quyền Anh.
Từ đó, hai thầy trò cứ chiều chiều đạp xe đạp tầm hai chục cây số vô sân Thống Nhất để tập quyền Anh. Và từ đó con đường quyền Anh của tui rất chuẩn xác về kỹ thuật là nhờ như thế".
Năm 1965, chỉ một năm sau khi bắt đầu tập quyền Anh, cậu học trò 15 tuổi Lê Thanh Tùng đã có trận thượng đài đầu tiên trong sự nghiệp:
"Sau một năm tập luyện, ông thầy nghĩ rằng tui đánh được, và ông cụ Lê Đại Hoan lấy danh nghĩa võ đường Lê Đại Hoan đưa Lê Thanh Tùng lên đánh trận đầu tiên. Tui đánh với anh đó tên là Hồ Điệp. Tui đánh có một hiệp thôi à, thì ảnh bỏ cuộc. Người ta rất là ngạc nhiên khi tui đánh trận đầu tiên, mà lại đánh với một võ sĩ của một võ đường nổi tiếng về quyền Anh là võ đường Lê Ngọc Tùng, từ nước ngoài về đào tạo các võ sĩ quyền Anh.
Trận thắng đầu tiên ấy làm tui cảm thấy rất là phấn khởi để tiếp tục tập luyện".
Kể từ năm 1965, làng quyền Anh Sài Gòn bắt đầu biết đến tay đấm trẻ Lê Thanh Tùng. Ông đánh hết đối thủ hạng ruồi, rồi chơi lên hạng gà mà vẫn không có đối thủ. Cái tên lừng lẫy là "nạn nhân" của ông là Xuân Thanh - võ sĩ hạng gà:
"Lúc đó hạng ruồi tôi đánh hết rồi, mấy người trong Tổng cuộc hỏi tui có muốn đánh Xuân Thanh trên một hạng - hạng gà, không, thì tui vẫn đánh luôn. Thế là tui lên đánh ảnh một lần thắng, xong ảnh thách lại, cũng đánh thắng".
Những tên tuổi khác là "nạn nhân" dưới đôi găng của Lê Thành Tùng có Văn Bình của lò Kid Dempsey, Đỗ Thái Lai của lò Nguyễn Thắng Minh - đều là những tên tuổi lừng lẫy của giới quyền Anh Sài thành.
Năm 1968, Lê Thanh Tùng 18 tuổi, đúng cái tuổi đẹp nhất và phong độ nhất trên sàn đài quyền Anh, ông quyết định treo găng boxing, để "trở về":
"Tự nhiên mình cảm thấy rằng mình không nên tiếp tục đánh quyền Anh trong khi thân phụ lại là một võ sư nổi tiếng về võ tự do. Từ trong lòng mình nghĩ như vậy đó, thì tui không tranh cái giải vô địch năm 1969 của quyền Anh nữa. Tui bỏ. Tui muốn nói thẳng với thầy Lê Đại Hoan là thân phụ ơi, nói với tổng cuộc là con chuyển qua đánh võ tự do, không đánh giải quyền Anh nữa. Năm đó Xuân Thanh vô địch..."
Và từ đó, một huyền thoại ra đời...
Theo Mộc Miên - Kim Thiền (nguồn: Kênh Võ Việt)
Trí Thức Trẻ