Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng trong tháng đầu năm 2022.
Theo đó, cuối tháng 1/2022, tiền gửi tại các ngân hàng đạt hơn 10,97 triệu tỷ đồng, tăng gần 35.000 tỷ, tương đương tăng 0,32% so với cuối năm 2021.
Đáng chú ý, tiền gửi của các tổ chức kinh tế sụt giảm hơn 68.000 tỷ (giảm 1,21%) xuống còn hơn 5,57 triệu tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do yếu tố mùa vụ khi đây là thời điểm các doanh nghiệp rút tiền để thực hiện việc chi trả lương, thưởng cuối năm cho người lao động ngay trước dịp Tết Nguyên Đán.
Trong khi đó, tiền gửi của người dân tăng vọt hơn 103.000 tỷ trong tháng 1 lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 1,95%. Đây là tháng tăng mạnh nhất của tiền gửi dân cư trong 10 tháng trở lại đây.
Trước đó, trong năm ngoái, dưới tác động của dịch bệnh và môi trường lãi suất thấp, tiền gửi của dân cư tăng trưởng "èo uột", không có tháng nào tăng nổi 1%. Thậm chí, trong quý 3/2021, khi loạt tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, người dân đã liên tục rút ròng tiền gửi từ ngân hàng trong nhiều tháng.
Việc tiền gửi của người dân tăng mạnh ngay trong tháng 1 cũng gây bất ngờ bởi thông thường đây cũng là tháng cao điểm người dân cần tiền mặt để chi tiêu trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Những năm trước, phải sau dịp Tết, tiền nhàn rỗi trong dân mới quay về hệ thống ngân hàng, thường tăng mạnh trong tháng 2 – tháng 3.
Nguyên nhân một phần có thể do nhiều nhà băng đã tăng lãi suất huy động trong thời gian này. Nhiều ngân hàng đã tăng 0,3-0,8 điểm phần trăm cho lãi suất tiết kiệm online và tung ra các chương trình ưu đãi quà tặng cho khách hàng gửi tiền. Theo đó, hiện đã có gần chục ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất trên 7%/năm, một số nơi có thể lên đến trên 7,5%/năm.
Ngoài ra, thói quen trong chi tiêu của người dân đã có sự thay đổi khi các ứng dụng ngân hàng số, ngân hàng điện tử phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Sau khi nhận lương, thưởng cuối năm, nhiều người không rút hết ra bằng tiền mặt mà để nguyên trong tài khoản vẫn có thể chi tiêu mua sắm online.
Thời gian gần đây, các ngân hàng cũng đẩy mạnh hút tiền gửi để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao. Báo cáo phân tích mới đây của chứng khoán SSI cho biết, đến ngày 10/3, tăng trưởng tín dụng đạt 3,11%, cao hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và 0,6 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng ghi nhận vào 25/2. Sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng trong giai đoạn đầu năm 2022 phản ánh nhu cầu tín dụng tăng dần của doanh nghiệp sau khi bị giãn đoạn do dịch bệnh và cùng với nỗ lực hỗ trợ bơm vốn rẻ của hệ thống ngân hàng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi.
SSI duy trì quan điểm mặt bằng lãi suất trên thị trường đã tạo đáy và kỳ vọng nhích tăng dần về cuối năm. Mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và diễn biến của lạm phát.
https://cafef.vn/ngan-hang-nang-lai-suat-tien-gui-cua-nguoi-dan-lap-tuc-tang-manh-hon-100000-ty-20220323110730669.chnTheo Thu Thuỷ
Doanh nghiệp và Tiếp thị