Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt an ninh lương thực là ưu tiên quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời nỗ lực đáp ứng nhu cầu tăng vọt của người dân đối với ngô, đậu tương và lúa mì.
Nhập khẩu của Trung Quốc đối với các mặt hàng này đã đạt đến mức kỷ lục, khiến Bắc Kinh càng dễ bị tổn thương trước các căng thẳng thương mại và cú sốc nguồn cung.
Cùng lúc đó, thảm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu đã gây ra thiệt hại trên diện rộng cho cây trồng và thu hẹp diện tích đất canh tác, khiến việc thúc đẩy sản xuất ở địa phương càng trở nên khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Tang Renjian đã nêu bật lên mối nguy về cung ứng lương thực tại một cuộc họp cấp cao ở Bắc Kinh trong tháng này.
Ông nói với các phóng viên: "Trung Quốc gặp khó khăn lớn trong sản xuất lương thực vì lũ lụt bất thường vào mùa thu năm ngoái. Nhiều chuyên gia và kỹ sư nông nghiệp nói với chúng tôi rằng điều kiện mùa màng năm nay có thể là tồi tệ nhất trong lịch sử".
Bloomberg cho biết, vào năm ngoái, thảm họa tự nhiên đã khiến hơn 860 người Trung Quốc chết hoặc mất tích và phá hoại khoảng 12 triệu ha cây trồng. Chỉ riêng những trận mưa kỷ lục tại tỉnh Hà Nam hồi tháng 7/2021 đã tàn phá hơn 0,8 triệu ha đất nông nghiệp.
Lũ lụt làm trì hoãn việc gieo trồng trên hơn 7,3 triệu ha đất, tương đương với khoảng 1/3 tổng diện tích lúa mì vụ đông của Trung Quốc. Lượng cây trồng cấp một và cấp hai trong năm nay giảm 20% so với thông thường.
Ông Zhang Zhaoxin, nhà nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã chỉ ra hai con đường mà biến đổi khí hậu gây hại đến mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực của nước này.
Hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên diễn ra đang làm giảm sản lượng cây trồng. Trong khi đó, mùa vụ ngày càng khó dự đoán có thể làm suy yếu niềm tin của nông dân và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động của ngành nông nghiệp.
Ông Zhang cho biết nông dân ở miền bắc Trung Quốc quen đối phó với hạn hán chứ không phải lũ lụt. Tại nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi trận mưa ồ ạt năm ngoái, nông dân không thể thu hoạch ngô vì máy móc của họ không thể xử lý nước. Những nơi này không có đủ cơ sở hạ tầng như đường ống và hệ thống để thoát nước đồng ruộng kịp thời.
Các vấn đề trên sẽ càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh Trái đất nóng lên. Viện Tài nguyên Thế giới ước tính hạn hán theo mùa sẽ làm giảm 8% sản lượng của ba loại lương thực chính của Trung Quốc là gạo, lúa mì và ngô vào cuối thập kỷ này. Về lâu dài, biến đổi khí hậu cũng đồng nghĩa với việc nước biển ven bờ dâng cao ở miền đông, càng gây khó khăn cho ngành nông nghiệp.
Bà Even Pay, nhà phân tích nông nghiệp của công ty nghiên cứu Trivium, nhìn nhận: "Khi biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng trong những năm tới, các hiện tượng thời tiết sẽ có tác động ngày càng lớn đến năng suất nông nghiệp".
Bà nói thêm rằng tăng cường nhập khẩu không phải phương án khả thi, vì hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến việc trồng trọt trên toàn thế giới trở nên bất ổn hơn. Bà cảnh báo: "Biến đổi khí hậu đang tác động đến phần còn lại của thế giới, và cũng có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Trung Quốc".