Một lít xăng đang cõng 11.000 đồng tiền thuế - Ảnh: HẢI NGUYÊN
Tin vui với người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp trong nước là từ ngày 1-4 tới đến hết năm nay, thuế bảo vệ môi trường giảm 2.000 đồng cho mỗi lít xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn. Nội dung này vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chiều 23-3.
Với mức giảm thuế như nêu trên, theo tính toán của Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng sẽ giảm tương ứng là 2.200 đồng/lít, giá các mặt hàng dầu giảm 1.100 đồng/lít. Ước tính ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 24.000 tỉ đồng từ nguồn này.
Thực tế, giá dầu thô thế giới có thời điểm trong tháng này đã gần chạm mức 140 USD/thùng, cao nhất trong 8 năm qua. Và suốt 1 tuần nay, giá mặt hàng vẫn diễn biến phức tạp, dao động quanh ngưỡng 115 USD/thùng.
Còn tại Việt Nam, chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu tăng hơn 5.000 đồng/lít khiến cuộc sống của đa phần người lao động càng khó khăn. Hàng loạt tài xế xe công nghệ phải tắt app để ngưng chạy. Chi tiêu hằng ngày cho bữa ăn của mỗi gia đình cũng bị đội lên khi giá mớ rau, con cá, lạng thịt… bị đẩy lên theo giá xăng dầu.
"Xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt khiến không chỉ giá xăng dầu vẫn 'nóng' mà còn giá cả các mặt hàng nguyên liệu sản xuất khác cũng tăng cao. Thực tế này đang gây áp lực lên mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm 4% của Việt Nam", ông Nguyễn Bá Khang - phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - nêu đánh giá.
Liệu còn "van" nào nữa để kéo giá bán lẻ xăng dầu trong nước xuống? Quỹ bình ổn xăng dầu hiện đã cạn. Giải pháp được nhiều ý kiến đề nghị là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tại hội nghị lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng của tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hôm 21-3, ông Đặng Văn Khoa - ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nêu vấn đề xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nhưng đang phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia.
Trong tờ trình Chính phủ về đề xuất giảm thuế môi trường, Bộ Tài chính báo cáo xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu dùng của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Ba Lan, Ấn Độ… cũng đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
Do vậy, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng chắc chắn giúp giá bán mặt hàng này không tiếp tục leo thang. Hiện xăng RON95 đang có mức quá cao là 29.690 đồng/lít. Với tỉ trọng thuế chiếm 38%, một lít xăng đang cõng tới hơn 11.000 đồng tiền thuế.
Qua theo dõi của Tuổi Trẻ Online, sau mỗi lần giảm thuế, lệ phí trước bạ… để hỗ trợ người tiêu dùng thì tổng số thuế thu ngân sách tăng lên. Đơn cử việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước 6 tháng cuối năm 2020. Số thu lệ phí trước bạ giảm theo chính sách là 7.314 tỉ đồng, nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước tăng 14.110 tỉ đồng.
Bởi số tiền thuế, lệ phí giảm luôn được người dân sử dụng mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ, nhờ đó người kinh doanh, doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn, hoạt động tiêu dùng và sản xuất - kinh doanh sôi động ắt ngân sách sẽ tăng thu. Giảm thuế, phí không có nghĩa là thất thu.
Hơn bao giờ hết, giá xăng dầu cần tiếp tục được kéo xuống bằng giải pháp thuế, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm nay và năm sau.
TTO - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đặng Văn Khoa cho rằng, vài chục năm trước, người ta quan niệm người giàu mới sử dụng xăng dầu nên coi như không thiết yếu. Nhưng bây giờ, xăng phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá là vô lý.
Xem thêm: mth.35915920232302202-uad-gnax-aig-teihn-ah-ed-euht-meht-maig-nac-nav/nv.ertiout