Giải ngân vốn đầu tư công không đồng đều
Hai tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm đạt 8,61% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tín hiệu khả quan cho thấy sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong việc quyết liệt giải ngân ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, thúc đẩy vốn đầu tư công mang lại hiệu quả cao, qua đó giúp phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh. Tuy nhiên, tiến độ đang chưa đồng đều giữa các địa phương, cơ quan Bộ ngành.
Đến ngày 17/3, trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công có 50/51 Bộ, cơ quan Trung ương đã phân bổ chi tiết kế hoạch. 63/63 địa phương đã phân bổ chi tiết kế hoạch. Tổng số vốn đã có quyết định giao chi tiết đạt 82%.
Tuy nhiên, số vốn các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ còn khá lớn bằng 18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Về giải ngân vốn, một số Bộ, địa phương giải ngân tốt bao gồm 21 đơn vị giải ngân trên 15%. Có 52 Bộ, cơ quan Trung ương giải ngân dưới 5%. Đáng lưu ý có đến 38 đơn vị chưa giải ngân được đồng nào.
Hai tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm đạt 8,61% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa.
Gỡ vướng dòng vốn đầu tư công
Lượng vốn cần giải ngân trong năm nay là rất lớn, tổng cộng khoảng 603 nghìn tỷ đồng. Dù tỷ lệ giải ngân từ đầu năm đến nay có cao hơn các năm trước nhưng vẫn là chậm cho một kế hoạch lớn của năm nay. Trong khi ở thời điểm này, nền kinh tế đang rất cần nguồn lực để phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Sắp hết tháng 3, nghĩa là quý I của năm nay sắp qua nhưng đến nay nhiều cơ quan, Bộ ngành địa phương vẫn còn chưa thực hiện phân bổ xong nguồn vốn được giao. Thậm chí, đến nay nhiều cơ quan còn chưa phân bổ được một đồng vốn nào.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan được giao 107 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay nhưng giờ vẫn còn nguyên, chưa một đồng được phân bổ. TP Hồ Chí Minh còn gần 99%, Đà Nẵng gần 91% chưa được phân bổ. Chưa phân bổ xong vốn, việc giải ngân còn ở rất xa.
Tuy nhiên, việc chậm phân bổ không mới, hàng năm vẫn chậm do hầu hết các Bộ ngành, địa phương không xây dựng kho dự án nên khâu chuẩn bị kéo dài và chưa đảm bảo chất lượng. Nhiều trường hợp không đủ dự án, đủ dự án nhưng không hiệu quả, hoặc có nhiều dự án nhưng không phân loại ưu tiên.
"Theo tôi phải tách biệt việc chuẩn bị dự án đầu tư ra khỏi quy trình thực hiện đầu tư để các địa phương và các Bộ, ngành có đủ chi phí riêng thực hiện dự án, đủ thời gian để lựa chọn dự án đầu tư hiệu quả", ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho hay.
Đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng cho năm nay để phục hồi kinh tế. Ảnh minh họa.
Cùng một mặt bằng nhưng có địa phương làm rất tốt, có địa phương lại ì ạch, vì thế sẽ có sự đánh giá và điều chuyển vốn để đảm bảo không ai, không nơi nào được chậm trễ trong thực hiện nguồn vốn.
Nguồn lực để phục hồi là rất khan hiếm, chính vì thế cần dồn sức để thực hiện mới có kết quả khác biệt. Đồng thời, việc giám sát cũng cần phải phát huy để đảm bảo nguồn vốn này không bị tắc nghẽn ở khâu, ở người nhất định nào trong cả quá trình.
Đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng cho năm nay để phục hồi kinh tế. Nếu chậm, cơ hội sẽ giảm đi và rủi ro tăng lên, vì vậy Chính phủ đã rất quyết liệt và liên tục đôn đốc công tác này.
Mục tiêu không chỉ là cao hơn năm trước, mà còn phải hướng tới hoàn thành 100% kế hoạch đã đặt ra. Đây là trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành, địa phương đồng lòng để thực hiện tinh thần của Chính phủ vượt qua những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nguồn vốn đầu tư công.
VTV.vn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công, gửi Bộ trước 31/3/2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.88223539132302202-gnoc-ut-uad-nagn-iaig-hnam-yad/et-hnik/nv.vtv