NSND Thanh Tuấn trong buổi ra mắt lớp dạy nghệ thuật ca vọng cổ chiều 23-3. Ông không chỉ là danh ca mà còn biết chơi một số nhạc cụ - Ảnh: LINH ĐOAN
Đây là thông tin khiến nhiều người bất ngờ vì ở tuổi ngoài 70, sô diễn làm không hết mà NSND Thanh Tuấn còn "ôm" thêm việc đào tạo vốn rất vất vả.
* Ngoài là giám khảo của những cuộc thi lớn như Chuông vàng vọng cổ và Bông lúa vàng, ông còn diễn đều đặn một tháng mười mấy, hai chục sô từ Tết tới giờ. Như vậy chưa đủ bận rộn hay sao mà ông còn mở lò đào tạo ca vọng cổ?
- Việc mở lớp nghệ thuật ca vọng cổ này tôi ấp ủ lâu lắm rồi. Rất nhiều năm liền, hễ tôi đi tới đâu là có nhiều em cháu theo nói: "Con nghe chú ca con mê lắm. Nhất là cách chú luyến láy, rồi nhấn nhiều chữ nghe đã lắm. Thiệt tình là tụi con muốn học mà sao chú không chịu mở lớp dạy?".
Tôi nghe và suy nghĩ nhiều lắm. Những tiền bối đi trước đã sáng tạo rất nhiều cái hay cho bài vọng cổ rồi. Tới thế hệ của mình, tôi cũng đã miệt mài nghiên cứu, tìm tòi cách luyến láy, cách nhấn nhá từng chữ dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng trong mấy chục năm trời để tạo ra trường phái mà mọi người hay gọi là trường phái ca Thanh Tuấn.
Vui nhất là khi nghe em nào đó ca theo trường phái của tôi hoặc ảnh hưởng cách ca của tôi thì người nghe sẽ kêu lên "Ô, chữ của Thanh Tuấn kìa!".
Nghiên cứu cách ca mới lạ không chỉ là đam mê, sở thích mà tôi còn muốn thêm "dấu cộng" vào nghệ thuật ca vọng cổ để bài vọng cổ thêm phong phú, tươi mới hấp dẫn khán giả. Và giờ tôi muốn truyền lại cho các bạn trẻ để các bạn tiếp tục lưu giữ vẻ đẹp của bài vọng cổ.
* Ông có giới hạn đối tượng, độ tuổi?
- Khi các bạn đăng ký học, tôi sẽ thử giọng hết, bạn nào có khả năng tôi mới nhận. Thế nhưng tánh tôi không thích hứa hẹn, không tạo sự kỳ vọng cho các bạn.
Tôi mở rộng độ tuổi, chẳng hạn có người 50 tuổi biết ca nhưng muốn học cho chắc nhịp thì tôi cũng nói rõ bạn học chơi tài tử cho vui chứ không thể phát triển theo nghề.
Tuổi có tương lai làm nghề được là từ 16, 17 và không quá 40 tuổi. Cái gì tôi cũng sẽ nói rõ từ đầu, tránh để các bạn ôm mộng rồi vỡ mộng "Ủa, tưởng học chú để đi hát mà?".
* Cách đào tạo của ông sẽ như thế nào?
- Tôi sẽ học hỏi theo cách của những người thầy giỏi nghề đã đào tạo ra tôi như thầy Út Trọn, thầy Bảy Trạch và kết hợp thêm một số phương pháp mới, uyển chuyển để đào tạo học viên nhanh hơn. Lớp đào tạo của chúng tôi sẽ tùy theo khả năng của mỗi bạn mà thời gian học sẽ rút ngắn hoặc dài hơn.
Theo kế hoạch, mỗi tuần các bạn học 3 buổi. Lịch học các lớp rải đều từ thứ hai đến thứ bảy. Hai - tư - sáu học buổi chiều, ba - năm - bảy học buổi sáng. Tôi có mời các thầy đờn như Hoàng Hiệu, Văn Giàu..., họ sẽ dạy các bạn nhịp nhàng cơ bản. Chừng một tháng, nếu thấy học viên vững thì tôi sẽ bắt đầu dạy cách ca đặc trưng của tôi.
Từ việc học cách ca của tôi, các bạn có thể học hỏi thêm cách ca của những tài danh khác để phối hợp tạo nên những kiểu ca hấp dẫn, mới lạ.
Sau 3 tháng sẽ giao lưu và ôn thi. Bạn nào có khả năng vượt bậc thì tôi sẽ giới thiệu ca cho đài phát thanh hoặc các đài truyền hình tỉnh.
Hoặc nếu các em yêu thích và muốn tham gia các cuộc thi lớn như Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng..., tôi sẽ thẩm định nếu các em đạt yêu cầu thì tôi sẽ tạo điều kiện cho các em cọ xát.
* Lịch học dự kiến khá dày đặc, ở tuổi ngoài 70, ông có thấy việc đứng lớp khá vất vả?
- Gia đình cũng lo điều đó, sợ tôi cực. Tôi cũng sẽ phân phối thời gian hợp lý để bảo đảm sức khỏe, gặp gỡ và truyền đạt kinh nghiệm không chỉ trong cách ca mà còn là những điều cơ bản trên sân khấu để các bạn nắm bắt và có một nền tảng vững chắc để theo đuổi nghệ thuật truyền thống.
TTO - Ba thí sinh gồm Nguyễn Văn Khởi, Phan Thị Hoàng Oanh và Lê Kim Cương được chọn bước vào đêm thi chung kết tranh chuông vàng lần thứ 12.
Xem thêm: mth.87360309042302202-aik-naut-hnaht-auc-uhc-o/nv.ertiout