Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (SED) mới đây đã công bố BCTC đã kiểm toán năm 2021 với doanh thu thuần năm 2021 đạt hơn 685 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu sách giáo dục là khoản thu nhập chính của doanh nghiệp khi ghi nhận tới gần 663 tỷ đồng, doanh thu từ thiết bị giáo dục là 14 tỷ đồng, doanh thu bán giấy gần 12 tỷ đồng và doanh thu từ hoạt động kinh doanh đạt gần 2 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán ghi nhận gần 512 tỷ đồng, tăng nhẹ 16% so với năm trước giúp doanh nghiệp đem về lợi nhuận gộp hơn 173 tỷ đồng.
Ngược lại với sự tăng trưởng đến từ doanh thu bán hàng, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp lại ghi nhận sự sụt giảm tới 78% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ khoản này đạt gần 3,1 tỷ đồng thì năm 2021 chỉ ghi nhận vỏn vẹn 676 triệu đồng. Đây là con số doanh thu đến từ hoạt động tài chính thấp nhất trong 5 năm trở lại đây của doanh nghiệp khi trong thời gian từ năm 2017 - 2020 đều ghi nhận dao động trong khoảng 2,4 - 3,1 tỷ đồng.
Trong kỳ, mặc dù doanh thu tài chính giảm mạnh tới 78% nhưng chi phí tài chính ghi nhận chỉ giảm nhẹ 22% xuống còn 4,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng ghi nhận đi ngang so với cùng kỳ với hơn 76 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 23% lên hơn 43 tỷ đồng.
Hàng năm, doanh nghiệp ghi nhận khoản chi phí phát triển sản phẩm, thị trường, tập huấn tương đối cao khi trong nhiều năm liên tiếp, đặc biệt trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2021 khoản chi phí phải chi ra cho mục này ghi nhận đều đặn “ngốn tiền” của doanh nghiệp ở mức trên 20 tỷ đồng, có năm lên đến gần 30 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí, doanh nghiệp đem về hơn 50 tỷ đồng lãi trước thuế, lãi ròng đạt 38 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 1 tỷ đồng so với năm 2020.
Phía SED cho biết, năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Tp.HCM với thời gian cách ly xã hội kéo dài 3 tháng đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt khi thời gian cách ly xã hội diễn ra vào đúng mùa cao điểm phát hành phục vụ năm học mới. Nhưng công ty đã chủ động thay đổi hình thực làm việc từ trực tiếp sang gián tiếp, tổ chức cho CBNV làm việc theo chế độ vừa cách ly vừa làm việc tại các kho hàng, phát triển kênh bán hàng trực tuyến nên đã giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì ổn định, không bị ngưng trệ.
Năm 2021, doanh nghiệp đề ra mục tiêu doanh thu đạt 606 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 47 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính SED đã thực hiện vượt lần lượt 114% và 107% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra trước đó.
Từ năm 2019, NXB Giáo dục Việt Nam đã thông qua “thỏa thuận khung” để sở hữu quyền chi phối ở một số công ty mà không cần nắm giữ đủ tỉ lệ cổ phần chi phối. Đổi lại, các công ty liên kết có nguồn vốn do tư nhân sở hữu phần lớn cổ phần - được tham gia thực hiện từng phần hoặc toàn bộ công đoạn trong quá trình xuất bản sách, thiết bị giáo dục của NXB Giáo dục Việt Nam.
Trong số đó có CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam. Kể từ năm 2019 khi được chia phần trong "miếng bánh" sản xuất sách giáo khoa đến nay, Công ty Phương Nam ghi nhận có sự tăng trưởng về doanh thu nhưng không rõ rệt và thiếu tính đột phá. Trong giai đoạn từ năm 2019 - 2021, Phương Nam ghi nhận doanh thu tăng trưởng đều ở mức trên 600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đi ngang ở mức 50 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận gần như giậm chân tại chỗ loanh quanh trong khoảng 38 tỷ đồng.
SED chia sẻ năm 2022 là năm thứ 3 tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. SED cũng đưa ra nhận định đối với ngành giáo dục, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc xuất bản và phát hành sách, vì vậy tất cả các mảng sách đều có sự cạnh tranh gay gắt.
Do đó, doanh nghiệp đề ra chỉ tiêu thận trọng với doanh thu cho năm nay đạt 698 tỷ đồng, tăng 2%; lợi nhuận trước thuế đạt 47 tỷ đồng, giảm 6% và chia cổ tức tỉ lệ 15%. Qua đó, phát hành hơn 53 triệu bản sách.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của doanh nghiệp ghi nhận hơn gần 407 tỷ đồng, tăng 26% so với con số ghi nhận hồi đầu năm.
Nợ phải trả của SED cũng tăng từ 153 tỷ đồng lên mức hơn 237 tỷ đồng, trong đó cơ cấu nợ chủ yếu là nợ ngắn hạn với 232 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất hiện nay của SED là Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam với tổng giá trị nợ rơi vào khoảng hơn 95 tỷ đồng. Các khoản vay này được sử dụng để chi trả cho chi phí xây dựng nhà kho Tân Phú Trung, tài sản bảo đảm là chính nhà kho này khi hoàn thành xây dựng.
Vốn chủ sở hữu của SED tính đến cuối quý IV/2021 cũng ghi nhận nhích nhẹ lên mức 259 tỷ đồng, trong đó có gần 32 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Lãnh đạo thu nhập tiền tỷ
Đáng chú ý, trong năm 2021 SED đã chi tới gần 5 tỷ đồng để chi trả các khoản thù lao, tiền lương, tiền thưởng cho HĐQT và Ban Điều hành công ty.
Cụ thể, ông Lê Huy, Chủ tịch HĐQT được nhận hơn 1,07 tỷ đồng; bà Lê Phương Mai, Uỷ viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc được nhận tới hơn 908 triệu đồng;… Ngoài ra các vị trí Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng đều ghi nhận mức tiền lương của Ban Điều hành rất khủng dao động từ 550 triệu đồng trở lên.