Tê giác đen - Ảnh: AFP
Loài tê giác đen ở Nam Phi sẽ nhận được sự bảo hộ từ một nguồn đặc biệt là sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, nơi các nhà đầu tư đã bày tỏ sẵn sàng mua một loại trái phiếu mới sẽ được Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành để trả tiền cho những nỗ lực thành công bảo vệ loài động vật bị đe dọa nghiêm trọng này.
Trong dự án thử nghiệm, WB sẽ phát hành 150 triệu USD trái phiếu mang tên "Rhino bond" vào ngày 31-3 tới. Thay vì trả lãi suất hằng năm hoặc 6 tháng/lần cho các nhà đầu tư mua trái phiếu, tiền thu được từ bán trái phiếu sẽ được chuyển cho các vườn quốc gia ở Nam Phi, để đầu tư vào công tác chống săn bắt trộm và cải thiện điều kiện sống của loài tê giác đen.
WB cho biết Vườn quốc gia Voi Addo và Khu bảo tồn tự nhiên sông Great Fish sẽ được nhận kinh phí từ nguồn này.
Giới chức WB hy vọng trái phiếu Rhino bond sẽ tạo ra một phương thức mới để thúc đẩy các nguồn quỹ tư nhân tài trợ cho nỗ lực bảo tồn loài tê giác đen hoặc các dự án bảo tồn khác.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch WB David Malpass nêu rõ: "Trái phiếu Rhino bond là một cách tiếp cận mang tính đột phá để khu vực tư nhân đầu tư vào hàng hóa công toàn cầu, trong trường hợp này là đầu tư vào bảo tồn đa dạng sinh học, một thách thức chủ chốt đối với phát triển toàn cầu".
Trái phiếu kỳ hạn 5 năm này sẽ được bán với giá bằng 94,84% mệnh giá trái phiếu và cung cấp cho các nhà đầu tư khoản tiền lời tối thiểu khi trái phiếu đến kỳ đáo hạn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể được nhận một phần trong 13,8 triệu USD từ Quỹ Môi trường toàn cầu trong trường hợp số lượng cá thể tê giác tăng.
Vườn quốc gia Voi Addo và Khu bảo tồn tự nhiên sông Great Fish sẽ nhận tổng cộng 10 triệu USD, khoảng một nửa trong số này sẽ tới trong năm đầu tiên phát hành trái phiếu. Nguồn kinh phí này có thể được dùng mua các thiết bị bảo vệ tê giác như thiết bị bay không người lái và máy bay giám sát để theo dõi những kẻ săn trộm.
Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã liệt loài tê giác đen vào danh sách các loài động vật bị đe dọa nghiêm trọng, mặc dù số lượng tê giác đen hoang dã đã tăng gấp đôi lên hơn 5.000 con, từ mức thấp kỷ lục cách đây 3 thập kỷ.
TTO - Số vụ săn trộm tê giác Nam Phi đã giảm 53% trong 6 tháng đầu năm 2020, một phần do các biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19 và các nỗ lực triệt phá đường dây buôn lậu quốc tế.
Xem thêm: mth.26345852142302202-ned-caig-et-iaol-ev-oab-ueihp-iart-hnah-tahp-meid-iht-bw/nv.ertiout