Số liệu này nằm trong Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2023 được công bố đầu tháng 4-2024.
Đây là báo cáo nghiên cứu chính sách chung của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) Việt Nam.
Báo động xâm nhập mặn
Tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là hệ quả của một số nguyên nhân, bao gồm hạn hán, mực nước biển dâng cao và việc xây đập ở thượng nguồn sông Mekong.
Một trong những tác động đáng lo ngại nhất của biến đổi khí hậu là tình trạng xâm nhập mặn ở các vùng đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Xâm nhập mặn đã trở thành một vấn đề ngày càng đáng báo động mà người dân ở vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam phải đối mặt.
Hiện trạng xâm nhập mặn gia tăng ở nhiều nơi. Theo đó Bến Tre, Kiên Giang và Trà Vinh là những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng xâm nhập mặn.
Tỉ lệ người trả lời ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho biết tình trạng đồng ruộng bị nhiễm mặn đang diễn ra ở địa bàn họ sinh sống tăng hơn gấp đôi, từ 4,7% năm 2021 lên 12,1% năm 2022, và tiếp tục tăng nhẹ lên đến 12,9% vào năm 2023.
Nhìn sâu vào các tỉnh trong vùng, hơn 41% số người trả lời ở các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang cho biết tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra ở địa phương của họ năm 2023, và tỉ lệ này ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An và Vĩnh Long gia tăng mạnh qua 3 năm.
Trong khi đó, người dân một số tỉnh, thành như Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ cho rằng tình trạng xâm nhập mặn năm 2023 giảm so với năm trước đó.
Theo đánh giá của PAPI 2023, các phát hiện qua khảo sát PAPI có thể khác với kết quả quan trắc do địa bàn khảo sát có điều kiện sinh thái khác so với các địa bàn có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Các đơn vị huyện ở Bến Tre có trong mẫu khảo sát PAPI có thể bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn nhiều hơn so với các đơn vị huyện được chọn ở các tỉnh khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉ lệ người dân xác nhận hiện trạng xâm nhập mặn đang diễn ra tại địa phương gia tăng qua thời gian cho thấy hiện tượng này đang ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống của nông dân địa phương như thế nào.
Mặc dù mối quan ngại về thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu không hiển lộ trong 10 vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm 2023 theo khảo sát của PAPI, song yếu tố môi trường tự nhiên tốt hơn lại là động lực thúc đẩy di cư nội địa chính thứ ba.
Mức độ xâm nhập mặn cao hơn nhiều năm
Theo thông tin từ nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở nhiều địa phương. Người dân nhiều nơi thiếu nước ngọt sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Hoàng Văn Đại, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và năm 2023.
Trong tháng 2 và 3-2024, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao, gây ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
"Qua theo dõi diễn biến mức độ xâm nhập mặn cho thấy năm nay cao hơn trung bình nhiều năm.
Các đợt xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện từ ngày 8 đến 13-3 với ranh mặn 4‰, 1‰ xâm nhập vào sâu 40 - 66km, có nơi sâu hơn, như tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70 - 76km.
Ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn, hiện Sóc Trăng đang có khoảng 21.318 hộ dân nông thôn trên địa bàn 36 xã/phường có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.