vĐồng tin tức tài chính 365

Hậu giấc mơ đào vàng, máu và nước mắt - Kỳ 4: Còn gì sau cơn lốc vàng?

2023-12-29 10:02
Anh Được cầm xẻng, thi công sửa chữa đường Hồ Chí Minh - Ảnh: LÊ TRUNG

Anh Được cầm xẻng, thi công sửa chữa đường Hồ Chí Minh - Ảnh: LÊ TRUNG

Phu vàng rớt lại nên duyên sơn nữ

Ngày đó dòng người lũ lượt đổ về đất vàng, đi tìm giấc mơ đổi đời ở miền đất hứa bên những hầm lò sâu hun hút, sặc mùi cyanua, hóa chất và chết chóc. Những giấc mơ vàng vụt tắt, có người bỏ xác vùi thây, có kẻ ôm bệnh tật hay biệt xứ mà đi.

Rồi qua cơn mê, cũng có những phu vàng ở lại với mảnh đất Phước Sơn, an cư, lập nghiệp. Giữa cái nắng hanh hao của trưa trật, Dương Văn Được (35 tuổi) cùng anh trai cặm cụi trộn vữa thi công dự án sửa chữa đường Hồ Chí Minhđèo Lò Xo, địa phận xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn.

Gầy, đen nhẻm, nụ cười tít mắt luôn thường trực, ít nghĩ chàng thanh niên quê gốc Lạng Sơn ấy đã từng ăn núi ngủ rừng làm phu vàng khắp các hầm lò ở Phước Sơn hơn 20 năm về trước.

Ngày đó Phước Sơn nổi tiếng với những tin đồn người người trúng vàng, như một bàn tay vô hình kéo dòng người ngoài Bắc vào thánh địa này. Nhà nghèo, đông anh em, năm 2004 tròn 16 tuổi, Được cùng đám bạn bỏ học, theo dòng người lũ lượt ngược núi tìm đến Phước Sơn, nuôi mộng đổi đời ở những bãi vàng.

Triền miên những tháng ngày, Được cùng đám bạn bán sức ở những hầm lò, bờ bãi, những lãnh địa riêng của các chủ hầm khét tiếng, biệt lập giữa bạt ngàn núi rừng.

Anh kể mình ở lâu nhất là bãi Gió, xã Phước Đức. Đào đất đá, đục lấy quặng từ những hầm sâu hun hút, chừng dăm búa là xanh mặt, run tay, lồng ngực như bị bóp nghẹn vì thiếu oxy.

Lao động khổ cực, hằng ngày phải "cày" cật lực cho chủ bãi từ sáng sớm đến tận tối mịt. Số phận phu vàng mong manh lắm, có người bỏ mạng vì ốm đau, ngạt khí, sập hầm, sạt lở núi.

"Ớn nhất là chui vào hầm, những miệng hầm nhỏ, sâu hút. Ở trong hầm mà cứ sợ sập hầm, vừa làm vừa run. Nhất là những ngày mưa gió bão bùng, ngủ ở trại cứ nơm nớp vì sợ sạt lở đất núi", Được nhớ lại. Ngày đó ở bãi vàng, việc tranh giành lãnh địa diễn ra như cơm bữa. "Tụi nó chém nhau như chém chuối, kinh khủng lắm", Được kể.

Ngày công làm quần quật, cực khổ, bán sức nặng nhọc nhưng tiền lương chủ bãi trả thì rẻ mạt. Mỗi tháng chủ trả cho Được vài trăm ngàn đồng. Nhưng trả kiểu nhỏ giọt hoặc "dây" sang tháng khác để phu vàng không bỏ bãi mà đi.

Nhưng nhiều phu cũng "bức" vì không chịu được cuộc sống địa ngục trần gian và Được là một trong số đó. "Thấy càng ở đó càng nguy hiểm quá, mình còn trẻ, vợ con chưa có. Lấy lý do bố mẹ ở quê đau, mình xin chủ bãi về. Chủ chỉ cho đủ tiền đi xe đò, chặn lại ba tháng lương không trả. Không có tiền, mình lang thang trên thị trấn", Được kể đó là một ngày của năm 2007.

Thoát khỏi bãi, nếu về quê thì cũng sống cảnh nghèo khó nên anh quyết ở bám trụ lại Phước Sơn lập nghiệp. Vốn tính chịu khó, anh làm thuê đủ thứ nghề, từ phụ hồ, bốc vác, chặt cây... Và cũng chính trên con đường làm thuê kiếm sống ấy, Được đã gặp người con gái dân tộc Bh'noong - Hồ Thị Duyên. Đôi trẻ nên duyên vợ chồng ngay trên mảnh đất Phước Sơn này.

Ngày chúng tôi đến, ngôi nhà vợ chồng họ đang xây dang dở. Duyên bận bịu cậu nhóc kháu khỉnh và chăm mấy sào ruộng, làm lao công cho trường học để phụ chồng vun vén cho tổ ấm.

Được kể cũng giống như anh, Lữ Văn Thong, một phu vàng quê Nghệ An cũng lấy em gái của vợ anh, hai phu vàng lại trở thành "cột chèo" với nhau. Dường như trong tâm thức người từng là phu vàng ấy, vàng chỉ là giấc mơ viển vông không có thật, còn cái nghề của hiện tại mới là nguồn cơn nuôi sống gia đình. "Chừ vợ chồng tôi chỉ lo cho các con ăn học. Đứa đầu học sáng lắm", Được nhìn xa nói.

Chiếc xe chở bao phận trai tráng lao vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn và hiểm nguy một thời ở bãi vàng - Ảnh: HỮU KHÁ

Chiếc xe chở bao phận trai tráng lao vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn và hiểm nguy một thời ở bãi vàng - Ảnh: HỮU KHÁ

Gặp "nữ tướng" bãi vàng

Trên chuyến xe vào vùng cao hôm đó, chúng tôi tình cờ gặp bà Hương (tên nhân vật được thay đổi). Người phụ nữ hơn 50 tuổi, tóc ngang vai, giọng bỗ bã vì xưa kia bà vốn dân chợ búa. Trên chuyến hành trình, nghe nhắc đến chuyện làm vàng, bà Hương cao hứng.

"Tụi bây ưng nghe chuyện chi về vàng, tau kể nghe chơi. Tau một thời lang bạt, ăn to nói lớn khắp các bãi vàng, hồi đó lính làm vàng của ta tới mười mấy thằng lận".

Quê gốc Đà Nẵng, từ năm 1988, nghỉ học, cô gái 18 tuổi lấy vàng của cha mẹ làm vốn buôn bán ở chợ đầu mối tại Đà Nẵng. Nhưng không mát tay dân buôn, chỉ sau dăm chuyến, Hương lỗ nặng. Chịu trận la mắng của cha mẹ, vài tháng sau Hương đón xe đò lên thị trấn Khâm Đức tìm miền đất hứa.

"Ta xin ở nhờ nhà người thân trên ni, rồi sau đó lăn lộn buôn bán rau, cá thịt ở chợ kiếm sống qua ngày. Hồi đó trên này thời làm vàng thịnh lắm, buôn bán cũng vì thế mà ăn theo, buôn một lời hai. Bó rau chở từ dưới xuôi lên đây, nát như bấy nhưng bán tiền lời gấp đôi giá vốn, luôn cháy hàng", bà Hương nhớ lại.

Rồi bà có chồng, một chàng trai làm nghề lái xe. Những chuyến xe hai vợ chồng chở gạo, thực phẩm, hàng hóa bán cho các bãi vàng ở xã vùng cao Phước Thành, nơi mệnh danh thủ phủ vàng của Phước Sơn ngày ấy.

Thấy dân làm vàng trúng, vợ chồng bà cũng ham, nhảy vô làm. Họ nghỉ buôn bán, lấy vốn đầu tư hẳn vào bãi vàng với giấc mộng sẽ đổi đời nhanh chóng. Họ được một "đại ca" đỡ đầu, chỉ bãi cho đánh.

Quân lính làm vàng dưới trướng bà cũng gần 20 người "chiến" hết bãi này qua hầm nọ. "Ngày đó ta ở bãi vàng suốt, y như nữ tướng bãi vàng, thét ra lửa, bọn nớ sợ lắm", bà nói.

Tuy nhiên, bao nhiêu tiền vợ chồng bà đổ vào hầm lò mà làm đâu bể đó, tiền đổ xuống đất mà "trớt quớt" hết. "Tụi bây biết nuôi mấy chục quân, riêng khoản lương, ăn, uống mỗi tháng cả trăm triệu đồng. Vàng không thấy, chứ vàng mắt vì ôm nợ đống tiền là có", giọng bà Hương vẻ chán ngán.

Tưởng đã sập tiệm, phá sản, nhưng "trận cuối" bà Hương trúng quả. "Mừng quá ta mang bán trả hết nợ nần, lương cho nhân công, giật sập hầm, giải nghệ, rời hẳn bãi từ đó", bà Hương kể.

Qua thời quá khứ lắm thăng trầm ấy, giờ đây bà Hương đã lên chức ngoại. Hai vợ chồng bà làm đủ thứ nghề ở đất Khâm Đức này và nuôi ba người con học đại học, đều giỏi giang. Đứa con đầu ra trường, đã lấy chồng dưới phố. "Đó mới là tài sản lớn nhất mà hai vợ chồng ta có được sau những năm tháng nuôi giấc mộng vàng", bà Hương cười nói.

Dừng lại đúng lúc

Chúng tôi gặp ông Năm (tên nhân vật đã được thay đổi), đại gia vàng một thời khét tiếng ở Phước Sơn, nay đã giải nghệ.

Ông kể từ năm 2011 bỏ vốn đầu tư làm vàng sa khoáng, hồi đó vàng còn nhiều, làm đâu trúng đó. Tiền tiêu rủng rỉnh mà chẳng gớm tay. "Làm được chừng bốn năm thì cơ quan chức năng truy quét quá, nghĩ thôi thế là đủ rồi, dừng lại", ông Năm kể.

Rồi ông dùng số tiền từ làm vàng đầu tư mua nhà, đất ở Đà Nẵng, đến nay nắm trong tay với kha khá bất động sản. Những nhà phố này đang được ông Năm cho người khác thuê để kinh doanh, buôn bán. Ông bảo mỗi tháng ông kiếm chừng vài trăm triệu đồng từ tiền cho thuê đó.

Số tiền ấy cho con cái ăn học, có đứa du học nước ngoài và đã định cư, làm việc bên đó. "Cũng may lúc đó mình dừng lại đúng lúc, chứ mãi chạy theo vàng có khi giờ lại trắng tay, nhiều người đã gặp cảnh như thế", ông Năm nói một cách triết lý.

---------------------

Kỳ tới: Trở lại “thị trấn giang hồ”

Hậu giấc mơ đào vàng, máu và nước mắt - Kỳ 3: Hồi sinh ngôi làng bị lũ xóa sổ ở xứ vàngHậu giấc mơ đào vàng, máu và nước mắt - Kỳ 3: Hồi sinh ngôi làng bị lũ xóa sổ ở xứ vàng

"Thôi! Chuyện qua rồi, có gì đâu mà kể" - người đàn ông tuổi lục tuần ở "thủ phủ" vàng Phước Sơn (Quảng Nam) xua tay khi được hỏi về khu tái định cư Trà Văn A.

Xem thêm: mth.77403730092213202-gnav-col-noc-uas-ig-noc-4-yk-tam-coun-av-uam-gnav-oad-om-caig-uah/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hậu giấc mơ đào vàng, máu và nước mắt - Kỳ 4: Còn gì sau cơn lốc vàng?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools