Ngày 24/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9. Trong lĩnh vực Công Thương, Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ có kịch bản, phương án rõ ràng và quyết liệt để bảo đảm an ninh năng lượng, cân đối cung cầu xăng dầu trong mọi tình huống.
Cơ quan thường trực của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, định mức hao hụt, chi phí, lợi nhuận định mức... phù hợp thực tế, công khai và minh bạch.
Ở Việt Nam, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải cõng 38-40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 l là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.
Chẳng hạn, nếu giá xăng thành phẩm RON92 (loại dùng để pha chế E5 RON92) là 130 USD một thùng, thì giá cơ sở để tính giá bán lẻ là 30.800 đồng, trong đó giá CIF là 18.855 đồng, gần 12.000 đồng tiền thuế và các chi phí định mức, lợi nhuận định mức... Tức là, tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng dầu gần 39%, trong đó riêng thuế gần 34%.
Hôm 23/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm 2.000 đồng thuế môi trường trên mỗi lít xăng, 1.000 đồng mỗi lít dầu, từ đầu tháng 4 đến hết năm nay. Sau giảm thuế này, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.
Tuy nhiên, ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, Uỷ ban Tài chính ngân sách, cho rằng nên cân nhắc giảm thuế nhập khẩu với xăng. Đây được coi là một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô thế giới biến động.
Cũng theo nghị quyết, Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện các quy định về kinh doanh xăng dầu, như Nghị định 95/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Điều hành giá xăng dầu, cơ quan thường trực Quốc hội nhấn mạnh, cần bám sát diễn biến giá thế giới; sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu hợp lý và kết hơp với thuế, các công cụ khác để bình ổn thị trường. Trường hợp giá xăng, dầu tăng cao thì hỗ trợ trực tiếp người dân gặp khó khăn, như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp...
Chính phủ cũng cần có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý... cần được kiểm tra, xử lý nghiêm.
Riêng vướng mắc liên quan tới Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cơ quan thường trực của Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp tổng thể, căn cơ; và làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết tại hợp đồng đầu tư, kinh doanh.
Liên quan tới quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả.
Nhưng sự phối hợp giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát hàng hoá như quản lý thị trường, công an, biên phòng, cảnh sát... và các địa phương cần chặt chẽ hơn. Việc này để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lẩn tránh, gian lận xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không, nhất là với các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19.
Lực lượng quản lý thị trường phải tăng kỷ luật, kỷ cương công vụ, phòng, chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng. "Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra sai phạm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu", Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu.
Chính phủ cũng được giao xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu toàn quốc, làm cơ sở cho đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử; rà soát, hoàn thiện các quy định chống gian lận xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại.
Với xuất khẩu nông sản, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là có lộ trình đẩy nhanh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Tiến độ đàm phán các Nghị định thư với Trung Quốc phải được đẩy nhanh, nhằm giảm tỷ lệ, thời gian nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.
Bên cạnh xuất khẩu, cũng phải phát triển thị trường trong nước thông qua kênh siêu thị, sàn thương mại điện tử...
Hoài Thu