Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, dưới tác động của chiến tranh và ảnh hưởng của Covid-19, mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4% của Chính phủ là rất thử thách.
Một phân tích của Savills World Research đã chỉ ra lạm phát chi phí đẩy (lạm phát xảy ra do các chi phí như nguyên vật liệu, chi phí lao động tăng) sẽ dẫn đến hạn chế nguồn cung bất động sản. Đặc biệt, tại Việt Nam, thời gian qua nguồn cung bất động sản nhà ở rất hạn chế. Người dân chủ yếu đầu tư đất nền, còn các sản phẩm bất động sản nhà ở bao gồm đất và các tài sản trên đất chiếm tỷ lệ thấp hơn.
Do đó, TS Sử Ngọc Khương nhận định trong bối cảnh bất ổn kinh tế - chính trị thế giới, lạm phát tăng nhanh và nguồn cung khan hiếm, thị trường bất động sản bao gồm cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam sẽ tăng giá đáng kể và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát.
Nhận định về thị trường bất động sản hiện nay, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, giá đất tăng cũng như sốt đất xảy ra diện rộng so với giai đoạn 2018-2019.
Sức nóng của thị trường bất động sản không chỉ bùng phát ở các thành phố lớn mà còn diễn ra ở các khu đô thị vệ tinh, khu vực lân cận. Sốt đất đã xảy ra tại một số khu vực lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh; Đức Hòa, Bến Lức của tỉnh Long An; khu vực Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc của Bình Thuận; cao nguyên Bảo Lộc, Lâm Đồng; Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk của khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Bắc.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, dù kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng lớn do Covid-19 nhưng vẫn có sự tăng trưởng. Các thông tin quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, dự án cũng được công bố, nhiều địa phương cũng tích cực triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, thu hút được doanh nghiệp ngoại đến đầu tư khu công nghiệp, dự án nghỉ dưỡng...
Những yếu tố này khiến nhà đầu tư chú ý, đặt ra chiến lược đầu tư đón đầu. "Giá đất theo đó được đẩy lên cao do tình trạng mua đi bán lại nhanh", ông nói.
Ở góc nhìn khác, ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cho rằng, bất động sản “sốt” một phần do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông đánh giá: “Bất động sản và thị trường chứng khoán được ví von là hai bình thông nhau. Cứ sau mỗi đợt thị trường chứng khoán tăng ấn tượng thì bất động sản sẽ hưởng lợi. Có thể thấy, giai đoạn 2020-2021 ghi nhận VN-Index liên tục phá đỉnh cả về mặt điểm số và thanh khoản. Bên cạnh đó, lớp lớp nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường càng khiến thị trường trở nên sôi động. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong quá trình chuyển tiếp từ giai đoạn mới nổi sang thị trường cận biên. Do đó, sốt đất có thể lý giải do một bộ phận nhà đầu tư chứng khoán chốt lời và chuyển phần lợi nhuận sang bất động sản.
Bà Đỗ Hương Giang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Property X của Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ, dù đầu tư vào thị trường bất động sản có cơ hội lớn, các nhà đầu tư cần chú trọng yếu tố an toàn, bền vững.
Đơn cử với phân khúc đất nền ở các tỉnh vùng ven, bà cho rằng các nhà đầu tư nên chọn những sản phẩm có quy hoạch rõ ràng, được chính quyền xác nhận hay quy hoạch dự án của chính chủ đầu tư với tình hình tài chính doanh nghiệp ổn định, có kế hoạch đầu tư dài hạn.
Nhận định về thị trường bất động sản năm nay, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, xu hướng giá sẽ tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng nhanh hay chậm phụ thuộc vào khả năng hấp thụ, độ chấp nhận của thị trường. Nguồn cung năm 2022 cũng sẽ được cải thiện, tạo đà tăng cho giai đoạn tới đây.
https://cafef.vn/lam-phat-nguon-cung-khan-hiem-va-ca-tam-ly-dau-tu-don-dau-dang-khien-gia-bat-dong-san-nhay-mua-20220324112129839.chnTheo Phong Linh
Trí Thức Trẻ